Canh rau ngót rừng
Ngót rừng thường mọc ở núi đá. Rau có vị ngọt và lạ miệng nên được rất nhiều người ưa chuộng. Canh rau ngót rừng có thể nấu với cá rô, cá quả, thịt nạc, thịt gà, sườn, giò sống hay tôm nõn... Canh sôi lại là bắc ra ngay, bởi nếu nấu nhừ quá lá rau lại mất vị ngọt. Khi không có thịt cá, chỉ rau ngót nấu suông thôi cũng đủ ngọt ngon lắm rồi. Đặc biệt, với những người sành ăn, khi nấu suông như vậy mới cảm nhận được hết hương vị của rau. Bát canh xanh ngắt mát lành với hương vị bùi bùi, ngầy ngậy rất khó tả.
Độc đáo canh giảo cổ lam
Giảo cổ lam không chỉ biết đến là một loại thuốc quý có tính mát, công năng thanh nhiệt giải độc mà còn có thể làm thức ăn bổ dưỡng, vị ngọt, ăn rất lạ miệng. Giảo cổ lam có 3 loại: loại 3 lá, 5 lá và 7 lá. Để nấu canh, người dân thường dùng loại 7 lá, hương vị món ăn sẽ thơm ngon hơn. Món canh trứng giảo cổ lam có cách chế biến đơn giản nhưng hương vị vô cùng đặc biệt. Bạn chỉ cần nấu sôi nước lên cho lá giảo cổ lam vào, sau đó đánh thêm 1 quả trứng. Vị ngọt thanh của giảo cổ lam kết hợp với vị thơm, quyện béo của trứng sẽ tạo nên một món canh rất dễ đưa cơm.
Đậm đà hương vị rau dớn
Rau dớn đã trở thành món ăn phổ biến trong nhiều nhà hàng ở Tuyên Quang. Dớn rừng mọc hoang dại dọc khe suối, bên những tảng đá. Với không ít người miền xuôi, có lẽ lần đầu tiên nhìn thấy rau dớn sẽ nghĩ ngay đây là dương xỉ không ăn được. Nhưng kỳ thực rau này ăn rất giòn. Rau dễ chế biến, có thể xào, luộc, nấu canh, muối chua, làm nộm nhưng món xào là phổ biến và ngon nhất. Để có đĩa rau dớn xào hấp dẫn, bí quyết của người dân Tuyên Quang là phơi rau hơi héo. Khi xào thêm vài chiếc lá đu đủ non để rau không bị nhớt. Ăn rau dớn không quen thấy hơi chát, nhưng quen rồi thì lại muốn thưởng thức lần tiếp theo.
Gửi phản hồi
In bài viết