Đình Hồng Thái xã Tân Trào (Sơn Dương).
Bạn tôi bảo rằng, đầu xuân đi lễ, trảy hội tại Tân Trào, vùng đất diễn ra biết bao sự kiện trọng đại của đất nước như được tiếp thêm động lực cho năm mới. Anh là doanh nhân kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ, công việc bộn bề lắm. Và dịp Tết này đi trảy hội cầu may là lúc để anh thư thái bên gia đình, cùng nhau chúc phúc và cầu cho mọi việc được hanh thông, thuận buồm xuôi gió. Sau kỳ nghỉ Tết, anh sẽ nán lại Tuyên Quang ít ngày để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Giờ Tuyên Quang có đường cao tốc rồi, từ Hà Nội về đây chỉ hết 1,5 tiếng đồng hồ, thuận lắm.
Cảm xúc của bạn tôi cũng như bao du khách khi chọn Tuyên Quang là điểm đến của mình cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Và những lễ hội tổ chức sớm như Lễ hội đình Hồng Thái đã đem đến cho du khách nhiều điều thú vị.
Trước Cách mạng Tháng Tám, đình Hồng Thái có tên gọi là đình Kim Trận, thuộc tổng Thanh La. Tháng 3 - 1945, khởi nghĩa Thanh La giành được chính quyền cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Kim Trận họp bàn và quyết định đổi tên xã, lấy tên liệt sỹ Phạm Hồng Thái đặt tên cho xã mình (xã Hồng Thái, thuộc châu Tự Do) và đình Kim Trận cũng mang tên đình Hồng Thái từ ấy. Qua các cứ liệu cho thấy, đình Hồng Thái khởi dựng vào ngày 20 - 8 -1919.
Đình Hồng Thái được dựng lên tại thôn Cả, xã Tân Trào để đáp ứng nhu cầu về sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của đồng bào dân tộc Tày miền núi. Người dân tộc Tày thường hướng tới thế giới tâm linh, thờ đa thần nguyên thủy xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh muôn vật, muôn loài đều do Pựt Luông - Ngọc Hoàng tạo ra và đều có linh hồn, ngoài việc thờ cúng tổ tiên, còn thờ những vị thánh, vị thần. Đình Hồng Thái cũng như bao ngôi đình khác là nơi thờ thần Thành Hoàng, nhưng các Thành Hoàng của đình là các thần sông, thần núi quy ngự tại khu vực đất Kim Trận, bao gồm 11 vị thần.
Rước kiệu tại Lễ hội đình Hồng Thái, xã Tân Trào (Sơn Dương).
Ảnh: Minh Thủy
Là thiết chế văn hóa tín ngưỡng ra đời sớm, đình Hồng Thái là một biểu tượng của tính cộng đồng, tự trị dân chủ của làng xã. Nhưng ngôi đình này còn mang giá trị đặc biệt. Bởi đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân đầu tiên khi Người từ Pắc Bó - Cao Bằng về Tân Trào - Tuyên Quang vào chiều 21 - 5 - 1945 và là nơi đón tiếp các đại biểu về dự họp Quốc dân Đại hội ở đình Tân Trào ngày 16, 17 - 8 - 1945. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình Hồng Thái là trạm liên lạc đặc biệt quan trọng của Ban Bảo vệ an toàn khu (ATK), là nơi tổ chức nhiều phiên họp của Hội đồng Chính phủ.
Lễ hội cầu may đình Hồng Thái được tổ chức vào ngày mồng 3 Tết với nhiều hoạt động đặc sắc. Lễ hội có phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra trong buổi sáng với các nghi lễ tâm linh, thể hiện sự tôn kính của người dân với Thành Hoàng làng và các vị thần, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà mạnh khỏe, bình yên, no ấm. Phần hội là một quy trình các trò diễn thể hiện nội dung của lễ cầu may do một người diễn xướng với kịch bản là bài diễn trò mà người dân địa phương gọi là bài Giáo trò hoàn toàn bằng tiếng Tày.
Các hoạt động của phần này diễn ra trong khung giáo bằng cây tre mai được dựng lên ngay giữa sân đình, khung giáo rộng khoảng 15 - 20 m2. Trong ngày lễ hội đình Hồng Thái, nhiều hoạt động diễn ra, đó là các nghi thức tế lễ, rước kiệu, dâng hương, tổ chức các trò vui, trò chơi dân gian như đu quay, bịt mắt bắt dê, thi hát Then và nhiều hoạt động thể thao cuốn hút như đẩy gậy, kéo co, bóng chuyền, đua mảng trên sông Phó Đáy.
Với những giá trị đó, Lễ hội đình Hồng Thái đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ hội được tổ chức hàng năm đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo trong quần thể di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Đặc biệt, Tập đoàn Flamingo đang đầu tư các dự án tại đây sẽ mở ra cơ hội lớn để Tân Trào bứt phá. Khi ấy, Lễ hội đình Hồng Thái ngày càng đông hơn, mang lại nhiều giá trị cho người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết