Với lũ trẻ chúng tôi, vị đắng ấy in đậm sâu mãi bởi nó thật khó ăn làm sao. Vì thế, dù bố có bảo, rau này là thuốc đấy, ăn vào rất tốt cho sức khỏe nhưng chúng tôi vẫn lắc đầu nguầy nguậy. Ấy vậy mà theo thời gian, món canh rau đắng cảy ấy lại ngấm dần vào vị giác và khiến chúng tôi nghiện cái vị bùi bùi, ngăm ngăm đắng lúc nào không hay. Để đến giờ, chỉ nhắc đến thôi đã thấy thèm, thấy nhớ và muốn được thưởng thức.
Rau đắng cảy giờ đây không chỉ là món ăn của đồng bào vùng cao mà ít nhiều nhà hàng đã đưa vào thực đơn, nhất là các cơ sở homestay. Xưa kia, cái thời còn nhiều gian khó, rau chủ yếu để nấu canh, xào tỏi thì nay có thêm món đắng cảy xào thịt bò, thịt lợn hay xào trứng.
Anh Phùng Văn Quang, thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú (Na Hang) cho biết, cây đắng cảy có thân nhỏ, cành khẳng khiu, lá màu xanh ngắt. Điều đặc biệt là nếu lá đắng cảy có vị đắng thì rễ lại có vị ngọt mát. Vì thế, người dân thường lên rừng đào lấy rễ về băm nhỏ, phơi khô và sao vàng để hãm nước uống như một vị thuốc quý. Với đồng bào vùng cao, hôm nào mổ con gà, con vịt hay mổ lợn đều tìm lá đắng cảy về để nấu bát canh đắng. Đó chính là món khai vị giúp cho cả bữa cơm ngon miệng, chống ngán.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của người dân vùng cao, rau đắng cảy hái về phải ăn ngay mới ngon và giòn. Rau có thể chế biến thành nhiều món, mỗi món đều để lại dư vị đậm đà như xào trứng gà, luộc chấm với muối vừng, muối lạc, hấp trong nồi cơm... Hiện nay, rau đã trở thành hàng hóa và được nhiều thực khách ưa chuộng. Anh Hoàng Văn Hiếu, ở Bản Va, xã Yên Hoa thường tìm mua rau đắng cảy ở chợ phiên. Anh bảo, mùa hè nóng nực này có bát canh rau đắng giải nhiệt cảm thấy sảng khoải hẳn vì nó như một vị thuốc quý, giúp bổ máu và điều hòa huyết áp.
Không chỉ là món ăn dân dã trong bữa cơm hàng ngày mà rau đắng cảy thường được người dân vùng cao chế biến thết đãi khách. Thưởng thức bát canh đắng cảy nóng hổi, chắc chắn thực khách sẽ lưu luyến mãi bởi dư vị đắng ngọt đọng lại mà ít món ăn nào có được.
Gửi phản hồi
In bài viết