Mỗi làng một câu chuyện - Mỗi sản phẩm một trải nghiệm

- Trong phát triển sản phẩm du lịch, kể chuyện không chỉ là công cụ quảng bá mà còn là cách để truyền tải giá trị văn hóa, lịch sử và bản sắc địa phương. Trong cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hồng Hải (trong ảnh), Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, phóng viên (P.V) Báo Tuyên Quang được nghe những chia sẻ về vai trò của kể chuyện trong việc “thổi hồn” vào điểm đến, đặc biệt là những định hướng phù hợp với tiềm năng của tỉnh Tuyên Quang. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi.

P.V: Theo ông, những yếu tố nào tạo nên một câu chuyện du lịch hấp dẫn và hiệu quả trong việc quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch?

Ông Nguyễn Hồng Hải: Một câu chuyện du lịch hấp dẫn cần hội tụ ba yếu tố: bản sắc - cảm xúc - tính kết nối.

Trước hết, bản sắc là yếu tố nền tảng, thể hiện qua những giá trị riêng biệt của điểm đến: từ cảnh quan, văn hóa, lịch sử, đến con người bản địa. Thứ hai, cảm xúc là chất liệu cốt lõi để chạm đến trái tim du khách. Một câu chuyện hay không chỉ thông tin mà còn phải truyền cảm, mang lại sự rung động. Cuối cùng, tính kết nối giúp câu chuyện không đứng riêng lẻ mà gắn liền với sản phẩm - dịch vụ - trải nghiệm cụ thể, tạo thành hành trình du lịch liền mạch và hấp dẫn.

P.V: “Kể chuyện” đang trở thành một xu hướng trong phát triển du lịch hiện đại. Các địa phương nên chủ động ra sao trong việc định vị và phát huy câu chuyện đặc trưng của mình để tạo dấu ấn khác biệt trên bản đồ du lịch?

Ông Nguyễn Hồng Hải: Mỗi địa phương đều có những câu chuyện đặc trưng - điều quan trọng là phải biết lựa chọn, định vị và kể lại một cách sáng tạo.

Tôi cho rằng các địa phương nên chủ động triển khai theo ba bước:

- Một là xác định “câu chuyện lõi” - tức là những di sản, truyền thuyết, biểu tượng hay nhân vật tiêu biểu chỉ có ở địa phương đó.

- Hai là sáng tạo hình thức kể chuyện - không chỉ thông qua lời thuyết minh, mà cần đưa vào âm nhạc, hình ảnh, biểu diễn thực cảnh, công nghệ số, mạng xã hội.

- Ba là gắn câu chuyện với sản phẩm cụ thể - từ tour du lịch, sản vật địa phương, đến sản phẩm OCOP, nhằm tạo ra trải nghiệm đa giác quan.

Trải nghiệm du lịch vùng cao Na Hang, du khách sẽ được nghe nhiều câu chuyện thú vị về văn hóa ẩm thực.

P.V: Theo ông, các doanh nghiệp, người làm du lịch Tuyên Quang nên bắt đầu từ đâu để đưa yếu tố “kể chuyện” vào hành trình trải nghiệm, thay vì chỉ dừng ở tham quan danh thắng?

Ông Nguyễn Hồng Hải: Tôi cho rằng cần thay đổi tư duy từ “giới thiệu” sang “kể chuyện”, tức là không chỉ đưa khách đến nơi đẹp mà còn dẫn dắt họ khám phá chiều sâu lịch sử, văn hóa và con người.

Với Tuyên Quang, có thể bắt đầu bằng:

- Xây dựng tour có cốt truyện - ví dụ: “Hành trình theo dấu chân lịch sử cách mạng Tân Trào”, “Ngược dòng sông Gâm - về miền cổ tích Na Hang”…

- Đào tạo người kể chuyện bản địa - từ hướng dẫn viên, nghệ nhân dân gian, già làng đến học sinh, sinh viên, ai cũng có thể là “đại sứ kể chuyện”.

