Thờ Mẫu là tín ngưỡng bản địa và là tín ngưỡng cổ nhất của người Việt. Trải qua quá trình tiến hóa, con người nhận ra thiên nhiên vừa ban tặng sự sống vừa gây ra tai ương. Trước tự nhiên, con người vừa biết ơn, vừa hoang mang. Từ đó, ra đời quan niệm “Vạn vật hữu linh” và tín ngưỡng sùng bái tự nhiên. Bước qua thời kỳ mẫu hệ, phụ nữ có vai trò mang tính quyết định công việc gia đình và xã hội. Quyền năng thiên nhiên được đồng nhất với quyền năng người mẹ, phụng thờ thiên nhiên chuyển sang phụng thờ người mẹ, xuất hiện tín ngưỡng thờ Mẫu gồm Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn. Mỗi Thánh Mẫu cai quản một miền vũ trụ. Vì vậy, trong Tam tòa Thánh Mẫu thì Mẫu Thượng Thiên khoác áo mầu đỏ, đặt ở vị trí trung tâm, bên trái là Mẫu Thượng Ngàn, khoác áo màu xanh, bên phải là Mẫu Thoải khoác áo màu trắng. Xuất phát từ quan niệm của cư dân nông nghiệp lúa nước, coi nước là yếu tổ khởi nguồn và nuôi dưỡng sự sống nên tục thờ thần nước, tức Mẫu Thoải trở thành phổ biến. Tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển hoàn thiện khi những nhân vật lịch sử là nữ được thần thánh hóa với các danh hiệu Thần Mẫu, Vương Mẫu, Quốc Mẫu, do vua ban hoặc do dân gian tôn phong.
Tháng Giêng, tháng Hai, các đền đều có lễ trọng: Lễ Thượng nguyên, lễ Đón xuân, lễ Khai bút, lễ Cầu may, lễ Mẫu Thượng Ngàn, tiệc Mẫu Tuyên Quang, tiệc Cô Bé bản đền... Tháng Tư có lễ Cầu mưa, lễ vào hè. Tháng Năm, tiệc Quan đệ ngũ tuần tranh. Tháng Sáu, tiệc Quan Bơ phủ. Tháng Bẩy, lễ ra hè, tiệc Ông Hoàng Bẩy. Tháng Tám lễ Đức Thánh Trần. Tháng Chín, tiệc Mẫu Cửu.
Tháng Mười, tiệc ông Hoàng Mười. Tháng Chạp là lễ Tất niên, lễ Xếp ấn. Rồi còn lễ mừng sinh nhật các Mẫu, các Quan Hoàng…
Một tiết mục trong nghi lễ thờ Mẫu Tam phủ thành phố Tuyên Quang.
Hành trình du lịch tâm linh luôn tấp nập vào ngày xuân. Du khách gần xa về thành Tuyên lễ Mẫu cầu bình an, may mắn, nhà nhà ấm no, hạnh phúc, trên thuận dưới hòa, người người khỏe mạnh, mọi việc hanh thông. Tiếp cận với không gian tín ngưỡng - thế giới của thần linh, gác lại những lo toan thường nhật, những cám dỗ vật chất, những toan tính nhọc nhằn, tâm hồn trở nên thanh thản, hướng tới chân, thiện, mỹ. Dựng đền là sự kiện trọng đại của một cộng đồng làng xã. Việc chọn đất bao giờ cũng được xem trọng. Đền được cất dựng ở nơi địa thế đẹp, núi non có hình rồng, phượng chầu bái, nơi có sông ngòi bao bọc. Vậy nên, về Tuyên lễ Mẫu cũng là dịp thưởng ngoạn, khám phá kỳ sơn thủy tú cảnh quan thiên nhiên riêng có của mỗi đền.
Về Thành Tuyên lễ Mẫu du khách trước hãy vào đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La. Ba ngôi đền Thần phả liên quan và đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia. Thần phả Mẫu ba ngôi đền tương truyền đời trước hai công chúa Ngọc Lân và Phương Dung theo xa giá vua cha đi kinh lý, đỗ thuyền bên bờ sông Lô. Đêm mưa gió nổi cơn, đưa hai công chúa lên trời. Người dân bèn lập đền thờ tại nơi hai nàng hiển hóa. Về sau, với quan niệm “Sống mỗi người mỗi nhà, thác mỗi người mỗi mồ”, bèn dựng tiếp đền Thượng ở xã Tình Húc - nay là xã Tràng Đà - thờ công chúa Ngọc Lân. Phải năm giặc giã, tượng Mẫu đền Hạ đưa vào làng Ỷ La lánh nạn. Giặc tan, ghi dấu nơi Mẫu ngụ liền lập đền Ỷ La cùng thờ Thánh Mẫu đền Hạ.
Cả ba ngôi đền cầu đảo phần nhiều ứng nghiệm. Đền Hạ là một công trình có giá trị nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và có hiện vật cổ là chuông đồng đúc năm 1759. Cả ba ngôi đền đều lưu nhiều sắc phong của các triều đại. Đền Thượng có 12 đạo sắc phong, cổ nhất là sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng thứ 4 (năm 1743). Hàng năm, lễ rước Mẫu thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham dự. Ngày 12 tháng Hai rước Mẫu từ đền Thượng và đền Ỷ La về đền Hạ, xem ngày chị em sum họp. Cùng ngày là lễ tế Thần Mẫu tại đền Hạ và diễn ra nhiều trò vui như: Múa sư tử, thi nấu ăn, vật dân tộc, cờ tướng, kéo co... Lễ hoàn cung rước Mẫu từ đền Hạ trở về đền Thượng và đền Ỷ La vào ngày 16 tháng Hai.
Phường Minh Xuân có ba ngôi đền là đền Cảnh Xanh, đền Mỏ Than và đền Đồng Xuân. Phía trước đền Cảnh Xanh có cổ thụ mấy trăm năm tuổi, cành lá xum xuê, tán rộng ôm phủ lấy ngôi đền. Đền Cảnh Xanh thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Thần phả Mẫu Thượng Ngàn theo truyền thuyết: Mỵ Nương Quế Hoa là con vua Hùng Định Vương. Hoàng hậu An Nương qua đời ngay sau khi sinh nàng. Lớn lên, từ chối mọi cuộc hôn nhân, Quế Hoa cùng 12 thị tỳ đi tìm mẹ. Lòng hiếu thảo thấu đến trời, nàng được Tiên ông ban sách quý, khổ luyện đắc đạo, đem phép tiên khai thông sông biển với núi rừng làm cho cỏ cây xanh tốt, mùa màng bội thu. Một ngày kia, áng mây ngũ sắc đưa Mỵ Nương Quế Hoa và 12 thị tỳ về trời. Nhớ ơn công chúa, nhân dân khắp nơi lập đền thờ, phong là Thánh Mẫu Thượng Ngàn đời đời hương khói.
Đền Mỏ Than dựng trên đỉnh núi Thán Sơn, trong khuôn viên rộng, cây cối bốn mùa xanh tươi. Hai bên đường lên có nhiều cổ thụ rợp bóng mát, cùng những phiến đá nhiều hình dạng tạo nên cảnh sắc hoang sơ giữa lòng thành phố.
Đền Đồng Xuân có động Sơn Trang, tượng trưng cho quãng thời gian công chúa Quế Hoa khổ luyện phép tiên.
Bên cạnh đền Hạ, phường Tân Quang có đền Kiếp Bạc. Đền thờ Đức Thánh Trần (Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn). Chính giữa tòa tiền đường thờ bốn vị công tử: Quốc Nghiễm, Quốc Uy, Quốc Tảng, Trần Quốc Hiện. Bên trái tiền đường đặt tượng Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu và Dã Tượng. Ban thờ hậu cung là nơi thờ Đức Thánh Trần. Trong khuôn viên đền có bức tượng Đức Thánh Trần dáng vẻ oai nghiêm. Tường bằng đồng, nặng 3 tấn. Lễ đền chính vào ngày 20 tháng Tám, ngày giỗ Đức Thánh.
Cùng với đền Thượng, xã Tràng Đà còn Đền Cấm, đền Ghềnh Quýt. Đền Cấm thờ Mẫu Thượng Ngàn, còn gọi là Bà chúa Sơn Lâm. Đền tựa lưng vào núi Cấm. Trên đỉnh núi Cấm có thắng cảnh Cổng trời. Từ lưng núi, con suối nước trong vắt len lỏi qua những triền đá dốc chảy xuống sau đền, làm cho cảnh sắc thêm phần kỳ thú. Bốn phía quanh đền những cây thị, cây si bốn mùa xanh lá, làm nên không gian u tịch huyền bí. Du khách khi viếng thăm đền đắm mình trong không gian tĩnh lặng, tận hưởng khí trời, gió núi thấy lòng được nhẹ nhàng thanh thoát.
Cách đền Cấm không xa có đền Ghềnh Quýt. Xưa, bên trên ghềnh có một cây quýt tán rộng khác thường. Người dân cho là kỳ thụ bèn dựng đền gần cây quýt và đặt tên là đền Ghềnh Quýt. Đền Ghềnh Quýt thờ Mẫu Thoải.
Phường Nông Tiến có đền Pha Lô và đền Lâm Sơn. Đền Pha Lô thờ Mẫu Thoải.Tương truyền, Kinh Xuyên là con Thổ Vương, lấy con gái Long Vương, sau lại lấy Thảo Mai làm vợ hai. Thảo Mai vu cáo với vợ cả Kinh Xuyên thất tiết với chồng. Nghe lời vợ lẽ, Kinh Xuyên nhốt vợ cả vào cũi, sai đem ném vào rừng sâu. Ở trong rừng, thú dữ mang hoa quả cho nàng ăn, sống qua ngày. Ngày nọ, có một nho sĩ gặp nàng trong rừng. Nàng nhờ nho sĩ giúp chuyển thư đến Long Vương. Nàng được cứu thoát, Long Vương muốn gả nàng cho nho sĩ, nhưng người này từ chối, chỉ muốn là bạn tri kỷ của nàng.
Đề cao đạo đức của nàng, người đời suy tôn là Mẫu Thoải (mẹ nước) và lập đền thờ ở Tuyên Quang bên tả ngạn Sông Lô.
Với nhiều ngôi đền, chùa nổi tiếng, đất Mẫu Tuyên Quang là địa chỉ chiêm bái, vãn cảnh của du khách thập phương mỗi dịp Tết đến, Xuân sang.
Gửi phản hồi
In bài viết