Bình Khê Nơi ghi dấu cuộc chia tay lịch sử

- Những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi có dịp đến Bình Định và thăm di tích Huyện đường Bình Khê, nay là Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc, thuộc thôn Thượng Giang 2, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Vùng đất địa linh nhân kiệt này cũng là nơi chứng kiến “cuộc chia tay lịch sử” giữa cha - con trăn trở vận nước nhà, thôi thúc người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.

Ngược dòng lịch sử

Dưới bầu trời trong xanh và cái nắng như đổ lửa của miền Trung, chúng tôi đến thăm di tích lịch sử cấp Quốc gia, nơi cha con cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã sống những ngày tháng sum họp cuối cùng. Tại đây cũng diễn ra cuộc chia tay lịch sử để rồi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành bắt đầu bước vào hành trình vạn dặm ra đi tìm đường cứu nước.

Theo hướng dẫn của hướng dẫn viên khu di tích, đoàn chúng tôi lần lượt mỗi người thắp một nén nhang trên bàn thờ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, bà Hoàng Thị Loan - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lần lượt sau đó, là những nén nhang được thắp trên bàn thờ của ông bài nội, ngoại, bàn thờ Bác và các anh chị em của Người.

Lần theo từng bức tranh, từng mô hình được phục dựng lại, chúng tôi đã được nghe câu chuyện cuộc đời của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, một nhà nho yêu nước, thương dân. Vốn sinh ra ở làng Sen, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cụ Nguyễn Sinh Sắc từ nhỏ đã thể hiện là một người con thông minh, hiếu học. Cha mẹ mất sớm, 16 tuổi, cụ Nguyễn Sinh Sắc được nhà nho Hoàng Xuân Đường ở làng Hoàng Trù nhận nuôi và cho ăn học.

Cụ sớm trở thành học trò giỏi có tiếng, được tôn là một trong “Nam Đàn tứ hổ” cùng với cụ Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Trần Văn Lương. Năm 22 tuổi, cụ được cha mẹ nuôi gả con gái Hoàng Thị Loan và lần lượt hạ sinh 4 người con: Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung (Hồ Chí Minh) và Nguyễn Sinh Xin.

Du khách nghe hướng dẫn viên giới thiệu về cuộc đời cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Năm 1894, cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ Cử nhân. Đến năm 1901 cụ đỗ Phó bảng. Năm 1906, cụ nhậm chức Thừa biện bộ lễ và sau đó là Tri phủ lĩnh nhiệm Tri huyện Bình Khê. Làm quan triều đình thế nhưng cụ Nguyễn Sinh Sắc luôn có tư tưởng trọng dân với nhiều câu nói như “Trung quân không phải là ái quốc, mà ái quốc là ái dân”, “Quan trường là nô lệ trong đám nô lệ, càng nô lệ hơn”. Cụ cũng dạy các con “Chớ lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình”.

Dù làm Tri huyện chỉ trong vòng 6 tháng, nhưng cụ Nguyễn Sinh Sắc đã để lại hình ảnh về một vị quan chính trực, liêm khiết, yêu nước, thương dân, được người dân tin yêu, kính trọng. Vì luôn đứng về Nhân dân, bênh vực người nghèo, tìm cách giúp đỡ người yêu nước nên cụ Nguyễn Sinh Sắc bị bọn địa chủ căm ghét, triều đình nghi ngờ. Tháng 1-1910, cụ bị vu tội “lạm quyền” và bị bãi chức. Sau đó, cụ vào Nam làm nghề bốc thuốc, dạy học rồi qua đời.

Sống lại phút biệt ly

Phút biệt ly lịch sử - Đó là cuộc chia tay của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành và người cha thân yêu. Bởi năm 1941, khi Bác trở về nước sau 30 năm bôn ba, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã qua đời.

Trong thời gian cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh làm quan Tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, lúc đó chàng trai Nguyễn Tất Thành rời Huế vào Nam, đến thăm cha và ở lại mảnh đất này.

“Con đến đây làm gì?”

“Con đến đây tìm cha”

“Nước mất không lo đi tìm, tìm cha phỏng có ích gì?”

Những câu nói ngắn gọn nhưng chứa chan lòng yêu nước càng thôi thúc chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành nhanh chóng lên đường ra đi tìm đường cứu nước. Nhiều tập sách ghi lại: Tháng 3-1910, Nguyễn Tất Thành từ Quy Nhơn đến “dịch xá”, nơi lưu lại của các quan huyện khi về tỉnh để gặp gỡ trước khi cha và anh trai về Huế. Năm 1911, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn rồi lên tàu ở cảng Nhà Rồng, bôn ba tìm đường cứu nước.

Trong không gian ngập tràn ký ức lịch sử, chúng tôi đã được nghe về mảnh đất Bình Định, nơi cha con cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc sống cùng nhau những ngày đẹp đẽ cuối cùng sau tháng ngày ở Nghệ An và Huế. Đây cũng là nơi diễn ra cảnh chia tay, phút biệt ly lịch sử để rồi sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác trở về mà không bao giờ được gặp lại người cha kính yêu nữa. Tại đây đã có những cuộc nói chuyện, cuộc trao đổi giữa 2 cha con để rồi người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết tâm sang Pháp, bằng con đường cực nhọc, trên chính đôi bàn tay lao động của mình để tìm đường cứu nước.  

Để ghi nhớ phút giây lịch sử ấy, người dân Bình Định đã xây dựng tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành làm bằng đồng, đặt tại trung tâm quảng trường thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Một điều đặc biệt của bức tượng đó là hình ảnh cha - con cụ Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành đều hướng về Biển Đông. Một hình tượng mang tính lịch sử, gợi nhớ về người thanh niên Nguyễn Tất Thành (khi ấy gọi là Văn Ba), trên con tàu Amiral Latouche Tréville hướng về Biển Đông rời Bến cảng Nhà Rồng. Trên con tàu ấy có một trái tim yêu nước...

Khi trả lời một nhà văn Mỹ, Bác cũng đã từng nói “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”. Đó cũng là lý do khiến Người quyết định ra nước ngoài, sang phương Tây tìm đường cứu nước.

Trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước”, Chế Lan Viên viết: “Đất nước đẹp vô cùng/Nhưng Bác phải ra đi”. Không được chứng kiến cuộc chia tay giữa người cha thân yêu Nguyễn Sinh Sắc và trái tim yêu nước Nguyễn Tất Thành, nhưng mỗi người Việt Nam đều chắc chắn đó là cuộc gặp ngắn trước một hành trình rất dài; là cuộc chia ly đầy cảm động của hai trái tim yêu dân yêu nước. Phía sau bước chân bôn ba của người con Nguyễn Tất Thành là ánh mắt trìu mến của người cha luôn dõi theo Người.

Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục