Đúng sịn sò, xe mẹ mới mua vip quá, chạy êm ru. Tôi sung sướng vì thằng Thành, Khải đã bị mình bỏ lại phía sau. Xe đang phóng như tên, “ầm”, rồi xong, tôi kêu lên một tiếng “á” và biết mình đang trong tình thế “cái mũi ăn trầu cái đầu hút thuốc”.
Đứng bên “đống đổ nát” là một ông già cỡ tuổi ngoại tôi, có điều đang chống cái nạng gỗ. Ông xuất hiện ngay sau cú ngã - như cái cách của ông Bụt - dù tôi chưa hu hu khóc. Tôi đưa cặp mắt bi thiết nhìn ông với hy vọng được đỡ dậy. Nhưng mơ đi. Thật tệ, chẳng có sự nhân ái diệu kỳ nào. Cơn bĩ cực nằm ở chỗ trong khi tôi nằm ngửa trên đống rơm như con rùa bị lật ngược thì “ông Bụt” vẫn điềm nhiên chống cái nạng gỗ cười mỉm, nói rất dõng dạc:
- Nghiêng người lại, tìm thế đứng dậy, nào!!
Trời ơi, thằng nhỏ đang thất thế, thêm cái chân đang đau, đã không giúp, lại còn đạo mạo “huấn luyện”. Tôi nằm ì ra đấy, như thể bắt đền. Nhưng bộ dạng yếu ớt của tôi chẳng chạm được lòng trắc ẩn của “ông Bụt” lạnh lùng. Vừa nhẫn nại cổ vũ, vừa “khủng bố”:
- Nào, ngồi dậy mau kẻo đè nát ụ rơm, tôi bắt đền đó!
Nghe mà tức, tôi liền ngồi dậy như chưa từng có sự đau đớn nào. Tôi có thấy “ông Bụt” lạnh lùng cười sau lưng, nhưng tôi ứ thèm nhìn đáp lễ mà đạp xe chạy ngay và luôn.
Minh họa: Bích Ngọc
Bọn Thành, Khải hỏi có đau không, tôi nổi điên quạo:
- Sao hai thằng mầy không lại đỡ dùm tao?
- Có ông chủ ụ rơm đứng bên cạnh rồi, hai thằng tao lại làm chi?
- Hai chuyện này, hình như không liên quan.
- Mày đi hỏi xem, có đứa nhỏ nào trong xã này biết ông mà không sợ?
Thằng Khải giải thích:
- Ổng giỏi võ và hung dữ lắm. Nghe kể có mấy tên bắt chó đêm lẻn vô nhà ông tháo xích con Xù lôi đi. Ổng túm cổ đem nộp công an liền. Còn mấy nhỏ cỡ em tao, thấy ông là tự dưng khóc thét, chắc tại khuôn mặt nhọn như hình tam giác, lại còn bộ râu quai nón lởm chởm màu trắng á.
Thằng Thành tranh thủ bổ sung cho hoàn thiện chân dung:
- Nghe nói hồi xưa ông là bộ đội đó.
- Bộ đội sao không cứu người? Hay không còn sức để kéo tao dậy sau cú ngã để đời nữa?
- Chắc ông để mày nằm trên rơm cho kiến cắn chơi, bận sau chừa cái tội láu cá tôm đi. Chứ cỡ tụi mình, ông dùng một tay nhấc bổng, như thể chúng ta cầm tai một con thỏ giơ lên vậy.
Ra rả một chập đã tới nhà. Mẹ ngồi chờ ngay hè, hết đường chạy trốn. Thấy mình mẩy còn dính rơm, chân đi hơi nhắc, mẹ lo lắng hỏi có sao không, tôi bảo chỉ đau sương sương rồi kể chuyện né cái ổ gà, xe lỡ nhào vào ôm ụ rơm nhà ông chống nạng.
- Té ngay nhà ngoại Cẩm nên giờ thành “thương binh” luôn! - mẹ nói.
- Mẹ, ngoại đó hồi xưa là bộ đội hả?
- Ừ, bộ đội đặc công. Giỏi giang và dũng cảm.
- Nhưng ông giỏi quá cũng dễ làm người khác sợ, đúng không mẹ?
- Quý mến không hết, đào đâu ra sợ.
Mẹ dạy phổ cập ban đêm, ngoại có thể đem mía, dưa, mít tới cho mấy nhỏ ăn. Nhưng đứa nào buông lời tục tỉu hay có biểu hiện vô lễ thì sẽ bị ngoại cho ăn cái nhéo tai cháy bỏng liền. Ngoại Cẩm không phải gốc người ở đây đâu, ở dưới thành phố đó. Hết chiến trường này lại đến chiến trường khác. Chỉ còn một chân nhưng ngoại đã bỏ phố, cùng một nhóm người nữa về xóm núi này cùng nhau khai phá. Khu đồi trồng bạc hà xanh mướt mà mỗi ngày con đi qua là cơ nghiệp mấy năm biến đồi trọc thành rừng của ngoại ấy. Còn thêm những đám mía xanh mướt mọc lên từ những đám đất chằng chịt gai mắc cỡ như một phép màu nữa.
- Hứ… Mẹ kể như kể về một người hùng. Vậy sao khi con té, ngoại ấy không đỡ??
- Khi nào con tự tìm được câu trả lời thì mẹ tin con cũng có cơ may trở thành “người hùng”.
- À, xin kể rõ một chút. Xóm núi này là quê ngoại. Nguyên hồi con gái, mẹ đi theo tiếng gọi tình yêu, đang ngon lành ở ngôi trường trên thị trấn miền sơn cước thì khăn gói theo bố tôi xuống phố. Hồi tôi vừa mãn lớp 4 thì bố mẹ đường tình đôi ngả, mẹ để tôi học cho hết cấp 1 rồi đem con về lại nhà ngoại.
Xóm núi hàng quán xác xơ, chỉ có bánh kẹo chứ không xiên nướng, bánh tráng trộn, trà sữa, trà tắc, trà đào và vv… như dưới phố. Ở đây toàn mía. Cơ khổ. Nhưng toàn mía để lấy đường. Có lần tôi thèm quá mà ráng hít một khúc, kết quả tưởng như bị lung lay cả hàm răng.
Xế đó ngủ dậy, thấy buồn buồn vì khô mỏ, tôi bèn đi sang nhà thằng Thành:
- Mía vip nè!
- Mầy đào đâu ra cây mía mướt mườn mượt vậy?
- Mía nhà ông Cẩm đó, mía lai. Giống này mềm èo, nhiều nước, ngọt nhức xương luôn. Nhưng ổng trồng ít lắm, với lại canh giữ rất nghiêm ngặt.
Hai đứa tôi hí hửng chia nhau chiến lợi phẩm, vừa ăn vừa cười. Những đứa trẻ “xốc nổi” thường không thể lường trước được tai họa sắp xảy ra. Ấy là khi khúc mía đang còn trên tay thì có tiếng nói to:
- Chị Hai, có nhà không?
Mẹ thằng Thành nghe tiếng, lật đật chạy tới.
- Bác Cẩm tới thăm nhà hay có chuyện gì?
- Thằng “quý tử” nhà chị chiều nay cắt của tôi hai gốc mía. Chị bảo nó, hôm khác muốn ăn thì cứ xin bác một tiếng, chứ không được làm bừa vậy.
Bác Cẩm về, anh nó cũng vừa học về, mếu máo:
- Mẹ! Con lỡ lần này, lần sau…
- Lần sau… “lỡ” tiếp hả ??
Cứ một âm phát ra là một roi bay vù vô đít. Tởn tới già - anh thằng Thành ngồi xuýt xoa.
Hôm sau, thằng Thành chìa cho tôi một nắm cây, nhỏ dài như ngọn roi, đen thui thùi lùi. Cái gì gớm òm dậy? Tim đèn, thử đi. Là cái gì? Là những cây mía già trổ cờ lau. Mía trổ cờ sẽ bị xốp, và ruột mía có chiếc tim đèn. Nó mềm mềm ngòn ngọt. Chịu khó ăn cho… lành!
Không ngon nhưng lạ nên tim đèn trở thành món hấp dẫn. Mía càng ngọt thì tim cũng ngọt theo. Tôi mẫn cán ngồi mấp sạch rồi nghĩ, giá được chui vô đám mía, tự tay rút những chiếc tim ngọt ngào này nhỉ?
Ngay ngày hôm sau, “mơ được ước thấy” liền. Thằng Thành hỏi:
- Sáng chủ nhật đi rút tim đèn với tao?
- Nhưng có những chuyện không bao giờ diễn ra theo ý mình được! - tôi bắt chước kiểu nói của mẹ.
- Ông Cẩm đi Sài Gòn rồi, khám bệnh hay sao á! - thằng Thành cười toe, nói bằng giọng “tiểu nhân đắc chí”.
Sáng đó, tôi và nó khéo léo như Tôn Ngộ Không, trong vài động tác đã chui tọt vào đám mía. Thằng Thành nhanh chóng rút được chiếc tim dài, ung dung ngồi nhai. Còn tôi, giờ bình tĩnh nhìn, ôi, cây mía nào cũng suôn đuột, vậy là mục tiêu “tự tay rút những chiếc tim ngọt ngào” đã tan thành mây khói. Mà cũng có thấy chiếc tim đèn nào đâu. Mía tốt tươi vậy tìm đâu cây bị trổ cờ. Tôi đã có lý do chính đáng để dùng hết sức mình, bẻ một cây mập ú. “Rắc” - ác chết, sao tự dưng gốc mía lại kêu to như la làng vầy trời. Trống ngực tôi đập đùng đùng, lá mía ngả nghiêng, va vào nhau rào rạt. Ai nghĩ chuyện bẻ một cây mía lại ồn ào thế này. Tôi run rẩy, thiếu nước rụng tim luôn khi nghe:
- Ông tướng nào đang ở trong đó, ra đây cho tôi dòm chút coi!
Trời ơi, không nhầm đi đâu được, giọng nói ồm ồm như sấm đó. Ông Cẩm có đi Sài Gòn đâu mà tưởng bở. Thằng Thành bước ra, trông bộ rất đường đường chính chính.
- Dạ, con đi tìm tim đèn thôi, ngoại tha cho con nha!
- Tôi là tôi cấm mấy ông chui vào đám mía tui với bất kỳ lý do gì nghe chưa. Mau về đi!
“Được lời như cởi tấm lòng”, thằng Thành mừng rỡ quất ngựa truy phong, bỏ tôi lại một mình trong đám mía, vòng ngoài có ngoại Cẩm bao quây.
- Còn ông nào trong đó, ra tôi cốt đầu luôn thể nè!
Sợ quá, tôi đứng im, nín thở.
- Ngoan cố dữ ha? Không ra thì tôi ngồi đây chờ! Coi thử tôi với ông ai sợ ma hơn?
A, ra ngoại Cẩm biết tỏng chuyện tôi sợ ma mà cũng nhất định bắt cho được tên trộm đáng thương này. Chết thật! Tôi bắt đầu thấy hối hận và nguyền rủa cái sở thích thèm ăn vặt và hành động mạo hiểm của mình. Nào tôi có nghĩ cơ sự lại đến nước này. Giữa đoạn đồng vắng vẻ. Mặt trời lặn, gió lùa hun hút. Đứng trong đám mía mà ngỡ như bị lạc vào vương quốc của quỷ. Lá mía choảng vào nhau như những ông hung thần đấu kiếm. Sợ té đái. Mẹ ơi, cứu con!
- Cuội ơi! Ra đi con…
Là tiếng của mẹ. Ôi, mừng quá! Nhưng vẫn không dám chui ra. Ra là đầu thú. Lỡ rồi.
Đến khi ngoại Cẩm bảo - tôi chờ “ông tướng” cũng lâu quá rồi, ra mau còn về ăn cơm - thì tôi mới lò dò chui ra, cúi gằm mặt xuống đất.
- Con trai tôi hết sợ ma rồi hả?! - mẹ trêu.
- Đây là tên trộm ngoan cố nhất mà tôi từng gặp nè!
- Con xin lỗi ngoại, xin lỗi mẹ... Tại…, tại…
- Biết rồi ông, về lẹ chứ tối - ngoại Cẩm nói, tiếng của ngoại mới hiền lành làm sao.
***
Rời vòng tay mẹ, mạnh mẽ bước ra khỏi xóm núi trong tư thế “người hùng” của mẹ nhưng nhiều lúc suy nghĩ và hành động vẫn xốc nổi như cậu bé năm nào. Dễ gì được tha, tôi bị đời vả cho sưng mặt. Ngã và ngã, không chỉ một mà nhiều lần. Từ sương sương đến đau chí mạng. Chẳng thể trông cậy vào ai ngoài chính bản thân mình.
Giờ thì tôi đã hiểu vì sao ngày xưa ngoại Cẩm đã không đỡ khi tôi hiếu thắng lô xe vào ụ rơm và quyết bắt cho được lúc tôi cả gan bẻ trộm mía...
Gửi phản hồi
In bài viết