Trong phong tục Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, đêm giao thừa chính là thời khắc được mong chờ và thiêng liêng nhất đối với mỗi người, mỗi gia đình.
Bởi đó là thời khắc đón Xuân, đón tài lộc và những điều may mắn vào nhà. Trước đêm giao thừa, nhà nào cũng quét dọn lại bàn thờ, bày mâm ngũ quả, sắp sẵn một mâm cơm để dâng lên và thông báo với tổ tiên kết quả trong một năm, cầu mong tổ tiên phù hộ cho một năm mới an khang, thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc. Sau khi cúng tổ tiên, có nhà sẽ dọn mâm cơm xuống, cả nhà cùng đón giao thừa bên mâm cơm quây quần, bánh kẹo, mứt, hoa quả. Nhiều gia đình còn mừng tuổi đúng thời khắc đón giao thừa để cùng chúc cho nhau những điều tốt đẹp trong năm mới. Đây là phong tục đẹp được gìn giữ lâu đời trong ngày Tết cổ truyền. Bởi mọi người đều quan niệm, mừng tuổi đúng thời khắc giao thừa kèm với lời chúc thì người được nhận tiền mừng tuổi sẽ rất may mắn. Cũng trong đêm giao thừa, khi sang canh, tức là khi đã chính thức bước sang ngày đầu tiên của năm mới, nhiều nhà sẽ tổ chức đi hái lộc đầu xuân, đi xông đất, lên chùa, chúc Tết anh em, họ hàng….
Tết đến Xuân về, nhà nhà sum vầy bên nhau hân hoan đón năm mới.
Đồng chí Hoàng Văn Xoan, Bí thư chi bộ thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) cho biết, từ nhiều năm nay, sau khi cúng tổ tiên đêm giao thừa tại nhà, mỗi hộ sẽ cử một đại diện lên lán Nà Nưa thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ, báo công với Bác những việc gia đình đã làm được trong năm cũ và cầu mong Bác phù hộ cho cả dân làng năm mới được sung túc, ấm no. Ông Xoan cho biết, giao thừa năm nay vui hơn những năm trước bởi thôn ngày càng có nhiều khởi sắc. 13 hộ gia đình trong thôn năm nay cũng chỉnh trang, sửa chữa lại nhà ở để làm dịch vụ homestay và cũng vừa kịp đón Tết nguyên đán. Tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giờ cũng chỉ còn 4 hộ, chiếm 2,2%. Đường vào làng văn hóa đã được trồng hoa, tạo nên cảnh sắc vui tươi khi Tết đến, Xuân về.
Tại thôn Ngòi Khù, xã Đạo Viện (Yên Sơn), không khí đón giao thừa cũng hết sức rộn ràng. Năm nay, đường giao thông từ thôn Ngòi Rịa đi Ngòi Khù đã được Nhà nước đầu tư nâng cấp thành đường cấp phối, mở rộng mặt đường từ 3 mét lên 5 mét, thuận lợi cho nhân dân đi lại. Năm nay cũng là tròn một năm, người Mông ở Ngòi Khù có điện lưới quốc gia. Có điện thắp sáng, cuộc sống của người Mông nơi đây đã có nhiều đổi thay, đời sống khấm khá hơn rất nhiều. Nhà nào cũng có ti vi, bóng điện sáng trưng từ đầu thôn đến cuối thôn. Giao thừa này, Ngòi Khù lung linh ánh điện.
Bà Giàng Thị Chía, Bí thư chi bộ Ngòi Khù kể: “Bắt đầu từ 26 Tết, người Mông ở Ngòi Khù đã gói bánh chưng và giã bánh giày. Trong phong tục đón Tết của người Mông, trước giao thừa, người Mông phải gói bánh chưng vuông và chuẩn bị bánh giày tròn. Đây là hai loại bánh không thể thiếu trong mâm cúng dâng lên tổ tiên đêm giao thừa. Bởi theo người Mông, bánh chưng vuông tượng trưng cho đất và bánh giày tròn tượng trưng cho trời. Người Mông dâng lên tổ tiên để cầu mong một năm mới đất trời phù hộ cho mưa thuận gió hòa, người Mông ăn nên làm ra. 30 Tết, gần như nhà nào cũng mổ lợn để treo thịt ở gác bếp. Đây cũng là món ăn không thể thiếu của người Mông. Bên bếp lửa ấm đêm giao thừa, các thế hệ gia đình người Mông ở Ngòi Khù sum vầy bên nhau cùng ôn lại chuyện cũ, xem ti vi để biết tin tức đón giao thừa ở khắp nơi, uống chén rượu ngô nồng chúc cho nhau một năm mới với nhiều điều may mắn. Cụ
Giàng Thị Chính phấn khởi lắm, cụ bảo: “Sống đến gần trăm tuổi rồi, giờ mới là cái tết thứ hai cụ thấy ý nghĩa nhất. Đêm giao thừa có điện, được xem ti vi, thấy không khí đón Xuân khắp nơi tưng bừng, lòng cụ cũng thấy vui mừng khó tả”.
Tết đến, Xuân về, nhà nào cũng chuẩn bị những thứ cần thiết để có một đêm giao thừa tươm tất tùy vào điều kiện hoàn cảnh. Để ai cũng có Tết, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã quan tâm chăm lo cho các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều việc làm thiết thực. Nhiều hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh năm nay được đón giao thừa trong ngôi nhà mới. Gia đình anh Đặng Văn Ngọc, thôn Bó Củng, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) bày tỏ niềm vui mừng khi đêm giao thừa, năm mới đang đến rất gần. Anh bảo: “Năm nay nhà mình được đón giao thừa trong ngôi nhà mới do Bộ Công an hỗ trợ. Tuy điều kiện hoàn cảnh gia đình vẫn còn khó khăn nhưng mình cũng sắm đủ bánh chưng, thịt, bánh kẹo và hoa quả để dâng lên tổ tiên trong ngày đầu năm mới”. Đối với người mẹ già yếu của anh Ngọc, vợ và ba người con của anh thì giao thừa này có lẽ là giao thừa ấm áp nhất vì họ đã được ở trong ngôi nhà mới kiên cố, khang trang.
Người dân ở khắp nơi đón giao thừa nhưng không quên ý thức và trách nhiệm phòng, chống dịch Covid-19. Trong ngôi nhà của gia đình bà Đặng Thị Lan, tổ 11, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) đêm giao thừa rộn vang tiếng cười. Ông bà có hai người con trai thì một người con trai sinh sống ở Hà Nội, giao thừa này do dịch bệnh nên không thể về cùng gia đình đón giao thừa. Tuy nhiên, bằng các cuộc gọi video qua zalo, facetime, gia đình bà và người con trai thứ hai ở Hà Nội vẫn có thể nhìn thấy nhau và dành cho nhau những lời chúc đêm giao thừa, khoảng cách dường như không còn.
Khoảnh khắc linh thiêng của đất trời khi chuyển giao năm cũ sang năm mới làm cho mỗi người, mỗi nhà như xích lại gần nhau, trao đi yêu thương, ấm áp và hy vọng những điều tốt đẹp cho một năm mới an khang, thịnh vượng, quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết