Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ: Những giá trị nhân văn

- Truyền thống văn hóa của người Dao ở Tuyên Quang đã có từ lâu đời. Rất nhiều những sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng... còn lưu giữ được những nét độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc. Trải qua thời gian, những giá trị này không bị mai một mà ngày càng khẳng định sự tồn tại bền vững trong đời sống tinh thần của người Dao nói chung.

Một trong những sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người Dao là Lễ cấp sắc. Đồng bào Dao thường gọi là “quá tăng”, nghĩa là “qua đèn”. Đây là nghi lễ được coi là chấm dứt thời “thơ ấu” của một chàng trai Dao. Từ đây anh ta được đặt tên mới, tên cấp sắc, được thực hiện nghĩa vụ bình thường của một người đàn ông trong cộng đồng như: đi xa, làm nhà, làm thầy cúng và khi chết “hồn” mới được trở về quê hương “Dương Châu Đại Điện”. Lễ cấp sắc được các thầy cúng người Dao tiến hành thông qua một loạt các nghi lễ phức tạp. Thời gian tổ chức thường kéo dài 3 ngày 3 đêm (bậc 3 đèn); 7 ngày 7 đêm (bậc 7 đèn) với sự tham gia của nhiều thầy cúng và sự giúp đỡ của cộng đồng.

Lễ cấp sắc giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh  thần của người Dao, chứa đựng trong đó sự đa dạng các giá trị đã được chắt lọc, kết tinh qua nhiều thế hệ như: phong tục tập quán, văn hóa nghệ thuật, tôn giáo tín ngưỡng, tri thức dân gian...

Nghi lễ Cấp sắc của các ngành Dao ở Tuyên Quang rất phong phú, đa dạng và độc đáo, không gian hành lễ
của mỗi ngành Dao cũng mang những nét đặc trưng riêng của mình. 

Nghiên cứu Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ có thể thấy rõ vai trò của giáo dục được đặt lên hàng đầu. Trước hết là sự giáo dục về cội nguồn, truyền thống mà bất cứ ở dân tộc nào cũng cần có. Trong Lễ cấp sắc, hình ảnh tổ tiên, nguồn gốc dân tộc, quá trình thiên di, phát triển của người Dao được hiện lên một cách sinh động thông qua lời kể, sự diễn xướng điêu luyện của các thầy cúng. Điều đó lại được diễn ra ở một “thời điểm thiêng”, “không gian thiêng”, được tái hiện với tần suất cao trong đời sống vì cấp sắc là một sinh hoạt có tính bắt buộc đối với tất cả đàn ông Dao. Tính ra có bao nhiêu lễ cấp sắc thì có bấy nhiêu lần bài học về truyền thống được nhắc lại trong điều kiện thu hút sự tập trung cao độ, thiêng liêng, tự giác của mỗi người, vì thế hiệu quả giáo dục gần như đạt tuyệt đối.

Tính giáo dục của Lễ cấp sắc đặc biệt thấy rõ ở những điều răn dạy của Bàn Vương, thủy tổ của người Dao. Những giá trị đạo đức mà con người nói chung, người Dao nói riêng luôn khao khát vươn tới. Đó là sự kính trọng các bậc thánh thần, biểu tượng của những gì tốt đẹp, có sức mạnh áp đảo cái ác, cái xấu trong cuộc sống. Đó là phải biết kính trọng biết ơn cha mẹ, tổ tiên, thầy giáo, biết tránh xa cái xấu, không làm điều ác, phải biết hy sinh vì đồng loại, không tham lam của cải, danh lợi, sống chân thật, tôn trọng luật lệ.

Trong sách cấp sắc còn có nhiều điều khuyên dạy con người phải biết sống hài hòa với trời đất, biết yêu quý thiên nhiên: “đi đường không được chém cây, không làm gẫy dù một ngọn cỏ, muốn lấy cây phải xin phép... không làm bẩn dòng suối...”. Trong quan hệ vợ chồng, người Dao Đỏ không có tệ đa thê. Thông qua nghi lễ “tơ hồng” trong cấp sắc, vợ chồng một lần nữa nguyện sống chung thủy với nhau, kể cả sau này, khi đã trở về “thế giới bên kia”. Việc nuôi dạy con cái cũng được đề cập tới trong lời răn mộc mạc nhưng sâu sắc: “con trai không dạy không bằng con ngựa, con gái không dạy không bằng con trâu”... “Sinh con ra phải cho con đi học, trai học võ, gái học thêu... sinh con ra để con thiếu học như gia đình thiếu ăn...”.

