Tết thời công nghệ

- Hòa nhịp cùng dòng chảy của thời đại, công nghệ 4.0 đã tham gia kết nối của hầu hết các hoạt động Tết cổ truyền, Tết Việt thời nay đã biến chuyển mạnh mẽ, mang đến những sắc thái mới mẻ, đa dạng, phong phú hơn. Không phải lo tích trữ thực phẩm cũng không phải dậy sớm để đi chợ, việc chuẩn bị những mâm cỗ Tết thịnh soạn giờ đây trở nên dễ dàng hơn trong thời đại 4.0.

Tết 4.0 “nói không” với tất bật

Cận Tết, không khí mua bán chợ online nhộn nhịp không kém các chợ đầu mối truyền thống. Dạo quanh một vòng trên các trang mạng xã hội, chị em có thể mua sắm bất kể món nào. Không chỉ các trang bán hàng mà nhiều chị em công sở cũng tranh thủ kinh doanh trong dịp Tết trên facebook, zalo của cá nhân.

Trước đây, cứ vào dịp Tết, chị em nội trợ lại đau đầu lên thực đơn, đi mua sắm về lo nấu nướng. Nhiều gia đình bận công việc, cận Tết mà chưa mua sắm được gì đều chưa yên tâm. Thế nhưng, 3 năm trở lại đây dịch vụ bán cỗ phục vụ Tết trở nên phổ biến. Chỉ cần một cú điện thoại, một cái nhấp chuột, mâm cỗ cúng đầy đủ, ngon, vệ sinh sẽ có ngay.

Chị Nguyễn Thu Nga, công tác trong ngành ngân hàng, chia sẻ: “Công việc của mình càng giáp Tết càng bận. Tết phải lo nhất là khoản cỗ bàn. 2 năm nay, nhờ có dịch vụ nấu cỗ sẵn khiến mình cảm thấy Tết nhẹ nhàng hơn”.

Hiện nay, có rất nhiều địa chỉ cung cấp cỗ Tết với nhiều món khác nhau tùy vào yêu cầu của gia chủ. Bên cạnh các nhà hàng, còn có cá nhân mở phục vụ cỗ Tết. Ngay cả các món quà, thực phẩm dùng trong ngày Tết cũng không phải ra chợ, chỉ cần ngồi một chỗ mua trên mạng. Dịch vụ này khá tiện cho chị em công sở bận rộn.

Đáp ứng yêu cầu đặt cỗ online, Nhà hàng Thành Tín chuẩn bị các món ăn phục vụ nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết.

Giá cả sẽ được tính theo yêu cầu của từng khách đặt. Đơn cử, một mâm cỗ bình thường 8 món giá sẽ từ 1 - 1,5 triệu đồng/mâm. Mua theo món lẻ sẽ được tính theo từng món như: nem từ 15.000 đồng/chiếc, canh măng ninh chân giò giá 80.000 đồng/bát, gà nguyên con giá 350.000 đồng/con, nộm 120.000 đồng/đĩa, bánh chưng 80.000 đồng/chiếc, giò thủ 150.000 đồng/kg...

Chị Trần Thị Bích, một địa chỉ chuyên làm các món ăn cho ngày giỗ, tết ở phường Tân Hà, cho biết: Tết này chị đã nhận hơn 20 kg giò thủ và 200 cái nem rán khách hàng đặt, chị vẫn tiếp tục nhận thêm đến giáp Tết. Tất cả đều được đóng gói cẩn thận. Đối với món nem rán nếu muốn làm cho cả mấy ngày tết sẽ được rán qua, khi ăn chỉ cần rán lại là có đĩa nem rán nóng giòn mà không phải mất nhiều thời gian chuẩn bị nguyên liệu, bởi làm nem khá tốn thời gian, cần sự tỉ mỉ và kỳ công.

Chị Đỗ Thị Hiền, tổ 16, phường An Tường, TP Tuyên Quang là địa chỉ chuyên nấu cỗ thuê cho biết, nhà chị phục vụ đủ các món truyền thống từ canh măng đến canh bóng, nem cuốn, thịt đông, giò lụa, giò xào, xôi gấc, bánh chưng, bánh tét... Chỉ cần gọi điện đặt cỗ, chị sẽ chuyển đến tận nhà đúng ngày, giờ theo yêu cầu của khách hàng.

Với chị Hoàng Thị Thúy, phường Minh Xuân, TP Tuyên Quang, người có nhiều năm đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, mâm cỗ Tết chị lại muốn có thêm một số món mang hương vị châu Âu, nên chị lựa chọn giải pháp lên mạng đặt mua nguyên liệu hoặc đặt những món ăn chế biến sẵn mang hương vị ẩm thực châu Âu, để ngày Tết chị vẫn được thưởng thức những món ăn yêu thích mà vẫn có mâm cơm như ý.

Không còn phải lo tích trữ đồ khô như măng, miến, mộc nhĩ từ cả tháng, không còn cảnh phải dậy từ sáng sớm để đi chợ mua các loại thực phẩm tươi ngon cho ngày Tết, việc chuẩn bị những mâm cỗ Tết thịnh soạn giờ đây trở nên dễ dàng hơn trong thời đại cách mạng 4.0. Xu hướng sắm Tết online đang giúp chị em thấy Tết nhẹ nhàng hơn.

Lưu giữ truyền thống  

Khi cuộc sống thay đổi, những cái Tết thời công nghệ cũng có rất nhiều đổi thay, có những điều đã rơi vào quên lãng, có những thứ như đang dần mờ phai và cũng có những cái Tết không giống nhau của mỗi thời, mỗi người. Tuy nhiên, bên cạnh những cái Tết “công nghiệp hóa” giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, đâu đó ta vẫn thấy nhiều gia đình vẫn giữ lại chút gì đó hương vị Tết truyền thống.

Anh Nguyễn Hoàng Phương, phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang tâm sự: cuộc sống hiện đại, dù hàng ngày tiếp xúc với văn hóa đồ ăn nhanh, những món ăn kiểu Âu du nhập, nhưng anh vẫn muốn giữ nếp văn hóa truyền thống khi chuẩn bị mâm cơm cúng ngày Tết. Anh muốn các thành viên trong gia đình, nhất là con cái được sống trọn trong không khí bận rộn của những ngày giáp Tết. Đó không chỉ là không khí đoàn viên ấm cúng cùng nhau gói bánh chưng, trông nồi bánh chưng sôi lục bục thơm ngát, cùng cảm nhận không khí ngày tết, mà còn là cách giáo dục hiệu quả đối với con trẻ. Qua những hoạt động này, con trẻ sẽ hiểu hơn về những giá trị truyền thống, nhân văn của Tết cổ truyền.

Cũng như gia đình anh Phương, gia đình chị Đào Thị Mai, tổ 8, phường Phan Thiết thường tự ra chợ lựa chọn từng cân hành củ để muối ăn mấy ngày Tết. Bên cạnh đó, chị Mai còn tự làm giò xào, gói nem, nấu canh măng, canh bóng, làm xôi gấc…, cho mâm cỗ Tết thêm đủ đầy và thịnh soạn. Chị Mai bày tỏ, việc tự tay vào bếp nấu các món ăn cũng là cách để bày tỏ lòng thành kính nhất với tổ tiên. Cái không khí bận rộn của vợ chồng, con cái cùng vào bếp, cùng dọn dẹp nấu nướng đầm ấm hạnh phúc, chính là nét văn hóa truyền thống của người Việt mà chị muốn các con mình tiếp nối.

Tết đã thay đổi và sẽ còn tiếp tục thay đổi. Chúng ta khó có thể hình dung vài chục năm sau hay trăm năm sau, cộng đồng sẽ ăn Tết, chơi Tết như thế nào. Tuy nhiên, mỗi người dân Việt đều có niềm tin về một Tết Nguyên đán mang những giá trị văn hóa và nhân văn sâu sắc, là sự tượng trưng cho giá trị tinh thần của Tết Việt, là nét giao hòa của hương vị đất trời trong ẩm thực, là dịp để gia đình sum vầy và gắn kết.

Minh Tuyên

Tin cùng chuyên mục