Ngày nay, tại các chợ huyện, chợ xã người ta có bán các hông xôi bằng nhôm với giá phải chăng, nhưng những người sành nấu xôi vẫn tìm bằng được loại hông xôi được làm bằng gỗ. Ông Đàm Minh Kiệm, thôn Nà Pồng, xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa), người có thâm niên làm hông xôi gỗ truyền thống cho biết, đồ xôi bằng hông gỗ ăn ngon hơn là nấu bằng nồi cơm điện, hông nhôm. Cơm xôi chín đều, dẻo, thơm mà không nát, ướt. Từ xa xưa đến nay, người dân tộc Tày vẫn thích dùng loại hông xôi gỗ này.
Nghe lời giới thiệu của ông Đàm Minh Kiệm, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất hông xôi gỗ truyền thống của anh Tải Seo Nam, thôn Bó Cạu, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa). Anh Nam đang hì hục đẽo, đục hông xôi nói, cái này phải làm thủ công hoàn toàn, mất 2-3 ngày mới xong một cái. Khó nhất vẫn là công đoạn đục cái lõi hông sao cho vừa tròn, vừa nhẵn, vừa khít với cái đinh. Cái đinh trước kia người ta làm bằng đồng, nay thay bằng nhôm cho rẻ. Để có cái hông xôi hoàn chỉnh, cần mua cái đinh họ bán sẵn gắn với cái hông bằng gỗ.
Tuy nhiên, không phải loại gỗ nào cũng làm được hông xôi. Để làm hông xôi người Tày thường chọn cây gỗ cơi, gỗ thọ. Hai cây này có đặc tính không độc, có mùi thơm. Khi đun ở nhiệt độ cao hông không bị nứt vỡ, mà có độ dẻo dai. Nhiều gia đình dùng vài chục năm mà hông xôi vẫn bền. Ngoài ra, người ta có thể làm hông xôi từ lõi cây mít. Các loại gỗ làm hông xôi phải đạt đường kính từ 25 - 40 cm. Khi chế tác người thợ không quên làm 2 cái tai hông để lúc nấu cầm cho tiện. Bên dưới hông xôi người ta thiết kế một tấm đan bằng cật tre già hoặc bằng cây mây. Tấm đan này có mắt nhỏ để thông khí nóng và cũng có tác dụng giữ gạo trong hông.
Vào các phiên chợ tại xã Phúc Sơn, Trung Hà (Chiêm Hóa), Thổ Bình (Lâm Bình), anh Tải Seo Nam cùng vợ mang hông xôi gỗ đi bán. Loại hông gỗ nấu 4 - 5 kg gạo giá 300 nghìn đồng, loại 6 - 7 kg gạo giá 400 nghìn đồng, loại 9 - 10 kg gạo giá 500 nghìn đồng/chiếc. Ngoài ra, anh chị bán kèm cái đinh bằng nhôm nhập từ các làng nghề dưới xuôi lên, giá từ 120 - 150 nghìn đồng, tùy loại to nhỏ cho khách. Do hông gỗ anh Nam làm chất lượng nên sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Đợt Tết Nguyên đán Canh Tý vừa qua anh làm 40 chiếc mà vẫn “cháy” hàng.
Đang chuẩn bị hông xôi cho lễ cúng Then của gia đình, bà Hà Thị Lịch, thôn Lang Chang, xã Hòa Phú bật mí, muốn xôi ngon trước hết phải có cái hông xôi gỗ chuẩn. Gạo nếp gia chủ phải ngâm 4 - 8 tiếng, sau đó phải vo đãi sạch. Đối với người Kinh thường xôi nếp với đỗ xanh, còn người Tày thường xôi cơm nếp không, nhưng nhuộm với các loại lá cây để thành món xôi ngũ sắc. Gạo được đổ vào hông, rồi đặt lên cái đinh nhôm có đủ nước để đun. Bên trên hông xôi người ta phủ ít lá chuối rồi đậy vung cho xôi chín hơi. Thường thì từ lúc đun đến chín xôi tầm 50 phút. Sau khi xôi chín người ta đổ ra cái mâm nhôm có trải lá dong, tãi quạt đều cho xôi nhanh nguội. Tránh việc đọng hơi nước làm xôi ướt. Xôi có thể đơm lên đĩa, gói trong lá, nhưng ngon nhất vẫn là xôi để trong các giỏ để xôi. Giỏ để xôi được các bà, các chị đan bằng tre nứa, có nắp đậy giữ nhiệt, song thoáng khí, tránh việc xôi bị hấp hơi.
Cảm giác ăn xôi ngon nhất khi thực khách “véo xôi” bằng tay, chấm với muối lạc, vừng hay chấm với nước sốt gà rang, thịt lợn băm. Món xôi đối với người Tày thực sự là món khoái khẩu. Việc đồ xôi gắn với chiếc hông xôi đã trở thành nét văn hóa ẩm thực tiêu biểu của đồng bào Tày.
Gửi phản hồi
In bài viết