Sinh nhật năm 1947, Bác ở Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương. Đây là nơi Bác chọn ở và làm việc đầu tiên tại ATK Việt Bắc, sau ngày toàn quốc kháng chiến. Ngày 19/5, các đồng chí phục vụ muốn tổ chức một bữa ăn tươi, nhưng Bác từ chối: “Công việc kháng chiến còn nhiều khó khăn, vất vả. Khi nào kháng chiến thành công, về Hà Nội, các chú tổ chức sinh nhật Bác cho đàng hoàng”.
Sinh nhật năm 1949, Bác ở một gia đình tại Bản Chương, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn. Đây là nơi sinh sống của đồng bào Tày, cách trụ sở UBND xã Hùng Lợi ngày nay khoảng 7 km. Lúc này, cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn ác liệt, nên Bác làm bài thơ “Không đề” để từ chối việc tổ chức sinh nhật mình: “Vì nước nên chưa nghĩ đến nhà/Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già/Chờ cho kháng chiến thành công đã/Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”.
Bài thơ thành thật và giản dị, là lời đáp lại tấm lòng của nhân dân và đồng chí, nhưng cũng động viên, cổ vũ nhân dân và chiến sĩ quyết tâm đuổi giặc cứu nước.
Bác ngồi câu cá tại Khấu Lấu - nơi Bác đón sinh nhật năm 1950.
Đúng ngày 19/5/1949 Bác gửi phần thưởng cho 3 nhân viên Ủy ban kháng chiến hành chính ở Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nam Dư Hạ (Hà Nội). Sau đó, Bác gửi lời cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội và đồng sự trong Chính phủ, đồng bào các địa phương…đã gửi quà, gửi thư, điện chúc mừng sinh nhật Người. Bác hẹn: “Đến ngày toàn quốc ăn mừng hoàn toàn thắng lợi, trong cuộc kỷ niệm to ấy, tôi sẽ vui vẻ tiếp đồng bào và chiến sỹ, kèm thêm một kỷ niệm nhỏ là ngày sinh nhật của tôi”.
Sinh nhật năm 1950, Bác Hồ ở Khấu Lấu - Vực Hồ, xã Tân Trào, Sơn Dương. Đây là nơi đặt trụ sở làm việc của Chủ tịch phủ và Thủ tướng phủ, chỉ cách nơi Bác ở tại Khấu Lấu và Hang Bòng một con sông Phó Đáy. Ở đây cũng có một ngôi nhà sàn nhỏ của Bác, dùng để Người nghỉ trưa trong những ngày họp Hội đồng Chính phủ hoặc nghỉ lại qua đêm mỗi khi không tiện qua sông về nơi ở chính của Người tại hang Bòng, Tân Trào.
Ngày 19-5-1950, Chính phủ tổ chức lễ chúc thọ mừng Bác Hồ tròn 60 tuổi tại Chủ tịch phủ. Linh mục Phạm Bá Trực, Phó trưởng Ban thường trực Quốc hội đứng lên thay mặt toàn thể đọc những lời chúc thọ Bác, mở đầu bằng mấy câu tiếng Latinh rất trịnh trọng. Bác Hồ tươi cười cảm ơn và nói: Tôi có mấy câu thơ cũng chỉ là khoai khoai sắn sắn thôi xin được đọc ra đây: Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán,/So với ông Bành vẫn thiếu niên./Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe,/Trần mà như thế kém gì tiên.
Bài thơ nói vui mà rất khoa học, chính xác, biện chứng về những hoạt động bình thường của con người. Lấy tứ từ dân gian “Ăn được, ngủ được là tiên”, Bác điều chỉnh, bổ sung thành ăn khỏe, ngủ ngon. Bác lấy việc cống hiến cho đất nước làm tiêu chuẩn hạnh phúc cao nhất. Đây chính là một cái nhìn mới, một quan niệm sống mới, đem đến một nội dung mới cho câu thơ. Khái niệm ông tiên trong câu thơ Bác do vậy trở nên thật gần gũi. Bài thơ ứng khẩu tự nhiên, tươi trẻ, vui vẻ, khỏe khoắn và thoải mái, tràn trề sức thanh xuân.
Trước đó, Bác tiếp đội Thiếu sinh Vệ quốc quân, Đội văn công Vệ út và Đội Thiếu nhi nghệ thuật Lưu Hữu Phước đến chúc thọ Người. Trưa và chiều, Người đãi các cháu cơm không độn sắn. Tối, sau khi xem các cháu biểu diễn, Người mời mỗi cháu một bát cháo gà. Các cháu đã kính tặng Người một cây sáo trúc.
Ngày 20-5-1950, Người gửi điện cảm ơn Chủ tịch Mao Trạch Đông, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Trung Quốc và Hội Liên hiệp học sinh sinh viên Trung Quốc về những lời chúc mừng nhân kỷ niệm lần thứ 60 ngày sinh của Người.
Sinh nhật năm 1951, Bác Hồ ở Hang Bòng, xã Tân Trào, Sơn Dương. Bác tiếp các đại biểu Quốc hội, Chính phủ, mặt trận... đến chúc thọ. Sau đó, Bác tiếp các nhà báo, trả lời về chính sách của Chính phủ, về quan hệ quốc tế và vấn đề hòa bình thế giới. Người chỉ rõ: “Khả năng của nhân dân rất nhiều, nhưng cán bộ phải biết giải thích cho nhân dân hiểu rõ, mọi người sẽ nô nức phục vụ và việc gì cũng sẽ làm được”.
Hang Bòng là nơi Bác ở trong thời gian dài nhất so với các nơi khác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Cùng ngày, Bác ký Quyết định ân xá cho một phạm binh thuộc Đại đoàn 308 và ân giảm hạn tù cho 16 phạm binh khác. Ngày hôm sau, Bác đánh máy thư gửi hàng binh Pháp Anbe Clavie, cảm ơn vì những lời chúc sinh nhật và vì đóng góp của người này vào phong trào mua công trái. Bác cũng gửi thư cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, đồng bào trong nước và kiều bào nước ngoài, bộ đội và các cơ quan, đoàn thể nhân dân, các bà mẹ chiến sĩ và anh em thương binh, các cháu thanh niên và nhi đồng, bà con Hoa kiều và các nhân sĩ bạn bè ngoại quốc đã gửi quà, thư, điện chúc thọ nhân ngày sinh của Người.
Thư viết: “Tuổi tuy hơi già, nhưng vì nước ta trẻ, dân ta trẻ, cho nên tinh thần và lực lượng tôi vẫn trẻ. Để báo đáp lòng yêu mến của đồng bào, tôi xin hứa rằng: Với sự giúp đỡ của Quốc hội và Chính phủ, với sự đôn đốc và ủng hộ của toàn dân, với ý chí kiên quyết thi hành mệnh lệnh của cán bộ và bộ đội, tôi quyết đưa cả tinh thần và lực lượng để phụng sự Tổ quốc, và hướng dẫn đồng bào cùng bộ đội đi đến: Kháng chiến thắng lợi, Kiến quốc thành công. Và góp phần vào sự nghiệp giữ gìn dân chủ, hòa bình thế giới”.
Sinh nhật năm 1953, Bác cũng ở an toàn khu Việt Bắc. Bác làm bài thơ “Sáu mươi ba tuổi”: “Chưa năm mươi đã kêu già/Sáu ba mình vẫn nghĩ là đương trai/Sống quen thanh đạm nhẹ người/Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung”.
Câu thơ lục bát nhẹ nhõm, thênh thênh như tiếng nước suối rừng Việt Bắc. Lời thơ không chỉ là lời cảm khái về tuổi tác bản thân, nhưng vẫn hàm chứa trong đó tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin vào ngày chiến thắng; đồng thời khiến cho đồng chí đồng bào cùng vững thêm niềm tin chiến thắng.
Sinh nhật năm 1954, Bác Hồ ở thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, Yên Sơn. Sinh nhật Bác năm 1954 ấy rất vui, vì cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp đã thắng lợi hoàn toàn. Sáng 19/5, Bác chủ trì cuộc gặp gỡ và mở tiệc chiêu đãi các đại biểu chiến sỹ đã lập thành tích xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên phủ, trong đó có chiến sỹ đã bắt sống tướng Đờ cát. Cả 6 chiến sĩ đều bất ngờ, vì nơi gặp Bác không phải trong hội trường, cũng không phải trong phòng làm việc. Lần lượt các chiến sĩ thưa với Bác, với các cán bộ ở Trung ương và Chính phủ về thành tích chiến đấu ở Chiến dịch Điện Biên Phủ của cá nhân mình và đồng đội; đồng thời chúc mừng sinh nhật Bác, chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu.
Bác nghe xong báo cáo của Đoàn chiến sĩ thì nói: Chính phủ và Bác rất vui, vì các chú đã lập công trong Chiến dịch Điện Biên. Bác khen và sẽ thưởng cho các chú. Nhưng các chú phải khiêm tốn, không được chủ quan, nhiệm vụ của các chú còn rất nặng nề, các chú phải cố gắng hơn nữa, lập công nhiều hơn nữa! Rồi Bác gắn Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên và Huy hiệu của Người lên ngực áo từng chiến sĩ.
Sinh nhật năm 1954 cũng là sinh nhật cuối cùng của Bác Hồ ở Tuyên Quang. Kỷ niệm 135 năm sinh nhật Bác, mỗi người dân Tuyên Quang lại tự hào nhớ về những ngày tháng ấy, thêm quyết tâm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, “lo trước cái lo của thiên hạ” để cùng xây dựng Tuyên Quang phát triển.
(Theo các tài liệu lịch sử)
Gửi phản hồi
In bài viết