Hồn làng

- Làng xã là đơn vị cơ sở của nền văn hóa Việt Nam, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống, phản ánh sâu sắc đời sống, tinh thần và bản sắc của người dân. Mặc dù xã hội hiện đại đang thay đổi nhanh chóng, nhưng làng xã vẫn giữ vững được vị trí quan trọng trong tâm hồn mỗi người Việt Nam. Đây không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn, mà còn là nơi nuôi dưỡng và phát triển những truyền thống tốt đẹp, tạo dựng nên các dòng họ, cộng đồng vững mạnh, đoàn kết. Dù có thể thay đổi theo thời gian, nhưng hồn làng, tình làng nghĩa xóm vẫn là nét văn hóa tiêu biểu của người Việt.

Một số ngôi làng cổ

Từ xa xưa Tuyên Quang vẫn là vùng đất nông lâm nghiệp, nơi cư trú của nhiều dân tộc thiểu số anh em trên địa bàn. Tùy tập quán của từng dân tộc mà họ thường sống quần cư dưới thung lũng khá bằng phẳng hay trên sườn hoặc đỉnh núi. Lúc đầu họ khai hoang lập địa chỉ có vài hộ, rồi theo năm tháng hình thành nên các bản làng đông đúc, sống lâu đời. Hạt nhân của văn hóa làng xã chính là các dòng họ gia tộc được gắn kết bằng huyết thống khá bền chặt. Mọi công việc chung của làng được đề rõ trong hương ước như cùng nhau bảo vệ, giữ gìn cộng đồng. Làng có thờ cúng chung Thành Hoàng Làng, thần làng, cùng dựng đình làng lo công việc chung của cộng đồng.

Lễ hội cầu mùa đình Tân Trào.

Trong những ngôi làng cổ tiêu biểu trên địa bàn tỉnh phải kể đến làng cổ Đống Đa, xã Thượng Nông, Na Hang. Đồng chí Nguyễn Vi Lâm, Bí thư Chi bộ thôn Đống Đa, xã Thượng Nông cho biết, thôn Đống Đa trước kia có tên là thôn Bản Mù có từ lâu đời. Nhiều thế hệ người Tày nối tiếp nhau sống ở vùng đất này, hiện nay thôn có 108 hộ, 508 nhân khẩu, 100% là đồng bào Tày. Từ một bản có lác đác vài ngôi nhà sàn, đến nay thôn Đống Đa trở thành một thôn có quần thể dân cư đông đúc. Các gia đình sống 3 - 4 thế hệ trong một mái nhà vẫn còn nhiều. Anh em họ tộc cứ thế mà nối dài theo thời gian, phong tục tập quán, tôn ti trật tự vì thế được giữ gìn.

Ngoài làng Đống Đa, làng Tân Lập, xã Tân Trào, Sơn Dương cũng là ngôi làng sống lâu đời của đồng bào Tày. Trước đây Làng Văn hóa Tân Lập còn có tên gọi là Kim Long, nơi có đình làng Kim Long nổi tiếng một vùng. Hiện nay thôn Tân Lập có gần 200 hộ gia đình, trong đó dân tộc Tày chiếm trên 97%, làng còn giữ được 34 ngôi nhà sàn cổ. Gần đây trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Tân Lập có tổng cộng trên 20 nhà sàn được hỗ trợ làm mới và sửa chữa theo kiểu bê tông, cốt thép, giả gỗ.

Trải qua hơn 300 năm lịch sử, làng Giếng Tanh thuộc xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) vẫn lưu giữ được nét đẹp văn hóa, bởi người dân ở đây cho rằng Giếng Tanh là linh khí của người Cao Lan. Nằm giữa cánh đồng là đình làng Giếng Tanh của xã Kim Phú. Tên đình cũng trùng hợp với tên gọi của làng, sở dĩ nó được gọi như vậy vì làng còn giữ một cái giếng cổ. Đình được xây vào năm Bính Tuất (1706), khi đó một số dòng họ của dân tộc Cao Lan xuôi về phương Bắc để tìm vùng đất mới sinh sống. Một hôm các cụ tổ nhìn thấy khu vực này bằng phẳng, đất đai màu mỡ, cây cối tươi tốt, đặc biệt có nguồn nước trong vắt nên họ lập bản rồi đặt tên làng.

Nét văn hóa trong làng cổ

Làng cổ là một di sản quý giá của dân tộc, mang trong mình những nét văn hóa độc đáo và gắn bó với lịch sử lâu đời. Tại đây, người ta không chỉ nhìn thấy những giá trị vật chất mà còn cả những giá trị tâm linh, tinh thần đã được bồi đắp qua nhiều thế hệ. Với đặc trưng của những nếp nhà cổ kính, phong tục truyền thống và các lễ hội mang đậm bản sắc dân gian, làng cổ không chỉ là điểm đến lý tưởng cho du lịch mà còn là nơi giữ lửa truyền thống.

Kiến trúc trong làng cổ là một yếu tố gây ấn tượng đầu tiên đối với du khách. Cái hay của làng cổ Đống Đa, xã Thượng Nông, Na Hang là trên 80% số hộ của thôn vẫn giữ được những ngôi nhà sàn truyền thống. Nhà sàn ở thôn thường được đồng bào làm theo kiểu 3 gian 2 chái, cột gỗ, trên lợp ngói âm dương. Chiếc bếp vẫn được đặt trung tâm của ngôi nhà. Nhiều ngôi nhà gỗ tốt ở đây vẫn tồn tại hàng trăm năm. Ở huyện Na Hang ít có thôn nào như thôn Đống Đa, kiến trúc nhà ở được giữ nguyên trạng, tạo nên bản sắc riêng có.

Đình làng Giếng Tanh, kiến trúc không gian xưa.

Bà Nguyễn Thị Chu, sinh năm 1939, thôn Đống Đa kể lại, hồi nhỏ bà thấy các cụ cao tuổi có kinh nghiệm trong thôn thường bảo con cháu lấy đất sét về làm ngói âm dương, xong đốt lò nung trong nhiều ngày. Ở Thượng Nông rất ít cây cọ, người dân chủ yếu lợp nhà bằng ngói âm dương vừa bền, vừa mát, độ dốc thoát nước tốt. Theo bà Chu việc lợp nhà bằng ngói âm dương nhìn khá đơn giản, song thực hiện nó một cách chuẩn xác cần có kỹ năng. Gia chủ phải làm đòn tay rui mè cần đúng khẩu độ, nhất là những chỗ giao mái, cần thợ có kinh nghiệm lợp, tránh việc kênh mái, hở, rò nước hoặc gặp gió to mái bị xô. Từ một bản có lác đác vài ngôi nhà sàn, đến nay thôn Đống Đa trở thành một thôn có quần thể dân cư đông đúc.

Mỗi làng cổ đều mang trong mình những phong tục, tập quán đặc trưng, làm nên bản sắc riêng. Từ những nghi lễ trong đám cưới, tang lễ cho đến các lễ hội lớn như lễ hội đình, các nghi thức đều mang tính trang nghiêm và tái hiện những giá trị tâm linh sâu sắc. Tiêu biểu như Lễ hội Cầu mùa đình Tân Trào diễn ra vào ngày mồng 4 Tết. Đây là lễ hội cầu mùa của làng Kim Long xưa, nay do 3 thôn gồm thôn Tân Lập, Lũng Búng và thôn Mỏ Ché thực hiện, mang đậm nghi thức truyền thống của đồng bào dân tộc Tày ở xã Tân Trào huyện Sơn Dương. Lễ hội Cầu mùa Đình Tân Trào được tổ chức hàng năm nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với Thành Hoàng Làng, các vị sơn thần có công khai công lập địa và cầu cho năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, mọi nhà ấm no, hạnh phúc.

Ở làng Giếng Tanh, xã Kim Phú, TP Tuyên Quang thì thường tổ chức lễ hội vào ngày mồng 10 tháng Giêng hàng năm. Trong lễ hội của đình làng, người Cao Lan lấy nước giếng về làm lễ cúng đình vì họ tin rằng lấy nước giếng về làm đồ thờ cúng sẽ rất thiêng. Lễ hội là môi trường lưu giữ một cách sống động các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống, từ các trò chơi dân gian đến điệu hát Sình ca uyển chuyển, nhịp nhàng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan…

Bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ

Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, bảo tồn và phát huy giá trị của làng cổ là một vấn đề quan trọng trong bối cảnh phát triển kinh tế, xã hội và đô thị hóa nhanh chóng. Các làng cổ không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử mà còn là không gian sống động phản ánh đời sống tinh thần, phong tục tập quán và kiến trúc truyền thống. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị của chúng đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Hiện nay tỉnh đang giao mỗi  huyện, thành phố xây dựng ít nhất một làng văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch. Năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ bảo tồn Làng Văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn) và Làng Văn hóa truyền thống dân tộc Tày thôn Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang).

Làng cổ dân tộc Tày thôn Bản Mù, xã Thượng Giáp (Na Hang). Ảnh: Nguyễn Chính

Còn ông Nguyễn Phi Khanh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian của tỉnh khẳng định, làng cổ chứa đựng những giá trị lịch sử quý báu, là nơi lưu giữ truyền thống lâu đời, các công trình kiến trúc cổ, di tích văn hóa. Hệ thống nhà cửa, đình, chùa, giếng nước, cây đa phản ánh nét đặc trưng trong quy hoạch và phong cách sống của người xưa. Nhiều làng cổ có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương.

Tuy nhiên thách thức trong bảo tồn làng cổ là nhiều công trình cổ bị hư hại do thời gian, thiên tai hoặc thiếu kinh phí bảo trì. Sự phát triển nhanh chóng của đô thị khiến nhiều làng cổ bị xâm lấn, mất đi không gian nguyên bản. Một số người dân chưa nhận thức đầy đủ về giá trị của di sản văn hóa, dẫn đến việc phá bỏ hoặc thay đổi cấu trúc làng để xây dựng mới. Giữa bảo tồn và phát triển kinh tế thường xảy ra xung đột. Nhiều nơi ưu tiên lợi ích kinh tế ngắn hạn mà không quan tâm đến giá trị lâu dài của làng cổ.
Theo các chuyên gia, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ, cần lập kế hoạch bảo tồn tổng thể. Xây dựng quy hoạch bảo tồn làng cổ, bao gồm việc duy trì kiến trúc, cảnh quan, và bảo vệ không gian văn hóa đặc trưng. Tăng cường nhận thức cộng đồng, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu rõ giá trị của làng cổ và cùng tham gia bảo tồn. Chính sách hỗ trợ từ nhà nước, cần có các chính sách và nguồn lực hỗ trợ từ chính quyền, bao gồm kinh phí trùng tu, quy định pháp lý bảo vệ di sản. Phát triển du lịch bền vững, kết hợp bảo tồn với phát triển du lịch, tạo nguồn thu nhập ổn định cho cộng đồng, đồng thời giữ gìn giá trị văn hóa, kiến trúc truyền thống. Ứng dụng công nghệ, sử dụng công nghệ số hóa để lưu trữ và quảng bá giá trị của làng cổ.

Trăn trở về vấn đề này ngay từ năm 2020, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Thượng Nông đã chỉ rõ cần khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thu hút khách du lịch tham quan làng Tày cổ Bản Mù nay là thôn Đống Đa, xã Thượng Nông. Chị Hà Thị Bảo, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đống Đa cho biết, cụ thể toàn bộ khung cửi dệt thổ cẩm của đồng bào Tày từ ngày xưa đến nay được giữ gìn, nhiều chị em tiếp tục đóng khung cửi để phát triển nghề truyền thống. Nhiều sản phẩm từ vải thổ cẩm đã ra đời như trang phục đồng bào Tày, túi, khăn, gối, chăn, hứa hẹn trở thành đồ lưu niệm hấp dẫn du khách.

Bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ không chỉ giúp duy trì di sản văn hóa mà còn góp phần xây dựng bản sắc dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Việc làm này đòi hỏi sự chung tay của các cấp chính quyền, cộng đồng địa phương.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục