Tết Nguyên đán được coi là dịp nghỉ lễ lớn và quan trọng nhất trong năm. Đây là khoảng thời gian để các thành viên trong gia đình có dịp được ngồi quây quần bên nhau sau một năm dài làm việc vất vả. Đồng thời là cơ hội để mọi người thăm hỏi người thân, thầy cô, bạn bè và cầu chúc cho nhau thêm một năm mới bình an và hạnh phúc.
Thầy đồ và các học trò xưa.
Theo quan niệm của ông cha ta, hai ngày quan trọng nhất trong năm (mùng 1 và mùng 2 Tết Nguyên đán) phải dành để “Tết cha”, “Tết mẹ”, thể hiện lòng hiếu thảo, kính trọng ông bà, cha mẹ hai bên nội ngoại. Đây là một nét đẹp trong truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta từ xưa đến nay.
Đến ngày mùng 3 Tết thì mọi người sẽ đi chúc Tết các thầy cô giáo, người đã có công dạy dỗ mình. Thầy ở đây mở rộng ra có thể là thầy giáo, thầy nghề…
Bên cạnh đó, người Việt cũng thường nhắc nhau “Không thầy đố mày làm nên” để nói về công lao dạy dỗ của các thầy, cô giáo trong cuộc đời mỗi con người. Bởi vậy, sau 2 ngày đầu năm “Tết cha”, “Tết mẹ”, ngày mùng 3 Tết, mọi người thường đến chúc Tết thầy cô giáo để tỏ lòng biết ơn, kính trọng và ôn lại kỷ niệm xưa đối với những thầy cô giáo cũ.
Thầy cô luôn là người có công lao rất lớn với mỗi người khi trưởng thành. “Tết thầy” luôn đi liền với Tết ông bà, cha mẹ, những người đã sinh thành và dưỡng dục của mỗi người. Đây không chỉ nêu cao vị thế của người thầy mà còn muốn nhấn mạnh truyền thống tôn sư trọng đạo, biết ơn thầy cô như biết ơn cha mẹ và cũng muốn nhắc nhở những người làm ông bà, cha mẹ cũng phải nhớ đến vai trò làm thầy, cùng với thầy ở trường để giáo dục dẫn dắt con cái trưởng thành.
Ông cha ta không nhắc nhở con cháu phải mâm cao cỗ đầy để Tết thầy, mỗi người phải luôn ghi nhớ, luôn biết ơn những người thầy không sinh thành ra mình nhưng là những người đã có công lao dưỡng dục không khác gì cha mẹ mình. Thầy cô luôn là người có công lao rất lớn với mỗi người khi trưởng thành.
Niềm vui của cô trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh. Ảnh: Huy Hoàng
Lễ vật mang theo để dâng kính thầy cô khi xưa không nặng về vật chất. Không phân biệt chức vụ, vị trí xã hội, học trò cứ tự phục vụ bánh kẹo, rồi ngồi quây quần tâm sự, nghe thầy cô hỏi chuyện và thông báo cho thầy cô về công việc, gia đình năm qua cũng như những dự định sắp tới…
Tri ân với những người thầy đã giúp chúng ta trưởng thành cùng năm tháng trên ghế nhà trường không chỉ giúp chúng ta có tri thức mà quan trọng phải có nhân cách trở thành những người tử tế, những người có phẩm chất năng lực để đóng góp cống hiến cho xã hội.
Từ ngàn xưa, ông cha ta đã quan niệm: “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, cách nói ví von hình ảnh tượng trưng này để chỉ người giúp ta “một chữ” hay “nửa chữ” đều phải tôn trọng để học hỏi và phải tri ân tất cả những người đã giúp đỡ ta. Có thể hiểu rộng ra bạn bè, sách vở đều là những người thầy giúp ta trưởng thành, đều phải trân quý.
Trong xã hội hiện đại, ngày mùng 3 Tết, người Việt, nhất là giới trẻ thường rủ nhau đến chúc Tết thầy cô giáo. Đây vừa là dịp thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn thầy cô vừa là thời điểm để bạn bè có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chúc tụng nhau gặp nhiều điều may trong những ngày Tết đến, xuân về.
Gửi phản hồi
In bài viết