Quán nhỏ bên đường

Trên đường về, Trọng vào quán bên đường để nghỉ.

Đã quá chiều, trời đông sẫm lại trong màu tro thấm nước. Quán xá sơ sài đồng dạng với vẻ tuềnh toàng của một thị tứ vùng núi. “Không gặp nàng. Tiếc quá. Chắc là mình vô duyên”. Anh luôn nhắc lại ý nghĩ này để tự an ủi cho chuyến đi không thành. Hơn hai chục cây số hăm hở như bay đi, giờ anh thành kẻ bị thương phải lết về. Dù sao, công việc của người làm báo tỉnh lẻ này vẫn cuốn hút anh.

Bao giờ cũng vậy, đến với một cái gì đã được hình dung quá đẹp thường làm người ta thất vọng. Anh đã chuẩn bị từ trong ý nghĩ cho cuộc gặp gỡ cô gái ấy và bây giờ về không, ngồi đây. Nhưng chính cái mà anh chưa nhìn thấy rõ, càng thêm hấp dẫn anh.
Lại một người dắt xe vào quán chữa.

- Thủng xăm hả? Bác thợ già hỏi.

- Vâng ạ. Cháu dắt bộ xa quá. Về sợ tối, bác làm ngay được chứ ạ.

- Được. Để xe vào đây.

Cô gái đặt xe, hắt một cái nhìn về phía Trọng rồi ngồi ra một góc. Tóc đen dài, gương mặt trẻ hiền dịu ẩn dấu nét buồn. Vẫn cái dáng vẻ xưa xưa: Áo len dài tay, cổ lọ, màu sữa và quần nỉ đen, chân đi tất với dép lê vàng nhạt. Nhã nhặn, bình dị, nguyên lành.

Trọng chợt nghĩ: Đó là vùng lặng lẽ mà anh không thể tiếp cận trong chốc lát. Phải cùng nhịp sống mùa màng, đồng quê dàn trải mới có thể hòa hợp.

- Lại đây ngồi uống nước, em!

- Vâng ạ, kệ em.

- Anh mang nước đến cho em nhé - Nói rồi anh mang nước đến cho cô gái.

- Thôi mà. Em chẳng khát đâu.

“Vâng ạ. Kệ em. Thôi mà...” . Chất giọng sao mà dịu dàng đến sốt ruột. Trọng biết không thể trêu đùa cô gái, anh nén dịu đi và lảng dần vào dòng tâm tư của mình.

Người ấy, hẳn sẽ nói năng khác. Không dưng mà nàng dám gửi đến những trang viết xôn xao tòa soạn. Ngoài đôi ba kẻ tâm thần hồn nhiên đem bài vở, thơ phú đến đọc vô hồi ở tòa báo, đôi khi xuất hiện một cây bút đầy triển vọng thường giấu mặt.

Minh họa: Bích Ngọc

Mỗi lần như vậy là một cuộc tò mò phấp phỏng lần tìm tác giả. Thường các cây bút nữ như thế có sức kêu gọi hơn. Ấy là một phần nguyên cớ chuyến đi này của Trọng. Anh vừa là biên tập chính đồng thời là cây viết khỏe. Nhưng anh cũng đồng thời với nhiều tâm trạng khác. Chẳng hạn, sự ngóng đợi một mối tình trong trắng, mê say, không bị vẩn đục bởi rác rưởi của cuộc sống chen lấn. Hoặc là mối quan tâm đến day dứt về những người quen sống bằng đức hạnh, thanh bần thì hôm nay họ ngơ ngác như thế nào trước nhịp sống mới? Hoặc, những gì là điều kiện cần đủ cho con người đang sống khi mà mỗi ngày họ càng khác biệt nhau hơn trong tận cùng hang ổ của cá nhân.

Anh mường tượng có hai dòng âm hưởng lớn. “Cần đi tới, không dừng lại ở đâu cả”. Đó là giọng tự tin, kiêu hãnh của cuộc sống và cũng gần như lời tuyệt mệnh của nó. “Hãy bình tâm, phải giữ lấy cái gì đó”. Đây là lời ân nghĩa của người đời, nó cũng thật kiêu hãnh nhưng nhuốm màu chậm tiến. Tất cả những điều ấy đang nhào quyện vần vũ trong máu thịt đời sống. Để rồi nó hiện ra dần dần trong mỗi số phận con người. Ngao ngán và hy vọng.

Y như thể mùa đào kia đang hoe hoe những nụ hồng trong ngày đông u ám để chuẩn bị cho cuộc phá đám rộn rã sang xuân.

Cũng giống như chút nắng chiều ủ ê đang cất dọn một ngày thường bừa bộn để bày đặt một đêm trăng mát lành.

Cả cô gái nhỏ ngồi kia trong vẻ ưu tư hẳn cũng đang ẩn chứa, gìn giữ những lời tha thiết của tuổi xuân: Yêu nhau mà sống.

Vậy là những ý nghĩ lan man của anh cuối cùng chẳng đi tới đâu. Nó lại trở về với chiếc xe hỏng, một ông già cần mẫn, một cô gái lặng lẽ và một mình anh ngồi ngóng đợi. Mùa xuân ở đâu đó rất gần. Nhìn mà chẳng thấy. Nghe mà không rõ. Bâng khuâng và náo nức.

Cả ba người đều có vẻ sốt ruột. Ông già thì vội làm cho xong việc. Trọng và cô gái thì mong sớm trở về cuối chặng đường để may ra còn kịp một cái gì đó.

Khi cô gái nhỏm dậy cho đỡ mỏi và ngoảnh nhìn đâu đó, Trọng mới nhận ra chiếc lán nhỏ nấp sau cô. Trong đó chắc là vài thứ chuẩn bị từ xa cho ngày Tết. Chiếc làn đỏ bị phơi nắng nhiều đã nhạt thành màu hồng bạch. Nhưng mà hơn tất cả vẫn là cái miệng cười xinh xẻo như có làn gió nhẹ đủ lay rung những cánh hoa mỏng. Một cái nhìn tươi sáng như có chút lửa leo reo ấm áp. Và mỗi chớp mắt như một mái rợp che cả trời gắt nắng.

Bỗng dưng Trọng cảm thấy mình xa lạ và nuối tiếc đồng quê. Chốn cũ là nơi ta không thể trở về cùng tuổi trẻ. Nơi ấy, cũng như ngôi nhà nhỏ cũ của xóm núi anh vừa tìm đến, lúa và cây trái đã nhiều hơn. Mỗi mùa qua vùi lấp ta thêm một lần ký ức.

- “Chị em ra tỉnh từ sớm”

- “Đi đâu?”

- “Em không biết. Người buồn đi đâu chẳng nói”.

- “Sao vậy”.

- “Ồi. Cái chuyện tình duyên í mà”.

Đó là những gì còn lại buổi sáng nay khi Trọng tới nhà cô gái ấy: Miền.

Anh linh tính Miền sẽ tìm đến chỗ anh, sau những bức thư trao đổi ngắn. Anh có nói tòa soạn cần một tấm ảnh chân dung của cô giới thiệu cùng trang viết đầu tay trên số báo xuân. Anh muốn được hỏi han, tường tận về tình cảm éo le mà Miền bộc bạch. Mẹ con cô và hai em nhỏ gần như trong tình trạng kêu cứu. Bố cô trước đó, mà mẹ cô đã ly dị và ông bố dượng bây giờ đều là những người đàn ông thất vọng tàn nhẫn và ngu ngốc. Mẹ con cô luôn bị đe dọa đuổi ra khỏi ngôi nhà của mình. Họ là ai? Đơn giản họ từng là người chiến thắng qua trận mạc trở về bình yên rồi bất ngờ trở thành kẻ chiến bại trong cuộc sống mới.

Thiếu căn cứ vào mình rồi a dua làm giàu và ngộ độc làm giàu. Đổ vỡ, họ trở thành con nợ. Nản chí, họ biến thành kẻ nghiện ngập, thích hành hạ và đó là những con bệnh, nạn nhân. Họ đã tự cắn vỡ chút hạnh phúc nhỏ bé của mình. Phụ nữ và con trẻ là nơi tận cùng hứng chịu mọi tai ách.
“Em muốn học mà phải bỏ vì thương mẹ và lũ trẻ nhỏ. Em muốn viết mà không nổi vì đâu có thì giờ.

Em muốn được gặp anh mà chưa thành. Đừng chê bai cô bé ngốc nghếch này anh nhé”.
Rồi mọi người sẽ đưa anh về sự phải lòng một thôn nữ. Mặc, đó là những lời vô ý, đôi khi họ là những người vô cảm. Chỉ còn một người anh chưa hình dung ra thái độ sẽ thế nào, đó là nữ họa sĩ trẻ Lam Kiều. Cô là người dành nhiều tình cảm săn sóc đối với anh theo kiểu đặc biệt: Hơi kiêu kiêu.

