Bởi muốn biết cây đao bất kỳ có bột hay không thì phải dùng chiếc rìu chặt mạnh vào thân cây, khi rút lưỡi rìu ra để khô khoảng 10 phút, nếu thấy có lớp bột mỏng trắng như bột gạo bén trên lưỡi rìu thì đó là cây đao có bột. Nếu không thấy có lớp bột trắng đó thì có nghĩa là cây đao không có bột. Trong ruột mỗi cây đao to cũng chỉ được khoảng 1 - 2 m là có bột. Vì thế phải dùng dao đẽo dần từ ngoài vào đến khi gặp một lớp lõi to bằng bắp chân mềm, trắng như gạo thì tách ra đem về chế biến thành các món ăn.
Trước đây, người dân vùng cao thường băm nhỏ củ đao, cho vào cối giã mịn, sau đó đổ nước sạch vào hòa tan rồi lọc lấy tinh bột (như cách làm bột sắn dây). Lấy phần bột lắng để nặn thành những miếng bánh xếp vào nồi đồ lên, khi chín đem ra ăn như bánh dày. Hoặc là nặn thành những miếng mỏng, chiên mỡ, ăn thơm ngon như bánh rán.
Phần ngọn đao, gọi là nõn đao dùng ăn sống cũng rất ngon. Khi ăn có vị bùi, giòn tan kèm theo ngọt dịu mát khoan khoái. Cũng có thể thái mỏng để xào thịt bò, hoặc thịt lợn. Đặc biệt, thái miếng vừa phải để nấu canh xương ăn rất thơm ngon, bổ dưỡng. Bởi củ đao có vị ngọt tự nhiên nên không phải nêm mì chính mà vẫn có bát canh ngọt đậm, mùi vị rất hấp dẫn.
Gửi phản hồi
In bài viết