Tính giáo dục trong Lễ cấp sắc còn dùng tới cả sự “khiếp sợ tôn giáo”. Điều này thể hiện ở những nhân vật trong một số bức tranh thờ. Tranh được “thiêng hóa” ngay từ lúc vẽ. Nghệ nhân vẽ tranh thường là những người có đức, có tài, hiểu biết về ý nghĩa của nội dung bức tranh. Thí dụ trong bộ tranh Tam Thanh, đó là cái nhìn của người Dao về bản chất thế giới phù hợp với quan điểm triết học phương Đông mà hạt nhân là hai nguyên lý Âm - Dương. Bộ tranh “Sần Tào” và bộ “Hải Đường, Hải Phan” được diễn tả sự phong phú của các tầng người với trang phục, nhạc cụ, linh vật đặc trưng của người Dao, đường nét tranh vừa hư ảo vừa hiện thực tạo ra sự linh thiêng nhưng cũng hết sức gần gũi với đời sống chân thực của con người... Người Dao Đỏ coi tranh vẽ là sự hiển diện có thực của thần linh, đã treo tranh là coi như đã có mặt của các đấng thần linh tham dự...

Không chỉ có giáo dục, Lễ cấp sắc còn là một kho tàng phong phú chứa đựng những giá trị văn hóa, tri thức dân gian của người Dao Đỏ. Đó là nghệ thuật diễn xướng của các thầy cúng, thể hiện qua các động tác thực hành nghi lễ, đòi hỏi các thầy cúng phải có trí nhớ và trình độ am hiểu chữ Nôm - Dao. Để duy trì một lễ cấp sắc trong vòng 3 ngày, 3 đêm liên tục, các thầy cúng phải học thuộc lòng nhiều bài cúng có nội dung khác nhau, phải luyện giọng trôi chảy, luyện bước đi uyển chuyển, đúng nhịp để phối hợp với dàn nhạc...

Hát, được người Dao Đỏ gọi là “páo dung”, giai điệu chỉ có một lối nhấn nhá đơn điệu. Mặc dù chỉ có lối hát như vậy nhưng sự hấp dẫn của điệu “páo dung” chính là ở hình thức hát. 

Giống như hát giao duyên, đối đáp của một số dân tộc, hát trong “Lễ tiễn Bàn Vương về trời” được chia làm hai phe bên nam, bên nữ. Lúc đầu họ hát về cảnh núi rừng, sông suối... sau hát đố nhau so tài cao thấp... đặc biệt hát về những lời khuyên răn có giá trị giáo dục cao trong đó  Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ còn đặc sắc ở những bộ trang phục. Đàn ông mặc áo cổ thấp, xẻ trước ngực. Có một nẹp đỏ lai từ cổ áo xuống gấu, nẹp to từ 8 đến 10 cm. Trên nẹp đính khuy bằng bạc, đồng hoặc tết bằng vải. Tay áo có viền thêu chỉ đỏ, quần nhuộm chàm cắt theo kiểu “chân què”. Khăn đội kiểu “đầu rìu” thêu hoa văn chủ yếu với hai màu đỏ, trắng.

Trang phục của các thầy cúng là một áo dài tới tận gót chân, áo thường 4 mảnh có thắt dây lưng. Trên các thân áo thêu các hình rồng, phượng, hình cách điệu thần linh... Mũ gồm các mảnh bìa cứng ghép lại, mỗi mảnh ghép đều có hình các vị thần linh, mũ có 2 loại, người Dao Đỏ gọi là “mụa fèng” (để cúng Phật) và “mụa lập” (để cúng thánh). Với trang phục của phụ nữ thì phong phú hơn, trong đó phải kể đến sự công phu, khéo léo và óc thẩm mỹ bay bổng của người phụ nữ Dao khi thêu thùa trang trí cho bộ trang phục của mình.

Không thể phủ nhận lễ cấp sắc của người Dao là một nét văn hóa đặc trưng, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn trong đó. Cấp sắc đã tồn tại lâu đời nhưng cho đến nay, những giá trị đó vẫn phù hợp với những tiêu chí xây dựng con người, xây dựng cộng đồng làng bản tiến bộ. Cấp sắc đã góp phần làm nên bản chất tốt đẹp của người Dao: trung thực, dũng cảm, giàu lòng nhân ái, góp phần xây dựng cộng đồng người Dao, dù ở bất cứ đâu cũng luôn có ý thức chấp hành pháp luật, sống hòa thuận, hạnh phúc, tôn trọng và gìn giữ môi trường tự nhiên.

TS. Nguyễn Vũ Phan

Tin cùng chuyên mục