Các công trình kiến trúc có giá trị thẩm mỹ cao, tương tác tốt với môi trường tự nhiên sẽ giúp con người cảm nhận được vẻ đẹp và sự tinh tế của cuộc sống, giúp mỗi người tìm kiếm cảm hứng, tăng cường sức khỏe tinh thần và trở nên năng động trong cuộc sống. Kiến trúc còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, những di sản, công trình kiến trúc độc đáo luôn tạo dấu ấn đặc sắc, không chỉ góp phần quảng bá văn hóa, lịch sử của một quốc gia, một địa phương, một dân tộc... mà còn là một nguồn lực kinh tế mạnh mẽ, giúp thu hút đầu tư, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Một công trình kiến trúc được đánh giá là công trình kiến trúc chuẩn, không chỉ bởi hình thức hay công năng mà còn bởi yếu tố văn hóa bản địa trong kiến trúc. Đó là bản sắc văn hóa địa phương, là cái “hồn” của dân tộc, những giá trị cộng đồng đã được đúc kết theo thời gian.
Trong thời đại hiện nay, đi cùng với sự phát triển của đời sống xã hội và sản xuất kinh doanh là nhu cầu về thẩm mỹ đối với không gian sống của con người. Kiến trúc nhanh chóng trở thành một trong những lĩnh vực được quan tâm trong cuộc sống. Vì vậy, công tác quy hoạch đòi hỏi phải có quy hoạch di sản kiến trúc. Bên cạnh những công trình kiến trúc cổ cần được bảo tồn, giữ gìn và bảo vệ giá trị kiến trúc trong dòng chảy hối hả của cuộc sống đương đại, thì cũng rất cần các công trình kiến trúc mới để thích ứng với thời đại.
Tuy vậy, để đáp ứng với việc xây dựng các đô thị xanh, hiện đại, phát triển bền vững trong thời đại 4.0, thì các công trình kiến trúc cũng luôn phải thể hiện sự kết hợp tốt ở bốn yếu tố cơ bản, bao gồm tính thích dụng, mỹ quan, kinh tế và bền vững. Có như vậy mới tạo nên những công trình kiến trúc có giá trị đáp ứng nhu cầu của xã hội, là nền tảng và cơ sở hạ tầng để phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo dựng những không gian sống nhân văn, an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường.
Gửi phản hồi
In bài viết