Trang trí nhà cửa đón Tết

- Người Việt luôn quan niệm, Tết thì mọi thứ trong gia đình đều phải tươi mới, đầy đủ thì cả năm mới được sung túc, an khang. Ngôi nhà sẽ phản ánh tình trạng kinh tế, văn hóa của chủ nhân trong năm qua thế nên việc trang hoàng lại nhà cửa là rất quan trọng, dù có bộn bề công việc tới đâu cũng không ai có thể bỏ qua công đoạn này.

Người dân tổ 12, phường Minh Xuân (Tp Tuyên Quang) trang hoàng nhà cửa đón Tết. 

Dẫu cho quanh năm suốt tháng bận bịu với những lo toan cơm áo thường nhật, “nặng gánh” trách nhiệm công việc và sự nghiệp, thêm âu lo dịch bệnh Covid-19 song những ngày giáp Tết Nguyên đán bà Bùi Thị Thu Thủy, tổ 8, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) không quên việc trang hoàng nhà cửa để đón xuân. Bà Thủy bảo, quét dọn nhà cửa, lau bàn ghế vốn là việc “không tên” hàng ngày nhưng Tết đến công việc này trang trọng và phải tỉ mỉ hơn. Bắt đầu là lau dọn ban thờ hay còn gọi là bao sái. Thứ nước dùng cho công việc này phải là loại nước đun từ những cây lá thơm, sau đó dùng khăn sạch làm ướt để bao đồ thờ cúng trên ban. Bà Thủy thổ lộ, ban thờ được sửa soạn cẩn thận mới tính đến việc trang trí. Nổi bật là mâm ngũ quả, với bưởi, thanh long, táo, quất... sao cho mâm ngũ quả thật đầy đủ, nhiều màu sắc nhưng không thể thiếu bẹ chuối, bởi đó được coi như bàn tay Phật bà nâng đỡ chúng sinh.

Bà Thủy chia sẻ, ngoài mâm ngũ quả, năm nào bà lựa chọn câu đối và bức tranh truyền thống để trưng Tết. Tranh phải phù hợp linh vật của năm, ví như Tết này là Nhâm Dần bà treo tranh ngũ hổ, mong muốn sự mạnh mẽ, sum vầy và hanh thông như ngũ hành tương sinh. 2 bên ban thờ còn được dựng 2 cây mía xem như làm gậy chống cho các bậc tổ tiên về ăn tết cùng con cháu. Sau ban thờ, đến trang trí phòng khách, những người ở phố thị như bà Thủy luôn muốn đưa cả không gian xuân vào ngôi nhà, nào đào, hoa tươi, cây cảnh, cành lộc xuân và lẽ đương nhiên là không thể thiếu các vật phẩm mang hơi hướng của Tết như lồng đèn đỏ, bóng đèn trang trí... tất cả được bài trí khéo léo tạo ra không gian tươi mới, mong một năm đầy xuân sắc.

Người phố thị trang hoàng nhà cửa đón Tết là vậy, ở thôn quê việc trang trí không gian để đón Tết lại có nét riêng biệt của từng dân tộc. Cụ Tụ Sào Chỉ, dân tộc Nùng, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) bảo rằng, người Nùng mình ăn Tết từ ngày 25 tháng Chạp tới hết Rằm tháng Giêng cơ! Trong đó, ngày 29 và 30 tháng Chạp được coi là hai ngày bận rộn nhất, vì mọi công việc chuẩn bị cho Tết phải được hoàn tất vào chiều 30. Nên trước Tết vài ngày, mọi người trong gia đình người Nùng tập trung dọn dẹp và trang trí nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ.


Phố phường thành phố Tuyên Quang vào xuân.

Cây Nêu là một loại cây không thể thiếu trong dịp Tết của người Nùng, cây Nêu được làm bằng tre non. Trước khi cây nêu được đem ra dựng trước nhà, trên ngọn cây Nêu buộc vài chiếc lông gà trống thiến để trang trí, sau đó cuộn giấy đỏ quanh thân cây, trang điểm thêm chùm bóng bay và điều quan trọng là gắn lá cờ đỏ sao vàng. Cụ Tụ Sào Chỉ bảo, cũng có nhà cây Nêu Tết được “trang trí” thêm tỏi, xương rộng, hình nộm, lá dứa... để trừ tà, bảo vệ ngôi nhà. Cây Nêu được dựng trước cửa gia đình người Nùng tới Rằm tháng giêng, sau đó gia chủ sẽ làm lễ hạ Nêu.

Cùng với dựng cây Nêu, vào ngày 30 Tết, người Nùng còn dán giấy đỏ trang trí khắp nhà, gồm: Trước cửa, bàn thờ, cây cối trong vườn… bởi họ quan niệm giấy đỏ tượng trưng cho sự may mắn, sang năm mới mọi việc trong gia đình sẽ gặp nhiều thuận lợi, suôn sẻ.

Người Cao Lan cũng rất chú trọng trang trí nhà cửa, gần Tết nhà nào cũng chuẩn bị giấy đỏ để trang trí quanh nhà, như bàn thờ tổ tiên, trước cửa ra vào, ngoài cổng, chuồng gia súc, gia cầm... cây cối, hoặc các vật dụng phục vụ lao động sản xuất như cày, cuốc... Theo đồng bào dân tộc Cao Lan, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành cho một năm mới đang đến.

Khi những ngôi nhà được trang hoàng thắm sắc thì cũng là lúc mùa xuân gõ cửa và những lời chúc Tết vang ca. Tết Tết Tết Tết Tết đến rồi, Tết đến trong tim mọi người...

Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục