Khai vị với canh lá đắng

- Với người dân phố thị, súp là món khai vị thì với đồng bào vùng cao, canh lá đắng được dùng là món khai vị. Canh lá đắng cũng thường được dùng để thết đãi khách quý vì hầu như chỉ khi đón khách hay nhà có công việc thì người dân vùng cao mới thịt gà, mổ lợn,... Và một bát canh lá đắng với lòng gà, lòng lợn không chỉ khiến bữa ăn thêm ngon miệng mà còn giúp bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng.

Cây lá đắng thường mọc ở khe suối, ven rừng. Sau khi trở thành món ăn ngon, đồng bào vùng cao đã đem về trồng ở vườn nhà để lấy lá ăn quanh năm. Lá đắng có vị đăng đắng, chan chát và ngọt hậu khiến ai đã từng ăn thì không thể nào quên được. Tùy từng địa phương, canh lá đắng có thể nấu theo những cách khác nhau. Canh lá đắng chuẩn nhất là khi nấu cùng với lòng gà, lòng lợn. Cách chế biến canh lá đắng rất đơn giản. Lòng gà (hoặc lòng lợn) thái nhỏ, tẩm ướp gia vị như mẻ, mắm tôm, sả, tiêu, ớt chừng mười lăm phút. Bắc nồi lên bếp củi, cho hành tỏi vào phi thơm và đảo nhanh tay hỗn hợp trên cho ngấm gia vị, chừng vài phút sau đổ vào thêm vài bát nước. Nồi canh sôi lên thì cho lá đắng đã rửa sạch và thái chỉ vào, chờ cho sôi lại chừng ba phút thì bắc ra dùng. Tùy khả năng ăn đắng của từng người thì thêm hoặc bớt lá đắng phù hợp.  

Ngày nay, lá đắng còn được biến thể nấu cùng thịt nạc vai, thịt ba chỉ băm nhỏ, hoặc lòng lợn, có khi lại nấu cùng với cá rô đồng, cá mương..., trở thành món ăn bổ dưỡng không thể thiếu trong thực đơn hàng ngày của người bản xứ.

Hải Yến

Tin cùng chuyên mục