Chiếc xe đã được sửa xong. Ai nấy vội trả tiền để còn tiếp tục hành trình. Cô gái thoáng vẻ tần ngần. Trọng chỉ thầm nghĩ: Sao mà em ít nói quá. Nếu còn thời gian chắc chắn anh cũng sẽ tìm cách nói chuyện được với cô gái. Thường những cuộc gặp như vậy có nhiều điều thú vị. Nhưng cả hai đều là những kẻ đang trôi nổi giữa dòng đời, một thoáng gặp gần như vô nghĩa. Ai cũng mải thực hiện những điều riêng tư của mình.

- Em về còn xa không?

- Gần thôi ạ.

- Nếu sợ tối, anh sẽ đưa em về.

- Em cảm ơn. Vẫn kịp anh ạ.

- Tiếc nhỉ. Chưa hỏi nhau được chuyện gì.

- Chẳng sao. Em là người... vô duyên mà.

- Đừng nói thế. Hẹn gặp lại nhé.

- Vâng ạ. Chào anh.

Trên đường về Trọng tự trách mình sao không hỏi tên và nhà cô gái. Biết đâu anh có dịp trở lại. Anh đã nói những câu thực lòng, nhưng chắc hẳn cô gái chỉ cho là những điều cợt nhả.

Ở cơ quan, mọi người đã về hết. Chỉ còn Lam Kiều đang đợi anh trong phòng làm việc.

- Muộn rồi, em chưa về sao.

- Anh không còn lời nào khác với em ư?

- À, khi xúc động người ta khó nói đúng lòng mình. Mà thôi, có quà cho em đây. Ngô nếp nướng thứ thiệt.

- Anh cũng có quà đấy. Thư và… tình.

- Tuyệt. Thế thì chúng mình cùng ăn Tết luôn ở đây - Trọng đùa.

- Anh không quên trang báo cuối cùng ngày mai vào nhà in chứ?

- Rất nhớ và xong rồi. Tối nay em phải làm thêm đấy.

Trọng hơi mệt và đói. Bởi vậy câu chuyện này chỉ là sự vui vẻ ép uổng. Có thể loại công việc này luôn buộc người ta phải hiện ra trong sự hồ hởi.

Anh lại bị rơi vào một sự phân tán mới. Đó là tình cảm xâm lấn mạnh hơn của Lam Kiều và bức thư gửi lại chưa kịp đọc. Anh hỏi thêm về người gửi bao nhiêu thì chính Lam Kiều cũng muốn biết rõ người ấy là gì với anh. Được nghe kể lại rằng người ấy xưng là cô em họ ở quê, hình dạng đúng như người vừa gặp đã làm anh bần thần, khó xử. Không chịu nổi, anh liền mở thư xem.

“Buồn quá, không gặp anh. Đoán biết anh có thể về tìm, em vội đi luôn và để lại mấy dòng này phòng khi không còn gặp lại anh nữa. Em chỉ còn hôm nay tới đây với một chút hy vọng mỏng manh. Ngày mai mấy mẹ con em sẽ phải bí mật tạm lánh đến một nơi xa. Người giúp em việc này là một chàng trai tốt, nhưng em không thể nói hết với anh lúc này. Có lẽ đó là số phận. Dù chưa được gặp mặt nhưng em đã đọc anh rất nhiều và tin rằng anh đúng như một người mà em nghĩ. Em chỉ xin tòa báo đừng in cái gì của em nữa. Đó chỉ là chuyện vặt vãnh, làm vướng bận anh. Đừng nghĩ gì về em nhé. Rất quý mến anh, tạm biệt. M”.

Trong tâm trạng khó tả, Trọng đọc đi đọc lại, mắt nhòe ướt. Anh ngẩng lên luống cuống và chợt nhận ra Lam Kiều đã ra về từ lúc nào chẳng biết. Anh lao ra cửa gọi to tên cô lên nhiều tiếng mà không thấy trả lời.

Anh muốn phóng xe đi ngay tới nhà Miền nhưng không được. Anh cũng chỉ còn đêm nay cho trang báo cuối cùng ngày mai.
Chỉ thêm một lời hỏi han nữa thôi là anh và Miền đã nhận ra nhau ở giữa đường. Bây giờ, ngôi quán nhỏ vô danh ấy trở thành một nỗi nhớ xót lòng.

Mùa xuân đang đến chầm chậm mà mãnh liệt. Nó không vì một thân phận lẻ loi nào mà dừng lại. Cao hơn thế là tuổi trẻ đã dâng tặng cả tình yêu và bất hạnh của mình cho nó.

Truyện ngắn: Nguyễn Quốc Trí

Tin cùng chuyên mục