Gọi xôi đăm đeng nghĩa với 2 màu nhưng hiện nay hầu hết các gia đình đều thể hiện tấm lòng với loại xôi nhiều màu sắc, thường gọi là xôi ngũ sắc (đỏ, xanh, đen, tím, vàng...). Màu xôi đều được làm từ các loại lá cẩm rừng. Trong y học, lá cẩm có nhiều công dụng thanh nhiệt, giảm ho, nếu kết hợp với vị thuốc khác sẽ trị được các bệnh viêm phế quản, xuất huyết, chấn thương gân, cơ... Để tạo màu xôi đỏ, người dân đun lá cây lên để lấy nước rồi ngâm với gạo nếp, khi đồ lên xôi sẽ có màu đỏ; nếu muốn xôi màu tím thì dùng nước lá cẩm tím. Ngoài hai màu chủ đạo, đồng bào dân tộc Tày, Nùng còn chế biến ra loại xôi theo màu sắc theo ý của họ. Nếu muốn xôi có màu xanh cổ vịt, họ dùng lá giã ra cho thêm một chút vôi rồi ngâm với gạo nếp. Cũng dùng lá đó giã ra ngâm với nước tro của rơm lúa nếp sẽ có xôi màu xanh thẫm...
Xôi đăm đeng có mùi thơm đặc trưng của cây cỏ, không thể lẫn với bất cứ loại xôi nào khác. Hạt xôi bóng đẹp nhưng không ướt, khi nguội hạt xôi se lại nhưng vẫn mềm, dẻo và thơm. Xôi đăm đeng thường được ăn với muối vừng hoặc ruốc tùy theo khẩu vị từng người. Người Tày, Nùng quan niệm Tết Thanh minh không thể thiếu xôi đăm đeng, như một cách thể hiện lòng thành kính, biết ơn tổ tiên. Thưởng thức xôi đăm đeng của đồng bào dân tộc, chúng ta không chỉ ấn tượng bởi màu sắc bắt mắt mà còn bởi xôi có hương vị đặc trưng của núi rừng vùng cao.
Gửi phản hồi
In bài viết