Ánh lửa mùa xuân

- - Người Pà Thẻn có Lễ hội nhảy lửa. Người Dao đỏ cũng có Lễ hội nhảy lửa. Tuy việc thực hành nghi lễ có ít nhiều khác nhau nhưng Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Dao đỏ và dân tộc Pà Thẻn đều gửi gắm mong ước, khát vọng về cuộc sống ấm no.

Thần lửa che chở bản làng

Theo quan niệm của người Dao đỏ và người Pà Thẻn, lửa tượng trưng cho sự sống và được coi như một vị thần linh thiêng, giúp mang lại ấm no, hạnh phúc cho bản làng. Chính vì vậy, từ xa xưa, đồng bào dân tộc Dao đỏ và Pà Thẻn đã tổ chức lễ hội nhảy lửa. Mọi người tin rằng khi lễ nhảy lửa diễn ra, thần lửa sẽ sưởi ấm và mang lại cho dân làng một năm mới bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Lễ hội nhảy lửa thường được tổ chức vào cuối năm hoặc đầu năm mới. Các ngày tổ chức lễ hội không cố định, mà phụ thuộc vào ngày đẹp, giờ đẹp được các già làng, trưởng họ hay thầy tào định ngày. Lễ nhảy lửa thường được tổ chức theo dòng họ, họ nào được tổ chức thì chuẩn bị đồ lễ. Vào đúng giờ tốt, những đồ lễ mang tính dân tộc, theo tập quán được bày ra một chiếc bàn dài, nơi được coi là chỗ trang nghiêm nhất, trước chiếc sân rộng. Một đống củi to đã được thanh niên mang đến, như đống củi thường đốt trong những đêm lửa trại.

Khi đống củi đã trở thành một đống than hồng rừng rực cháy, thầy cúng xin quẻ âm dương. Được thần lửa đồng ý, chỉ những chàng trai muốn được nhảy lửa đã ngồi “hầu lễ” từ đầu buổi lễ, được phép ngồi trước mặt các thầy cúng để phù phép. Các chàng trai như bị thần nhập, lắc lư rất mạnh và dường như có ai đó sai khiến. 

Nghi lễ cúng Nhảy lửa của người Pà Thẻn.

Có một điểm đặc biệt, mặc dù họ nhảy vào giữa đống lửa đang cháy rừng rực bằng đôi chân trần, hoa than đỏ rực nhưng không ai bị bỏng hay phồng rộp.

Nhảy lửa chỉ dành cho nam giới, điều đó như khẳng định sức mạnh của người đàn ông dân tộc Dao không có trở ngại nào là không thể vượt qua. Ông Chúc Tài San, năm nay 65 tuổi ở tổ 1, phường Tân Hà nhớ lại: Thời trẻ ông sống ở thôn Nà Xe, xã Phúc Yên, khi ấy ông ngoài 20 tuổi, dòng họ Chúc tổ chức Lễ hội nhảy lửa. Ông ngồi hầu lễ và có 2 lần may mắn được thần lửa “nhập” để nhảy lửa. Lúc đó, ông có cảm giác trong người hơi lạnh lạnh, gai gai. Thế nên, thấy lửa là thấy trong người rạo rực, cứ thế lao vào lăn, vờn cùng lửa.

Các chàng trai người Dao đỏ chuẩn bị nhảy lửa. Ảnh: Hoàng Bách

Còn ông Bàn Xuân Triều, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa Dân tộc Dao tỉnh khẳng định: Nhảy lửa đã có từ xa xưa trong đời sống người Dao đỏ. Trước kia, gia đình, dòng họ nào tổ chức nhảy lửa thì năm đó trong thôn có hội. Bởi hầu hết, các gia đình trong thôn đều mời thầy cúng đến nhà để làm lễ với mong muốn xua đuổi điều không may mắn, đón những vận may mới. Cứ thế, thầy cúng đi từ nhà này đến nhà khác, không khí lễ hội diễn ra vô cùng nhộn nhịp và ý nghĩa, qua đó góp phần xây dựng tình đoàn kết bản làng.

Đậm tính nhân văn

Hai dân tộc Dao đỏ và Pà Thẻn cùng có lễ hội nhảy lửa nhưng việc thực hành nghi lễ ít nhiều có sự khác nhau. Với dân tộc Pà Thẻn, phần lễ khá ngắn gọn. Vật phẩm trong Lễ nhảy lửa chỉ đơn giản là một bát nước lã để trên bàn thờ. Ngoài ra còn có mâm lễ nhỏ với lễ vật là một chiếc thủ lợn hoặc một con lợn nhỏ. Phần lễ cúng khá ngắn gọn với 3 bài cúng bằng tiếng Pà Thẻn trình bày rõ với thần linh về lý do của buổi Lễ: lý do phải mang ý nghĩa tốt đẹp như lễ tạ ơn, lễ cúng lúa mới, giải hạn, chữa bệnh cho dân bản... mới mời được thần về, trong đó quan trọng nhất là thần lửa.

Với người Dao đỏ, vật phẩm dâng cúng không thể thiếu các loại như: Cơm, gạo, rượu, gà luộc, nước suối, vải mộc màu trắng, hương, tiền làm bằng giấy bản, đèn hoặc nến… Cùng với đó, vật dụng vô cùng quan trọng để gọi thần linh là chuông. Chiếc chuông này được kết lại từ những đồng xòe cổ xưa. Mỗi khi thầy lắc chuông, các đồng xòe va vào nhau tạo ra những tiếng kêu vang vọng khắp núi rừng, vọng đến cả trời xanh. Khi đó các vị thần linh nghe thấy lời thỉnh cầu của dân làng, về với bản làng, phù hộ dân làng.

Nhảy lửa của người Pà Thẻn. Ảnh: Quang Minh

Bên cạnh đó còn có một số vật dụng như đao, kiếm... để xua đuổi tà ma, âm binh.

Mặc dù phần thực hành nghi lễ có ít nhiều sự khác nhau, nhưng với người Pà Thẻn và người Dao đỏ, muốn lễ Nhảy lửa thành công, hiệu quả thì từ người làm lễ đến người nhảy lửa phải có tâm sáng, lòng thành mới được thần lửa “độ”. Đây chính là giá trị nhân văn sâu sắc trong thực hành nghi lễ, giáo dục mỗi người về nhân cách sống.

Lễ hội nhảy lửa là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Dao Đỏ và Pà Thẻn. Nhảy lửa không chỉ minh chứng cho sức mạnh, lòng dũng cảm của các chàng trai vùng cao mà còn là hoạt động văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc rất hoang sơ, huyền bí cần được nghiên cứu và bảo tồn. Ngày nay lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Dao đỏ và Pà Thẻn đã trở thành sản phẩm du lịch. Đến các bản làng vùng cao, nếu du khách muốn khám phá lễ hội nhảy lửa huyền bí hoàn toàn có thể đặt trước để đồng bào nơi đây tổ chức lễ nhảy lửa.

Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục