Hát mãi khúc quân hành

- Tháng 12, có một ngày thật thiêng liêng đối với mỗi người lính Bộ đội Cụ Hồ. Đó là Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22 tháng 12). Trải qua 80 năm, một chặng đường đầy gian khổ hy sinh và cũng vô cùng vẻ vang, oanh liệt, bao lớp người đã anh dũng chiến đấu và ngã xuống để xây nên một Việt Nam hòa bình, thống nhất và thịnh vượng như ngày hôm nay.

Với tôi, từng khoảnh khắc lịch sử vẫn in sâu trong tâm trí. Những chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu được ghi vào sử sách nhân loại. Những cuộc hành quân bất tận vượt dãy Trường Sơn đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà vẫn vang vọng hào khí Việt Nam. Tôi tự hào được khoác trên mình bộ quân phục màu lá, tiếp nối cha anh bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Dù chiến tranh đã lùi xa, đất nước ta nay đã hòa bình, thống nhất, đang vươn tầm hội nhập cùng thế giới, nhưng vẫn còn đây những nỗi đau âm ỉ. Còn không ít những người cha, người anh đã ngã xuống trên khắp các chiến trường vẫn chưa được trở về quê mẹ. Bao đồng đội tôi từng chung một chiến hào, chia nhau từng viên đạn, quyết chặn bước quân thù, nay vẫn còn nằm đâu đó trên khắp rải biên cương. Vượt qua những giây phút sinh tử, những người lính cảm nhận rõ giá trị của cuộc sống.

Nhớ những ngày chiến đấu cùng anh, một người lính từng tham gia cuộc hành quân trăm ngày vượt dãy Trường Sơn đi đánh Mỹ. Anh kể rằng, khi hành quân vào chiến trường miền Nam, mỗi chiến sỹ phải đeo trên lưng 30 kg quân trang, súng đạn, lương khô, đường, gạo, muối trộn thuốc chống sốt rét, tê phù… Ngày hành quân, bộ đội chỉ có một nắm cơm muối ruốc thịt. Bom đạn thù không phải là thứ đáng sợ mà những trận sốt rét rừng làm kiệt sức và không ít bộ đội ta hy sinh trên đường hành quân. Với tôi, anh vừa là thủ trưởng, vừa là người anh từng trải chiến trường, một người luôn dành tình yêu thương cho đồng đội. Chúng tôi gọi anh “Người lính già”.

Một nghìn ngày bám trụ, giữ chốt trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, đơn vị tôi chốt chặn trên một sườn núi bên bờ Đông. Phía đối diện là quân thù. Pháo cối địch dội xuống suốt ngày đêm. Đá hóa thành vôi. Cây cối thành bụi rác. Đồng đội tôi 5 tháng không tắm, tóc dài ngang vai, quần áo ẩm mốc, rách tả tơi. Trước đạn thù, các anh quyết chiến đấu một tấc không đi, một ly không rời với lời thề “Sống bám đá chiến đấu, chết hóa đá bất tử”…

Trở lại chiến trường xưa những ngày đông giá buốt, bất chợt tôi gặp lại anh, Người lính già năm xưa vẫn đang cặm cụi tìm lại những bước chân xưa cũ. Đôi mắt già nua, chiếc ba lô sờn cũ là gia tài người lính anh luôn mang theo. Anh nhớ rõ từng vị trí đóng quân, từng địa điểm đạn thù trút xuống và nơi hàng trăm đồng đội tôi ngã xuống. Thịt xương các anh tan vào đá, thắm vào cây rừng. Dù rất mong manh trong cuộc tìm kiếm đồng đội, nhưng hàng chục năm qua, Người lính già dành tất cả tình cảm, công sức, thời gian để tìm kiếm đồng đội đưa các anh trở về quê mẹ. Công sức của anh không uổng, nhiều đồng đội đã được anh tìm thấy, gói ghém những kỷ vật còn sót lại, gom từng mảnh quân phục và nâng niu cẩn thận cất giữ trong chiếc ba lô. Anh cẩn thận ghi lại: Ngày này, năm này, tháng này, trong từng hốc đá, vạt cây… đồng đội ơi, linh thiêng hiện về…

Chút tâm tư người lính trong thời khắc bình yên để không quên một thời máu lửa. Chúng tôi đã may mắn được sống trở về, được chứng kiến đất nước hồi sinh, được hòa mình vào niềm vui hạnh phúc của cả dân tộc. Hôm nay, lớp lớp con cháu chúng ta đang noi theo những tấm gương bất khuất, những người lính Bộ đội Cụ Hồ đẹp trong tâm hồn, mạnh mẽ trong cuộc sống. Khúc quân hành người lính vẫn vang mãi theo thời gian, sống mãi trong hồn quê đất Việt.

Hoa Nguyên

Tin cùng chuyên mục