Đề tài dân tộc thiểu số trong sáng tạo nghệ thuật

- Có lần tiếp xúc với văn nghệ sỹ các tỉnh dưới xuôi, họ xuýt xoa ao ước một lần được đi sáng tác thực tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Tuyên Quang.

Nhiếp ảnh gia Hà Thế Đô tập trung khai thác mảng đề tài dân tộc thiểu số cho quảng bá phát triển du lịch của tỉnh.

Vì đây là mảnh đất cội nguồn cách mạng nơi quần cư của 22 dân tộc anh em, trong đó tiêu biểu có dân tộc: Tày, Dao, Cao Lan, Mông, Sán Dìu, Nùng, Pà Thẻn. Với chính sách coi trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc đang ngày càng giúp tỉnh phát triển bền vững, có nét riêng. Mảng đề tài dân tộc thiểu số rộng lớn này, bao trùm chính trong hoạt động của giới văn nghệ sỹ xứ Tuyên.

Nhạc sỹ Tân Điều, Phân hội trưởng Phân hội Âm nhạc - Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho biết: “Bản thân tôi là người Tày ở địa phương nên càng mê, càng say các đề tài về dân tộc thiểu số. Sáng tác về đề tài này mãi vẫn “không mòn” vì nó rất phong phú. Ở mỗi lĩnh vực, mỗi dân tộc lại có cách khai thác khác nhau. Nếu các nghệ sỹ đi sâu, am hiểu về phong tục, tập quán của bà con thì đây là mảng đề tài đắt giá. Yêu đề tài dân tộc thiểu số nên tôi đã sáng tác và phổ nhạc được khá nhiều các bài hát như: Áo chàm đi hội, Bậc thang nhà em, Chợ xuân vùng cao, Con gái bản tôi, Tung còn, Hội xuân quê em, Mùa thổ cẩm trên núi...”.

Ở mảng hội họa thì đề tài dân tộc thiểu số càng nổi bật. Thăm xưởng vẽ của họa sỹ Mai Hùng, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tại nhà riêng ở dốc số 2 (TP Tuyên Quang), tôi thấy các bức tranh của ông chủ yếu vẽ về vùng cao, dân tộc thiểu số. Ông quê gốc Nam Định, nhưng cả cuộc đời gắn bó với Hà Tuyên trước đây, Hà Giang, Tuyên Quang hiện nay nên tranh ông đúng là thiên “dân tộc” nhiều hơn. Sau khi về nghỉ hưu, mảng sáng tác của ông càng bận rộn hơn với các đề tài về dân tộc.

Họa sỹ Mai Hùng say mê mảng đề tài dân tộc thiểu số ở vùng cao.

Có lẽ chưa bao giờ ông có cảm giác chán mảng đề tài này. Bức vẽ mà ông khá tâm đắc đến nay vẫn là tác phẩm “Tiêu bản năm 20xx”, được giải cao nhất Triển lãm Mỹ thuật khu vực phía Bắc năm 2012 và giành giải Khuyến khích Mỹ thuật toàn quốc năm 2015. Tác phẩm vẽ một bà cụ người Dao tiền với trang phục truyền thống. Thông điệp của tác phẩm là cần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trước thời đại hội nhập hiện nay. Xem tranh “dân tộc thiểu số” của họa sỹ Mai Hùng vừa giản dị, mộc mạc, vừa lãng mạn, trong trẻo, bay bổng, giàu ý nghĩa nhân sinh.

Đề tài “dân tộc thiểu số” là chất liệu để các nhiếp ảnh gia “lùng sục” nhiều nhất. Ông Hà Thế Đô, hội viên Phân hội Nhiếp ảnh - Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho rằng hồn cốt của văn hóa xứ Tuyên” vẫn là bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Các nhiếp ảnh gia không quản ngại đường sá xa xôi, tìm đến các bản làng dân tộc vùng cao trong tỉnh. Thời gian qua các nhiếp ảnh gia hay đến tác nghiệp tại bản người Mông thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập; bản người Tày, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, bản người Pà Thẻn, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình).

Hay ở huyện vùng cao Na Hang có người Dao đỏ thôn Bản Lục, xã Đà Vị; người Dao tiền thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái; người Tày thôn Nà Khá, xã Năng Khả. Với mảng đề tài này, nhiếp ảnh gia Lê Hồng Đức, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Nhữ Hán (Yên Sơn) đã từng giành Huy chương Vàng Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc năm 2019 với tác phẩm “Bên khung cửi Pà Thẻn”. Bức ảnh được tác giả chụp tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình) trong một lần đi sáng tác thực tế về chủ đề bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.

Ảnh của Quang Hòa về nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của người Mông. 

Ở Tuyên Quang, Chi hội văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh hoạt động sôi nổi, đều đặn. Nghệ sỹ ưu tú Ma Văn Đức, dân tộc Tày, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chi hội trưởng Chi hội văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh khẳng định, không chỉ có âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh mà các nghệ sỹ thuộc lĩnh vực kiến trúc, sân khấu, văn học, văn nghệ dân gian luôn lấy chủ đề “dân tộc thiểu số” là mảng sáng tác chủ đạo. Trong thời gian qua, văn nghệ sỹ Tuyên Quang tích cực, tập trung khai thác có hiệu quả mảng đề tài này, góp phần quảng bá bản sắc con người, mảnh đất xứ Tuyên với công chúng và bạn bè thế giới.

Nói đến Tuyên Quang là gắn với truyền thống cách mạng và bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số vô cùng độc đáo, đa dạng, có nét riêng vốn có. Nhờ đó các tác phẩm nghệ thuật của văn nghệ sỹ Tuyên Quang cũng có “hơi thở” chung mang màu sắc dân tộc thiểu số địa phương.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục