Ngay từ những ngày còn thực hiện giãn cách xã hội, hàng loạt đầu sách tư vấn y tế đã được xuất bản. Những cuốn sách như cẩm nang y khoa mang đến cho độc giả kiến thức để phòng, chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, nhu cầu của độc giả trong “mùa dịch” không chỉ dừng ở việc tìm hiểu kiến thức về dịch bệnh mà còn là thông tin về tình hình ở các khu cách ly, về những bác sĩ ngày đêm trên tuyến đầu... Nắm bắt điều này, nhiều đơn vị làm sách đã “sản xuất” nhanh loại sách về chuyện “hậu trường” phòng, chống dịch Covid-19.
Cuốn sách Việt Nam - Cuộc chiến sinh tử chống Covid-19 (NXB Lao động xã hội, do nhà báo Ngọc Niên chủ biên) ra mắt ngay trong những ngày cuối thực hiện giãn cách xã hội. Thực hiện trong vòng 20 ngày, cuốn sách dày 280 trang như bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” tại nước ta. Với những trang viết đậm hơi thở thời cuộc về Mệnh lệnh của Tổ quốc, Các chiến binh vào trận, Cuộc chiến sinh tử 15 ngày đêm, Toàn dân ra trận, Thế giới ca ngợi Việt Nam, cuốn sách khắc họa hình ảnh lực lượng ở tuyến đầu đã quên mình vì tính mạng của bệnh nhân; sự đồng hành của người dân ở khắp mọi miền Tổ quốc, dư luận quốc tế về giải pháp chống dịch của Việt Nam...
Nếu cuốn sách Việt Nam - Cuộc chiến sinh tử chống Covid-19 là tập hợp những bài viết của nhiều tác giả thì Đi qua hai mùa dịch của nhà báo Dy Khoa là ghi chép của một người từng mệt mỏi, âu lo khi nhiễm virus cúm A/H1N1, nay muốn chia sẻ và khích lệ mọi người vượt qua khó khăn, quan tâm tới mọi người xung quanh nhiều hơn. Bản thảo Đi qua hai mùa dịch được hoàn thành trong chưa đầy hai tuần, ngay trong đợt giãn cách xã hội, và mới đây đã ra mắt độc giả.
Cũng vừa “chào đời” là sách song ngữ Con đã về nhà - I’m home của NXB Phụ nữ. Cuốn sách có “tiểu sử” khá đặc biệt, bởi tác giả Nguyễn Tăng Quang, một kiến trúc sư trẻ, không có ý định làm sách. Là du học sinh ở Anh trở về nước, trong thời gian thực hiện cách ly tập trung ở một đơn vị quân đội thuộc Quân khu 7, Tăng Quang đã ký họa về cuộc sống ở nơi cách ly và đăng tải trên trang Facebook cá nhân. