Đồng đội

- Sáng nào cũng vậy, ông Đạo thường dậy rất sớm, ông tập một vài bài thể dục, dạo bước quanh khu vườn, hít thở khí trời trong lành ở một miền quê yên tĩnh. Ông ăn sáng, bữa sáng bà Minh nấu sẵn để ở bàn ăn, ông ăn xong rồi uống thuốc theo lời bác sỹ dặn.

Từ ngày nghỉ hưu, ngoài những ngày đi sinh hoạt chi bộ, nghe thời sự, hoặc thăm thú bạn bè ra ông thường ở nhà đọc sách, xem báo và nghe đài, sau đó chăm sóc cây trong vườn. Ông trồng cây cho vui cửa vui nhà, cho lũ con, lũ cháu nội ngoại đến ngày nghỉ về chơi, tha hồ mà ăn. Mà các loại cây ăn quả của ông toàn loại cây quý, do các bạn đồng đội cùng quân ngũ ngày nào đến thăm ông, bà. Họ chiết ghép, rồi đem trồng tại vườn tặng ông, bà, nào là cam sành, cam Vinh, cam Bộ Hạ, bưởi Diễn, ổi Bo mãi tận Thái Bình, chuối Hà Nam, nhãn lồng Hưng Yên, vải Thiều Hải Dương, vải Thiều Bắc Giang… cứ gọi là đủ cả. Sáng nay, ông cũng đang lúi húi chăm sóc cây trong vườn, có tiếng bà Minh gọi:

Minh họa: Hồng Kiều

Ông ơi! Ông nghỉ tay về uống nước, có ai đến tìm ông đây này!

Ông Đạo dừng tay. Trong đầu nghĩ là mấy ông bạn ở Hội cựu chiến binh trong làng đến chơi. Ông thong thả đi về trong sân nhà, ông thấy có một người mặc quân phục đang đứng trong sân, ông hỏi:
Ông đến hỏi ai đấy!

Người khách cất tiếng, tiếng nói nghe không được chuẩn cho lắm, bởi nghe nghèn nghẹn trong cổ:

Anh có phải là anh Đạo, đại đội trưởng, năm sáu chín đánh ở trận đồi Ngang phía Nam mặt trận Quảng Đà không ạ!

Ông Đạo trả lời:

- Đúng tôi tên là Đạo, có đánh trận đó, anh là ai? ở đơn vị nào tìm đến tôi!

Người khách lạ, đi nhanh về phía ông Đạo, ông ta ôm chặt lấy ông Đạo, vừa khóc, vừa nói:

Anh Đạo ơi!  anh không nhận ra em à! em là Tư đây! cái thằng mà anh đã cứu em từ cõi chết trở về!

Vừa nói, ông Tư vừa vén áo quân phục lên, quay lưng lại cho ông Đạo nhìn thấy vết thương ở sau lưng. Nhìn vết thương của ông Tư, ông Đạo kêu lên:

Tư hả! đúng là Tư rồi, sao cậu lại tìm được đến nhà tôi. Tôi cứ  tưởng cậu hy sinh ở cái trận đánh ấy. Làm sao mà cậu sống được đến ngày nay!

Chuyện dài lắm anh ạ! 
 ...
Sau trận đánh ác liệt năm ấy, ông Tư nằm ở Trạm y tế của binh đoàn hơn hai tháng, sau này vết thương đã đỡ hơn, ông được ra bắc điều trị. Rất may là vết thương cũng mau lành, sức khỏe của ông cũng hồi phục nhanh chóng. Ông phục viên về quê lấy vợ, các con ông đã trưởng thành. Nhưng trong tâm trí ông không lúc nào nguôi ngoai nỗi nhớ về người Đại đội trưởng đã cứu ông khỏi cõi chết. Ông bảo bà Thoa vợ ông:

Bà nó ạ! tôi phải đi tìm ông ấy mới được, để cảm tạ tấm lòng của ông ấy đối với tôi!

Nhưng ông biết ông ấy quê ở đâu mà tìm! chỉ biết mỗi cái tên thì tìm làm sao được!

Ngày ấy đơn vị của tôi phối kết hợp với trung đoàn của ông ấy, anh em mới biết tên nhau, nghe ông ấy nói là quê của ông ấy ở tỉnh Tuyên Quang, mà Tuyên Quang thì rộng lớn, nhưng tôi vẫn phải đi tìm bà nó ạ! Tôi được sống như ngày nay mà không tìm đến người ta để cảm ơn thì tôi sống cũng không hơn gì chết!

Ừ thì ông cứ đi đi! tiền nong tôi chuẩn bị sẵn cho ông cả rồi đấy!

Ông Tư lại khăn gói lên đường, cháu Tạo nhà bên cạnh,  thấy ông đi tìm đồng đội cũ, sốt sắng đèo ông đi. Hai ông cháu cơm đùm cơm nắm, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, huyện này qua huyện khác mà tin tức về ông Đạo vẫn vô vọng. Hai người không biết mấy lần đi, mấy lần về, rồi lại đi, sức khỏe của ông ngày càng giảm đi rõ rệt.

Thật trời không phụ công của ông và cháu Tạo. Hôm ấy đi đến phố huyện, hai ông cháu vào một quán nước ven đường uống nước và nghỉ ngơi cho lại sức. Thấy trong quán có nhiều khách, ông đến từng người để hỏi về ông Đạo. Có một người trung tuổi bảo ông:
Làng tôi có một ông tên là Đạo, đi bộ đội, ông ấy đã nghỉ hưu. Ông theo tôi về làng xem có phải ông này mà ông đang muốn tìm không!

Như người chết đuối vớ được cọc, ông và cháu Tạo liền lên xe máy theo người đàn ông tốt bụng chỉ đường.
...

Hai người lính ôm nhau một lúc lâu, họ mới buông nhau ra rồi vào nhà uống nước. Ông Tư bảo:

Em bị thương nặng mà anh không bỏ em, anh bảo: anh em sống cùng sống chết cùng chết, thế mà hai anh em mình cùng sống thế mới tài tình chứ!

Ông Đạo bảo.

Lúc ấy em chẳng bảo anh: Anh mà bị thương thì ai chỉ huy đơn vị, em chết cũng không sao cơ mà!

Rồi ông Đạo nói tiếp: 

Chú bị đạn pháo nó bắn nổ ở phía sau nên mới bị thương sau lưng. Tôi xé áo ra băng tạm, rồi để chú nằm sấp kéo chú hơn một trăm mét ra khỏi trận địa. Vài phút sau bọn lính Mỹ rút khỏi trận địa. Cứ thế tôi cõng chú đi bộ hơn ki lô mét về đến binh trạm giao cho trạm y tế, đến nơi chú vẫn bất tỉnh, chẳng nói năng gì. Anh em chúng tôi trở về đơn vị, rồi lại tiếp tục những trận đánh tiếp, cho đến ngày giải phóng, rồi tôi chuyển ngành, sau đó đến tuổi nghỉ hưu!.  

Ông Tư giọng nghẹn ngào:

Chỉ biết tên anh và quê ở Tuyên Quang, em lặn lội đi tìm anh ròng rã mấy chục năm nay rồi. Em không gặp được anh để nói lời cảm ơn thì chết cũng không yên lòng!.

Ông Đạo cười hiền lành:

Anh em đồng đội, trong trận chiến  ác liệt ấy, ai nào có tính chuyện hơn thiệt gì! Chú sống khỏe thế này! tôi mừng cho chú và gia đình! chỉ buồn là bao nhiêu đồng đội hy sinh mà mình không đền đáp được gì cho bạn chiến đấu cũ, nhiều lúc nghĩ cũng tủi! 

Cả hai ông đều bùi ngùi nhớ về những người đồng đội đã cùng nhau một sống hai chết ở chiến trường ngày nào.
...

Bữa cơm tại gia đình ông Đạo đông đủ đồng đội những người còn sống trở về. Ông Tư thấy lòng mình thật thanh thản, ông đã tìm được người đã cứu sống mình trong mũi tên hòn đạn tại chiến trường ác liệt để nói lời cảm ơn. Cái nghĩa, cái tình đồng đội với nhau thật cao cả, thiêng liêng, quý giá và ấm áp tình người biết nhường nào. Nghĩ vậy ông Tư lại rơm rớm nước mắt.

Truyện ngắn: Nguyễn Anh Đào

Tin cùng chuyên mục