Giữ gìn truyền thống

- Giữa nhịp sống hiện đại đầy hối hả, những nét văn hóa truyền thống của làng quê Việt Nam luôn là kho báu quý giá cần được gìn giữ. Những làng cổ như những bảo tàng sống động về đời sống, phong tục và tập quán của các dân tộc thiểu số; cần được giới thiệu rộng rãi và bảo tồn.

Tại Tuyên Quang, đã có những làng cổ trở thành điểm đến cho du khách như làng Tày Tân Lập, xã  Tân Trào (Sơn Dương), làng Tày Nà Tông, làng Dao Bản Biến (Lâm Bình) hay làng Dao Khau Tràng (Na Hang)… Những ngôi nhà sàn làm từ gỗ quý, mái lợp lá cọ hay nhà trình tường của người Dao, Mông với các bức vách bằng đất nện, mái ngói âm dương là nét đặc trưng của các làng cổ miền núi. Kiến trúc này không chỉ phù hợp với khí hậu, địa hình mà còn phản ánh tập quán sinh hoạt và văn hóa tâm linh.

Đồng bào Dao thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) cải tạo nhà sàn truyền thống phục vụ du khách tham quan, nghỉ dưỡng.

Đáng tiếc, dưới áp lực hiện đại hóa, nhiều ngôi làng đã chuyển sang xây nhà bê tông, làm mất đi dáng vẻ nguyên sơ. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ người dân duy trì và tu bổ những ngôi nhà cổ, kết hợp phát triển du lịch sinh thái để tăng thu nhập nhưng vẫn bảo tồn được văn hóa.

Cùng với kiến trúc độc đáo, làng cổ miền núi còn lưu giữ những nghề thủ công tinh xảo như dệt thổ cẩm, đan lát, vẽ sáp ong…, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc, gắn với các nghi lễ và tín ngưỡng. Đồng thời, các làng cổ còn là nơi diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc như lễ hội Lồng Tông (xuống đồng) của người Tày, lễ hội Gầu Tào của người Mông, hay lễ Nhảy lửa của người Dao đỏ, Pà Thẻn. Đây là dịp để cộng đồng gắn kết, bày tỏ lòng biết ơn với thiên nhiên, tổ tiên và cầu mong mùa màng bội thu.

Ẩm thực tại mỗi làng cổ không chỉ là món ăn mà còn là biểu tượng văn hóa độc đáo, phản ánh mối quan hệ hài hòa giữa con người với tự nhiên, cách tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để tạo ra những hương vị riêng biệt. Chính ẩm thực là một trong những con đường ngắn nhất để thu hút du khách.

Tuy nhiên, những nét kiến trúc, phong tục, văn hóa độc đáo của một số làng cổ đang có nguy cơ bị pha tạp, mai một do dòng chảy của thời đại, đặt ra yêu cầu phải bảo tồn, phát huy các giá trị làng cổ. Việc hỗ trợ người dân quảng bá sản phẩm, quảng bá ẩm thực qua các sự kiện du lịch và hội chợ văn hóa là cách để nâng cao giá trị của các làng cổ. Nó cũng sẽ giúp các làng nghề truyền thống được “hồi sinh”, đồng thời lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc. Bên cạnh đó, du lịch với các hoạt động như lưu trú tại homestay, trải nghiệm làm nương rẫy, học cách nhuộm chàm hay thêu thổ cẩm là cơ hội lớn để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa từ các làng cổ.

Tuy nhiên, các hoạt động trên cần đi đôi với bảo vệ môi trường và giữ gìn sự nguyên sơ của bản làng, tránh tình trạng “biến làng thành phố”. Có như vậy bản sắc văn hóa mới được lưu truyền, trở thành niềm tự hào cho các thế hệ mai sau. Hành động hôm nay sẽ là nền tảng để thế hệ mai sau tự hào khi nhìn lại.

Sơn Vũ

Tin cùng chuyên mục