Bánh cuốn

- Tuyên Quang không chỉ được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp nức tiếng gần xa như Hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình, thác Bản Ba (Chiêm Hóa), Động Tiên (Hàm Yên) mà còn có nhiều "của ngon, vật lạ" như cơm lam, cá sông Lô, vịt bầu Minh Hương... Trong những món ngon khó quên ấy, thì bánh cuốn xứ Tuyên đã quyến luyến bao du khách gần xa.

Để tạo nên món ăn có hương vị hấp dẫn như vậy thì công đoạn làm bánh cũng lắm công phu. Vỏ bánh được làm loại gạo ngon, ngâm ủ qua đêm, sau đó xay ra và tráng ngay cho khách thì mới giữ được độ mềm, dẻo, nhưng vẫn dai và mỏng "chuẩn" yêu cầu. Nhân bánh, ngoài mộc nhĩ, nấm hương, ruốc thịt hay ruốc tôm thì còn được cho thêm một vài gia vị theo “bí quyết gia truyền” để hương vị thêm hấp dẫn và lạ miệng.

Bánh cuốn Tuyên Quang tạo nên sự khác biệt chính là ở nước chấm. Nước chấm phải là nước ninh xương, thứ nước ấy phải sánh, có vị đậm đà mà vẫn cho cảm giác “dịu ngọt” của xương hầm ở đầu lưỡi mỗi khi nếm thử. Bát nước chấm ấy còn khiến thực khách nhớ lâu hơn bởi hương vị của hạt tiêu, ớt, chanh, hành khô và một chút lá mùi thái nhỏ.

Bánh cuốn thường được ăn kèm với chả viên. Chả được làm từ thịt lợn địa phương, giống lợn thơm ngon và chắc thịt, sau khi băm nhỏ thịt sẽ được trộn với nấm hương và mộc nhĩ vùng cao. Bên cạnh món chả viên, nhiều du khách khi đến Tuyên Quang cũng rất thích ăn bánh cuốn với món chả quế, giò lụa của địa phương hay là bánh cuốn ốp với trứng gà ta (gà được chăn thả tự nhiên nên trứng dẻo, thơm ngon).            

Hải Yến 

Tin cùng chuyên mục