Du khách nước ngoài thưởng thức món lợn quay vùng cao.
Lợn quay ở đây là những con lợn đen nhỏ, chỉ chừng hơn chục cân, người dân gọi là “lợn cắp nách” vì nhỏ đến mức có thể… cắp vào nách mà mang đi. Lợn được nuôi thả rông trong rừng, ăn củ sắn, rau rừng, chuối chín. Có lẽ vì thế mà thịt của chúng săn chắc, thơm lạ, ăn đến đâu nhớ đến đó.
Tôi được tận mắt chứng kiến cả quá trình người dân chuẩn bị lợn quay. Họ rửa sạch, để nguyên con rồi nhồi vào bụng nào lá mác mật, quả mác mật, muối, đường - thứ gia vị chỉ riêng miền rừng mới có. Sau đó, khâu kín bụng lại, treo lợn trên than hồng rồi quay đều tay trong vài tiếng đồng hồ. Vừa quay, vừa phết mật ong lên da cho bóng, cho vàng óng như màu nâu cánh gián. Mùi thơm bốc lên từng hồi, quện lẫn với hương gió núi, khiến bụng tôi cồn cào như trẻ nhỏ chờ mẹ dọn mâm cơm chiều.
Rồi khoảnh khắc ấy cũng đến - miếng lợn quay đầu tiên được cắt ra, da giòn rụm, bên trong thịt mềm ngọt, thơm hương mác mật. Tôi nhai chậm rãi, như để giữ mãi hương vị nơi đầu lưỡi. Không chỉ ngon, món ăn ấy còn mang theo cả sự chân tình, cả khí chất của núi rừng. Mỗi miếng thịt là một phần của nếp sống bình dị mà đậm đà - của người vùng cao hiền hậu, cần cù.
Từ một món ăn giản dị của đồng bào dân tộc, lợn quay xứ Tuyên giờ đã thành đặc sản nức tiếng, được đưa đi khắp mọi miền. Nhưng tôi tin, dù có thưởng thức ở đâu, thì cái ngon trọn vẹn nhất vẫn là khi bạn được ăn giữa đất trời Tuyên Quang - nơi núi ôm mây, rừng ôm lửa, và con người ôm ấp cả tấm lòng vào từng món ăn.
Gửi phản hồi
In bài viết