Điểm nhấn kiến trúc miền núi

- Những địa phương miền núi, với bối cảnh địa lý và văn hóa độc đáo luôn mang trong mình tiềm năng để phát triển kiến trúc đặc sắc. Tuy nhiên, điểm qua thì thấy nhiều đô thị miền núi vẫn còn thiếu điểm nhấn và những công trình có giá trị, đặt ra những câu hỏi về tầm nhìn quy hoạch và thiết kế đô thị.

Bảo tàng văn hóa các dân tộc Đắk Lắk được thiết kế, xây dựng theo phong cách nhà dài Ê đê độc đáo.

Có thể thấy rõ tình trạng nhiều đô thị miền núi phát triển theo kiểu “mạnh ai nấy xây”, nên ít nhiều có sự thiếu đồng bộ về hình thức kiến trúc, phá vỡ cảnh quan tự nhiên vốn là thế mạnh của khu vực. Điều này làm giảm sức hút du lịch và khó tạo dấu ấn riêng biệt trong mắt người dân và du khách.

Tình trạng lạm dụng kiến trúc ngoại lai cũng thường thấy ở các công trình kiến trúc hiện đại sao chép phong cách phương Tây, thiếu sự hòa quyện với thiên nhiên và văn hóa bản địa. Nhiều gia đình có điều kiện xây dựng các công trình mang phong cách lâu đài kiểu Pháp, kiểu Gothic hoặc Baroc hoành tráng, trang trí cầu kỳ với cột trụ, tượng điêu khắc, và màu sơn sáng bóng. Nhưng đặt giữa tổng thể xung quanh thấy xa lạ hơn là nổi bật, mặt khác còn phá vỡ cảnh quan truyền thống, không phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm và phong tục sinh hoạt địa phương.

Tại một số thành phố miền núi như Sa Pa, Đà Lạt, nhiều dãy nhà phố được xây dựng với mặt tiền mang phong cách hiện đại châu Âu hoặc Địa Trung Hải, bao gồm cửa kính lớn, ban công sắt uốn lượn, hoặc hình khối tối giản. Do vậy, làm mất đi vẻ đẹp mộc mạc, đặc trưng của các đô thị miền núi, không tận dụng được lợi thế tự nhiên như độ dốc, tác động xấu đến tầm nhìn của cảnh quan núi rừng hùng vĩ. Mặt khác, còn gây áp lực lên môi trường do lối xây dựng không bền vững. Thực tế đã có những vụ việc xảy ra từ những tình trạng này.

Một số khu nghỉ dưỡng ở các vùng núi lại được thiết kế theo phong cách biển đảo, với lều gỗ, mái tranh và hồ bơi kiểu Hawaii hoặc Bali. Hệ quả là kiến trúc không gắn với văn hóa dân tộc vùng miền... vốn có thế mạnh truyền thống về nhà sàn, thổ cẩm, và không gian cộng đồng; làm lu mờ giá trị bản địa, khiến du khách khó cảm nhận được nét độc đáo của địa phương.

Để khắc phục những tình trạng này, nâng tầm kiến trúc đô thị miền núi, cần chú ý tôn vinh văn hóa bản địa. Bởi mỗi vùng miền đều có di sản văn hóa độc đáo. Kiến trúc cần lấy cảm hứng từ vật liệu, màu sắc, hoa văn và kết cấu truyền thống, từ đó tạo ra những công trình vừa hiện đại vừa gắn bó với cội nguồn. Mặt khác, cần có quy hoạch đồng bộ, bền vững, quy định rõ về phong cách kiến trúc, mật độ xây dựng và không gian xanh. Các công trình mới phải hài hòa với thiên nhiên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Bên cạnh đó, cần chú ý đầu tư xây dựng những công trình mang tính biểu tượng như quảng trường, bảo tàng văn hóa dân tộc, hay các không gian công cộng sáng tạo. Những công trình này không chỉ đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ mà còn trở thành niềm tự hào của người dân. Các dự án lớn cần sự tham gia của kiến trúc sư có tầm nhìn và am hiểu địa phương, nhằm có sự cân bằng giữa yếu tố hiện đại và truyền thống, đồng thời tránh được lối mòn trong thiết kế.

Một yếu tố quan trọng là người dân địa phương cần được tham gia vào quá trình xây dựng và gìn giữ bản sắc kiến trúc. Điều này không chỉ tạo sự đồng thuận mà còn giúp bảo tồn văn hóa lâu dài.

Kiến trúc là tấm gương phản chiếu bản sắc và tầm vóc của một địa phương. Chỉ khi có sự đầu tư nghiêm túc và tầm nhìn dài hạn, thì kiến trúc mới thực sự tạo nên những điểm sáng trên bản đồ kiến trúc và du lịch của cả nước.

Minh Minh

Tin cùng chuyên mục