Nét đẹp lưu truyền ngàn đời
Trong dân gian giờ đây vẫn lưu lại những câu chuyện, quan điểm về nguồn gốc của phong tục hái lộc. Có tích kể rằng, tục hái lộc đầu năm đã có từ thời Hùng Vương. Tương truyền, nhân một ngày đầu xuân, khi các con đã khôn lớn, Vua Hùng cho mời các Lạc Hầu, Lạc Tướng, thần dân và các con đến truyền dạy rằng: “Nay các con đã khôn lớn, ta muốn các con đi dạy dân làm ăn và trấn cứ các nơi”.
Thấu hiểu lòng các con bịn rịn không muốn rời xa cha mẹ, dân làng, Hoàng hậu tâu với Nhà vua nên chọn ngày lành tháng tốt làm lễ tế trời đất rồi dùng cách hái lộc chia cho các con, các con ai nhận được cành lộc đi phương nào thì phương ấy mà đi”. Vua Hùng chấp thuận, lễ tế trời đất diễn ra trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (nay thuộc tỉnh Phú Thọ).
Rồi chờ lúc sang canh, Vua Hùng cùng Hoàng hậu vào rừng hái lộc đầu xuân. Sáng sớm, Vua chia cho mỗi người con một cành lộc và dạy rằng: “Non ở nhà, già đi ấp. Chẵn lên non, còn xuống biển”. Vua Hùng căn dặn các con khi đi đường nếu gặp điều gì không may, hãy mang cành lộc còn đượm sương sớm này mà vẩy lên trời thì thú dữ, tà ma sẽ bỏ chạy, không thể làm hại được. Y lệnh Vua, các con quỳ lạy cha mẹ và nhận cành lộc chia nhau đi trấn giữ các miền. Vua mừng truyền cho dân làng mở hội để tiễn các con lên đường.
Người dân Tuyên Quang chọn mua cây cảnh tượng trưng.
Hàng nghìn năm qua, trong dân gian vẫn còn lưu truyền tục hái lộc vào dịp đầu năm mới như một nét văn hóa tâm linh trong đời sống của người Việt Nam. Song cũng có những quan niệm khác nhau về hái lộc.
Bà Nguyễn Thị Liên, 65 tuổi, tổ 10, phường Phan Thiết (thành phố Tuyên Quang), từ khi còn nhỏ, tôi đã được nghe các cụ nói rằng, sau lễ giao thừa, trời đất chuyển giao sang một năm mới, do một con giáp khác cai quản. Già, trẻ, gái, trai nên xin một chút lộc đầu năm ở đình, chùa, miếu, mạo và thành tâm cầu may, cầu tài lộc, cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt để được con giáp đó chứng tâm. Lộc chỉ là một vài chiếc lá cây hay những cành lộc nhỏ được hái từ các thân cây có sức sống mạnh mẽ như: si, sung, xanh, đa... Một chút màu xanh thiên nhiên “làm phép” tượng trưng cho cả năm mới sẽ xanh tươi như chút lộc của đất trời. Chút lộc ấy sau đó được đặt lên bàn thờ, cắm vào bình hoa đến khi hết Tết mới mang xuống.
Ông Đỗ Tiến Bình, thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) kể rằng, nơi “chôn nhau, cắt rốn” của ông là tỉnh Vĩnh Phúc lại quan niệm “lộc” đầu năm là những gánh nước. Một số huyện như Bình Xuyên, Phúc Yên, Lập Thạch, Vĩnh Tường cho đến giờ vẫn giữ tục gánh nước cầu may. Ông cha ta lại có quan niệm của người Việt trong nông nghiệp là: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Nếu trong nhà năm ấy Tết mà thiếu nước phải đi gánh thì năm ấy làm ăn chắc chắn sẽ kém vì mùa màng không đủ nước. Vì vậy, không phải một nhà mà cả làng, cả xã, phải chăm lo gánh nước về cho đủ ba ngày Tết. Trong những ngày đầu năm luôn đầy đủ, thì cả năm đó gia đình sẽ thịnh vượng, phát đạt ngày một thêm ra. “Do lẽ đó, ở nhiều nơi, sau giờ giao thừa những người làm nghề gánh nước thuê đã tự động gánh đến cho mỗi nhà vài thùng nước đầy với ý rằng: “Đem tiền của vào nhà như nước cho gia chủ”. Dẫu xa quê mấy chục năm qua, ông vẫn khuyên dạy con cái giữ nét truyền thống gánh nước đầu xuân của quê cũ.
Tuyên Quang có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc Tày, Nùng có tục hái lộc đầu xuân năm mới gồm gánh nước và hái lá cây. Thời khắc giao thừa đến, khi con gà trống cất tiếng gáy đầu tiên, mỗi gia đình người Tày, Nùng cử một thành viên mang dụng cụ là ống tre, gáo tre đến đầu nguồn nước hoặc giếng nước để lấy nước mang về nhà đặt lên bàn thờ. Người đến mỏ nước sớm nhất sẽ được ban phát nhiều tài lộc, gặp nhiều may mắn trong năm. Trước khi lấy nước, đồng bào Tày, Nùng làm thủ tục thắp hương ngay vị trí đầu nguồn nước. Sau khi lấy nước, trên đường về, họ hái một cành lộc. Nước đem về từ đầu nguồn, được đồng bào đặt trước bàn thờ để báo cáo tổ tiên phù hộ cho mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi. Sau đó, một phần nước sẽ được đun sôi, pha trà dâng cúng tổ tiên, còn lại để rửa mặt.
Để thực sự vui xuân “hái lộc”
Theo dòng chảy thời gian, sự giao thoa giữa Đông Tây, kim cổ đã phần nào làm thay đổi giá trị về tư tưởng và văn hóa của người Việt. Do đó, hái lộc đầu xuân được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau.
Anh Nguyễn Thế Tuấn, dân tộc Tày, phường Tân Hà (thành phố Tuyên Quang) giãi bày, nhiều năm xa quê hương Chiêm Hóa, sinh sống và làm việc ở phố thị nhưng đến Tết, gia đình anh vẫn duy trì tục lấy nước thắp hương tổ tiên vào đêm giao thừa. Không có nước đầu nguồn, nước giếng, gia đình anh lấy nước tinh khiết từ bình lọc để thắp hương. Sau giao thừa, gia đình anh đi lễ chùa. Trên đường về, mua 2 cây mía và coi đó là “hái lộc” để trưng 2 bên nơi thờ tự trong suốt những ngày Tết.
Theo quan niệm nhà Phật, “lộc” là một trong 5 phước báo của con người, và ai cũng thường mong cầu, cụ thể ở đây lộc là tiền tài. Bởi thế, có quan niệm rằng, lộc càng to thì tiền tài càng dồi dào. Nên thay vì chỉ hái một chút lộc đầu năm lấy may, vừa giữ gìn cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp thì lại có những hành động biến tướng, thiếu hiểu biết, làm mất đi thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Bạn trẻ Đỗ Khánh Linh, 25 tuổi, tổ 4, phường Tân Quang bày tỏ: không nên biến hái lộc thành hành động phá hoại cây cối. Đầu năm mới mà đã đem lại sự đau khổ cho vạn vật xung quanh thì ta không thể có tài lộc và may mắn được.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải tuyên truyền và giáo dục cho lớp trẻ không “bẻ” lộc, “chặt lộc”, “nhổ” lộc nhằm gìn giữ phong tục truyền thống, vừa không làm ảnh hưởng đến cảnh quan. Cùng với tục “hái lộc”, mỗi người, mỗi gia đình nên trồng thêm một cây xanh. Đó chính là nét đẹp hiện đại của hái lộc đầu xuân. Tại những nơi thu hút đông đảo người dân du xuân trong đêm giao thừa và những ngày Tết Nguyên đán như chùa, đền, di tích lịch sử… Ban Quản lý cần chuẩn bị những cành lộc để người dân tự hái lộc mà vẫn đảm bảo cảnh quan cho khu vực tâm linh.
Mùa xuân vốn rất đẹp, tục hái lộc đầu xuân cũng rất đẹp nhưng cần có nhận thức, hành động đúng đắn để mỗi người khởi đầu cho một năm mới an lành, may mắn, hạnh phúc.
Gửi phản hồi
In bài viết