- Tạo sản phẩm gắn với câu chuyện - một chiếc khăn thổ cẩm không chỉ là sản phẩm thủ công, mà là câu chuyện về người phụ nữ Dao đỏ dệt hạnh phúc trong từng sợi chỉ.

P.V: Trong xu hướng phát triển du lịch gắn với trải nghiệm văn hóa và nông sản địa phương, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của việc “kể chuyện văn hóa” thông qua sản phẩm OCOP? Ông có thể chia sẻ một mô hình hiệu quả hoặc đề xuất cách làm phù hợp với Tuyên Quang?

Ông Nguyễn Hồng Hải: Sản phẩm OCOP không chỉ là hàng hóa - mà chính là “câu chuyện sống động” về một vùng đất. Khi biết kể chuyện, sản phẩm OCOP sẽ không còn đơn thuần là đặc sản, mà trở thành biểu tượng văn hóa có giá trị cao.

Mô hình làng nghề truyền thống phát huy hiệu quả trong phát triển du lịch là nhà thùng nước mắm Khải Hoàn tại Phú Quốc. Tại đây, nghề làm nước mắm không chỉ được gìn giữ theo phương pháp thủ công truyền thống, mà còn được kết hợp linh hoạt với mô hình du lịch trải nghiệm. Tại đây, du khách được tận mắt xem quy trình ủ chứa trong các thùng gỗ lớn, nghe kể chuyện nghề và nếm thử đặc sản vùng biển. Khải Hoàn đã chứng minh rằng, khi một làng nghề gắn với bản sắc văn hóa địa phương, được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, thì không chỉ tạo ra sản phẩm có giá trị mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Tuyên Quang có nhiều lợi thế để phát triển mô hình tương tự: từ cam sành Hàm Yên, chè Shan tuyết Na Hang, đến thổ cẩm và rượu ngô dân tộc… Điều cần làm là:

- Kể câu chuyện nguồn gốc - người làm - cách làm - ý nghĩa sản phẩm.

- Thiết kế tour “trải nghiệm tại chỗ” gắn với làng nghề, vùng trồng nguyên liệu.

- Tích hợp mã QR kể chuyện số hóa, giúp du khách dễ tiếp cận, tra cứu, chia sẻ.

Điệu múa truyền thống của người Cao Lan chứa đựng ước mơ về cuộc sống no ấm.

P.V: Ông có đề xuất gì để tỉnh Tuyên Quang kết nối tốt hơn giữa sản phẩm OCOP, du lịch cộng đồng và các chương trình xúc tiến quảng bá theo hướng sáng tạo, hiện đại hơn?

Ông Nguyễn Hồng Hải: Tôi đề xuất Tuyên Quang xây dựng mô hình “Mỗi làng một câu chuyện - Mỗi sản phẩm một trải nghiệm”, nhằm gắn kết ba yếu tố: sản phẩm OCOP - du lịch cộng đồng - truyền thông hiện đại.

Cụ thể:

- Chọn điểm đột phá: ưu tiên các địa phương có bản sắc văn hóa rõ nét (Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa), đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên câu chuyện bản địa.

- Chuyển đổi số trong kể chuyện: thiết kế các ứng dụng kể chuyện qua video, podcast, thực tế ảo… để tiếp cận du khách trẻ, thích công nghệ.

- Hợp tác với giới trẻ sáng tạo nội dung: khuyến khích các Vlogger, Tiktoker, sinh viên du lịch cùng tham gia chiến dịch kể chuyện Tuyên Quang.

Nếu làm tốt, mỗi món quà du lịch không chỉ là vật phẩm, mà còn là thông điệp văn hóa sống động - mang theo câu chuyện, ký ức và cảm xúc của vùng đất Tuyên Quang đầy tiềm năng hấp dẫn thu hút khách du lịch.

Xin chúc tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi thế của mình, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Thực hiện: Chúc Huyền

Tin cùng chuyên mục