Xử lý nhanh, chính xác
Nhiếp ảnh gia Phạm Khánh Dương, hội viên Chi hội Nhiếp ảnh Hội Văn học - Nghệ thuật là người say mê chụp ảnh dịch vụ và ảnh nghệ thuật. Là nhiếp ảnh gia khá trẻ, lại theo chuyên ngành ảnh, Phạm Khánh Dương luôn tìm tòi học hỏi những công nghệ chỉnh sửa ảnh hiện đại, thuận tiện nhất hiện nay. Qua làm ảnh, Phạm Khánh Dương nhận thấy nhu cầu lớn của khách hàng muốn phục hồi ảnh cũ đã bị xuống cấp. Nếu xử lý theo phương pháp thủ công thì mất rất nhiều thời gian, hơn nữa việc “tái tạo” nếu non tay sẽ khiến bức ảnh thiếu chính xác. Nhiều bức ảnh làm xong, so với bản gốc anh cảm thấy không thật sự hài lòng.
Nhiếp ảnh gia Phạm Khánh Dương say mê nghiên cứu phục chế ảnh bằng công nghệ AI.
Đau đáu với việc này, nhiếp ảnh gia Phạm Khánh Dương đã dày công nghiên cứu tìm hiểu, học hỏi trên nhóm, học online về phục chế ảnh bằng công nghệ AI trên phần mềm photoshop.
Nhiếp ảnh gia Phạm Khánh Dương cho biết, AI có thể xử lý và làm sạch ảnh, phát hiện và loại bỏ các yếu tố nhiễu trong ảnh, chẳng hạn như vết xước, đốm, hoặc bụi bẩn. Cải thiện độ phân giải, với các ảnh có độ phân giải thấp, AI có thể “tăng độ phân giải”, giúp tái tạo lại chi tiết mà không làm giảm chất lượng ảnh. Các thuật toán có thể làm việc này một cách hiệu quả. Sửa chữa vùng bị thiếu, nếu bức ảnh bị hỏng hoặc thiếu một số phần do bị rách hoặc mất do quá trình lưu trữ lâu dài, các mô hình AI có thể điền vào những phần thiếu này bằng cách dự đoán và tái tạo lại những vùng ảnh dựa trên các thông tin xung quanh. Tái tạo màu sắc cho ảnh đen trắng, AI có thể tự động thêm màu sắc vào các bức ảnh đen trắng dựa trên học máy, dự đoán màu sắc phù hợp cho từng phần của ảnh. Khôi phục chi tiết khuôn mặt, đặc biệt trong các bức ảnh cũ có khuôn mặt người, AI có thể nhận diện và khôi phục lại các chi tiết khuôn mặt bị mờ hoặc thiếu, giúp ảnh trở nên rõ ràng và sắc nét, giống với nguyên bản hơn.
hiệu quả cao
Trước đây, những người làm nghề phục chế ảnh thường là những người giỏi về hội họa, mỹ thuật, có năng khiếu, kỹ năng truyền thần. Đi theo nghề phải học hỏi, trải nghiệm nhiều năm, thậm chí hàng chục năm mới “nên cơm cháo”. Vì lý do độ khó của nghề nên rất ít người kiên trì theo đuổi nghề này. Trên địa bàn tỉnh người làm nghề phục chế ảnh đếm trên đầu ngón tay, thường đã cao tuổi.
Bức ảnh phục chế bằng công nghệ AI cho sức mạnh vượt trội, đảm bảo cao chất lượng cũng như tính nguyên mẫu của ảnh.
Rất may cuộc cách mạng 4.0 nổ ra, thời đại của trí tuệ nhân tạo đã lên ngôi. Các phiên bản photoshop mới nhất ra đời, cho phép người dùng có thể phục chế ảnh bằng công nghệ AI. Những nhiếp ảnh gia trẻ tiếp cận rất nhanh với công nghệ, phần mềm mới. Nhiếp ảnh gia Phạm Khánh Dương đã mày mò, học hỏi, quyết tâm và đã thành công. Những tấm ảnh cũ của khách hàng mang đến phục chế, anh đều xử lý tốt, ảnh in ra đảm bảo chất lượng và tính nguyên mẫu.
Ông Trần Trung, phường Tân Quang có tấm ảnh thờ của bà cụ thân sinh, cơn bão số 3 vừa qua gây ngập lụt, chẳng may ảnh bị ướt, ố, mất nhiều chi tiết, có nguy cơ hỏng. Ông tìm hiểu địa chỉ và tin tưởng vào cửa hàng Studio Khánh Dương. Sau hơn 1 ngày giao file ảnh, ông Trung đã được nhiếp ảnh gia Phạm Khánh Dương giao ảnh mới tại nhà. Cầm tấm ảnh bà cụ trên tay, ông Trung khá bất ngờ. Tốc độ làm nhanh, ảnh in đúng kích thước, chất lượng ảnh rõ nét, giống hệt với nguyên mẫu. Lúc đầu ông Trung nghĩ khôi phục được 80% là đã ổn rồi. Nay bức ảnh đạt trên 95%, gia đình ông vui lắm.
Theo nhiếp ảnh gia Phạm Khánh Dương, các thuật toán của máy tính đã tính toán chính xác các thông số để cho ra những bức ảnh như nguyên mẫu, những bức ảnh tốt nhất. Hiện nay AI còn cho phép tạo ra các bức ảnh có “tương tác” với nhau. Ngoài ảnh AI còn tạo ra video ngắn có giọng nói để làm kỷ niệm, lưu trữ hay đăng trên các nền tảng mạng xã hội. AI đã và đang thật sự tạo ra một kỷ nguyên mới, nếu con người biết áp dụng vào cuộc sống, nó sẽ tạo ra nhiều điều tốt đẹp, thú vị.
Gửi phản hồi
In bài viết