Ở Tuyên Quang hiện có khoảng 100.000 người dân tộc Dao với 9 ngành Dao. Trong đó, người Dao Đỏ thường sinh sống ở một số xã thuộc các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình… Lễ nhảy lửa mang đậm nét đẹp văn hóa, có ý nghĩa tâm linh sâu sắc đối với nhóm Dao Đỏ.
Thầy Tào làm lễ mời các vị thần về dự và ban phát sức mạnh cho những thành viên tham gia nhảy lửa tại xã Trung Hà (Chiêm Hóa).
Theo quan niệm của người Dao Đỏ, ngọn lửa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống sinh hoạt và văn hóa, tâm linh. Lửa được coi là vị thần giúp xua đuổi tà ma, bệnh tật, mang lại sự ấm áp và cuộc sống no đủ, thịnh vượng. Vì vậy, vào những dịp đầu Xuân, năm mới, các bản người Dao Đỏ lại rộn ràng tổ chức Lễ hội nhảy lửa. Mọi người tin rằng khi lễ nhảy lửa diễn ra, thần lửa sẽ sưởi ấm và mang lại cho dân làng một năm mới bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Ông Bàn Tiến Hương, thầy Tào ở thôn Bản Lục, xã Đà Vị (Na Hang) chia sẻ, ở Tuyên Quang có 2 dân tộc cùng có lễ hội nhảy lửa là dân tộc Dao Đỏ và dân tộc Pà Thẻn. Tuy việc thực hành nghi lễ nhảy lửa của hai dân tộc có ít nhiều khác nhau nhưng đều gửi gắm mong ước, khát vọng về cuộc sống ấm no. Với dân tộc Pà Thẻn, phần lễ khá ngắn gọn. Vật phẩm trong Lễ nhảy lửa là một bát nước lã và một chiếc thủ lợn hoặc một con lợn nhỏ. Còn người Dao Đỏ, vật phẩm dâng cúng không thể thiếu các loại như: Cơm, gạo, rượu, gà luộc, hương, tiền làm bằng giấy bản… Cùng với đó, vật dụng vô cùng quan trọng để gọi thần linh là chuông. Chiếc chuông này được kết lại từ những đồng xòe cổ xưa. Mỗi khi thầy lắc chuông, các đồng xòe va vào nhau tạo ra những tiếng kêu vang vọng khắp núi rừng, vọng đến cả trời xanh. Khi đó các vị thần linh nghe thấy lời thỉnh cầu của dân làng, về với bản làng, phù hộ dân làng. Lễ hội nhảy lửa của người Dao Đỏ xã Đà Vị thường được tổ chức vào ngày mùng 7 Tết trong khuôn khổ Lễ hội Lồng tông.
Để chuẩn bị cho buổi lễ, một đống củi lớn với những cây gỗ đượm than đã được người dân chuẩn bị từ ngày hôm trước. So với nhiều nghi lễ khác, nhảy lửa là lễ được tổ chức đơn giản hơn. Khi nhảy lửa, có một quy định nghiêm ngặt với tất cả những người tham gia, trước hết phải là nam giới và cơ thể phải sạch sẽ, có tâm hồn trong sáng, được thần linh che chở, khi nhảy vào lửa sẽ an toàn.
Lễ nhảy lửa được bắt đầu bằng việc thầy Tào làm lễ xin phép tổ tiên, thần linh cho dân làng được tổ chức lễ hội và mời các vị thần ban sức mạnh cho các chàng trai. Cùng thời điểm này, một đống củi to đã chuẩn bị trước sẽ được đốt lên. Sau tiếng nhạc nổi lên, cùng với lời gọi của thầy cúng, cơ thể của các chàng trai người Dao Đỏ bắt đầu rung lên, rồi lắc lư rất mạnh. Họ tiến đến gần đống lửa rồi nhảy vào giữa đống lửa đang cháy rừng rực bằng đôi chân trần mà không có cảm giác bỏng rát hay sợ hãi. Mỗi người thường nhảy lửa được từ 5 đến 7 phút, thậm chí 10 phút. Thời gian nhảy trên lửa của họ tùy theo “sức mạnh” được thần linh ban cho. Dưới tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng reo hò cổ vũ của khán giả, những người đàn ông Dao Đỏ liên tục nhảy múa trên đống than hồng. Lễ hội chỉ kết thúc khi than lụi tắt.
Người Dao đỏ xã Trung Hà (Chiêm Hóa) tham gia Lễ hội nhảy lửa.
Sau khi lửa tàn, thầy cúng sẽ tập hợp các chàng trai về chiếu phía sau để kết thúc lễ. Họ cảm ơn các vị thần đã tới chung vui với dân bản và cầu mong các vị thần ban cho dân làng được ấm no, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh. Kết thúc lễ, thầy cúng phải giải lễ để các chàng trai trở về thành người thường.
Hiện Tuyên Quang đã phục dựng, duy trì lễ nhảy lửa của đồng bào dân tộc Dao Đỏ xã Đà Vị, Hồng Thái (Na Hang) và Trung Hà (Chiêm Hóa)... Đồng chí Seo Văn Sử, Chủ tịch UBND xã Trung Hà (Chiêm Hóa) cho biết, tháng 9-2023, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với xã Trung Hà tổ chức phục dựng lễ nhảy lửa dân tộc Dao Đỏ xã Trung Hà. Việc phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể lễ nhảy lửa của dân tộc Dao Đỏ nhằm tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phát huy bản sắc văn hóa; góp phần khẳng định sự phong phú, đa dạng về bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung. Đồng thời tạo đà cho du lịch phát triển, từ đó nâng cao đời sống cho nhân dân.
Gửi phản hồi
In bài viết