Bánh đúc Đà Vị miếng ngon nhớ lâu

TQĐT - Món bánh đúc của đồng bào Tày ở chợ Đà Vị (Na Hang) từ lâu đã trở nên quen thuộc với người dân và du khách. Với những đặc trưng riêng có như mùi vị, độ giòn… bánh đúc nơi đây đã được nhiều người yêu thích và nhớ mãi.

Ngày cuối tuần, chúng tôi bắt gặp một đoàn phượt thủ ở Hà Nội đi xe máy lang thang chụp ảnh ở các xã khu C của huyện. Buổi sáng sớm, họ tranh thủ lướt qua chợ Đà Vị, thưởng thức các món bánh ở chợ vùng cao. Đoàn ngạc nhiên khi cả một dãy dài của chợ, bà con tập trung bán món bánh đúc truyền thống của đồng bào Tày nơi đây. Anh Nguyễn Văn Chung đến từ Hà Nội cảm nhận, anh chưa thấy chợ nào bán bánh đúc nhiều như chợ Đà Vị. Bánh đúc ở đây giòn, thơm ngon, hương vị của thịt lợn băm, lạc, lá hẹ hòa quyện vào hương vị của lá chuối được dùng để gói bánh. Mỗi gia đình ở đây đều có bí quyết riêng làm cho món bánh đúc của mình hấp dẫn, nhưng vẫn giữ được nét chung của bánh đúc truyền thống.


Người dân bán bánh đúc ở chợ Đà Vị (Na Hang).

Bao nhiêu năm nay bà Lục Thị Liên, dân tộc Tày, thôn Xá Thị vẫn bán bánh đúc ở chợ Đà Vị. Bà Liên cho biết, chợ Đà Vị họp vào các ngày mùng 2, 7, 12, 17 và 27 âm lịch hàng tháng. Đến phiên chợ, người từ Yên Hoa, Hồng Thái, Sinh Long, Khau Tinh, Côn Lôn, Sơn Phú (Na Hang) và các xã lân cận của huyện Ba Bể (Bắc Kạn) sang giao lưu buôn bán. Từ khi hồ thủy điện được hình thành, Đà Vị trở thành chợ cá cung cấp cho thị trường. Vào phiên chợ, người vùng cao có thói quen đi ăn quà. Bánh đúc là món ăn mà người dân nơi đây rất ưa thích. Nhìn cả một dãy chợ với hơn chục hàng bán bánh đúc đã nói lên nhu cầu của người dân khá lớn.

Dậy từ 4 giờ sáng nấu bánh đúc, bà Nguyễn Thị Lâm, thôn Xá Thị khẳng định, bánh đúc Đà Vị giòn nhưng không bao giờ có hàn the. Các bà, các chị vẫn nấu theo phương pháp truyền thống của các cụ để lại. Gạo để nấu bánh đúc là loại gạo bao thai ngon. Gạo được ngâm qua với nước vôi trong một đêm, sau đó đãi sạch, nghiền nhỏ hoặc nấu cả hạt. Khi nấu chín phải khuấy đều tay, hạt gạo bở tan ra thành bột. Đun nhỏ lửa, lúc nào bánh đặc lại thì thôi. Gia vị cho thêm vào bánh đúc gồm lạc, thịt lợn đen băm nhỏ, dầu ăn, lá hẹ, muối, nước mắm, mì chính. Khi nồi bánh hoàn chỉnh, người nấu dùng một cái mâm nhôm trải lá chuối tươi xuống dưới, sau đó giàn bánh ra mâm, rắc thịt, lá hẹ lên trên, rồi phủ lá chuối lên trên.

Cầm gói bánh đúc đút vào túi, bà Chúc Thị Liên, dân tộc Dao, thôn Bản Lục, xã Đà Vị tâm sự, mỗi lần đi chợ Đà Vị về các cháu đều ngóng món bánh đúc của bà mua. Bà thường mua 15.000 đồng đã được khá nhiều bánh. Bánh đúc ở đây được các bà, các chị làm cẩn thận, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không dùng hàn the, mà hương vị rất hấp dẫn. Bà thấy nhiều khách du lịch tìm vào đây ăn món bánh đúc và còn mua thêm mang đi dọc đường ăn.Thường các gia đình ở Đà Vị nấu từ 2 - 4 kg gạo cho một phiên chợ. Giá bán trung bình 2.000 đồng cho 1 miếng nhỏ, được gói lá chuối. Bánh đúc ngon không nát mà phải mềm, dẻo, giòn giòn, cầm không hề dính tay, mịn, bóng. Cái bùi của lạc rang, cùng với vị gạo thanh thanh và đậm đà, beo béo của tương hòa vào nhau vừa dung dị, vừa gợi nhiều cảm xúc về một vùng đất rất đỗi bình yên. Bánh đúc được sắt ra từng miếng nhỏ chấm với tương hay nước chấm gia vị của người Tày thì ngon tuyệt. Mỗi phiên chợ, các bà, các chị làm bánh đúc lãi từ 300 nghìn đồng trở lên và vui hơn khi được thực khách khen ngon.

Món bánh đúc ở chợ Đà Vị đã trở thành nét văn hóa ẩm thực tiêu biểu ở địa phương, để mỗi du khách nếu đã thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi và mong trở lại lần sau.      

 Bài, ảnh: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục