Nói đến làng cổ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ người ta thường nghĩ ngay đến cây đa, bến nước, sân đình với vẻ đẹp kiến trúc truyền thống cổ kính mang đậm những dấu ấn lịch sử, văn hóa của vùng đất đó.
Khác với làng cổ vùng đồng bằng, những ngôi làng cổ miền núi lại mang những nét văn hóa truyền thống độc đáo của người dân bản địa là đồng bào các dân tộc thiểu số. Đặc trưng của những ngôi làng cổ vùng cao là những nếp nhà sàn truyền thống, nhà trình tường mái ngói âm dương mang văn hóa của người miền núi nằm giữa khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Người dân trong làng thường có những nghề truyền thống như nấu rượu ngô men lá, trồng bông, dệt vải,... Văn hóa làng, kiến trúc làng thường gắn với phong tục, tập quán của từng dân tộc.
Trên mảnh đất xứ Tuyên cũng vẫn còn một số ngôi làng cổ của người Tày, gắn liền với những khúc đoạn thăng trầm trong lịch sử hình thành và phát triển của người dân địa phương. Nhưng với sự phát triển hiện nay, khi tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều ngôi làng cổ cùng với nghề thủ công truyền thống, những văn hóa, phong tục tập quán đặc trưng của từng ngôi làng đã có nhiều biến đổi, mai một.
Những ngôi làng với lịch sử hàng trăm năm tồn tại cùng thời gian, chứa đựng trong đó các giá trị truyền thống được tích tụ từ ngàn đời, được ví như một bảo tàng thu nhỏ. Những giá trị văn hóa với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, cách thức sinh hoạt, kiến trúc, mỹ thuật... của từng dân tộc, được gìn giữ và trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, là những giá trị cốt lõi cần được bảo tồn giữ lại cho nay và mai sau.
Ðô thị hóa là xu hướng tất yếu của một xã hội phát triển. Việc giữ gìn, phát huy các giá trị làng cổ thật sự là thách thức lớn. Làm sao để làng cổ trụ vững trong nhịp sống hiện đại. Ðiều đó rất cần nhận thức đúng đắn, sự đồng thuận của cả chính quyền và người dân địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết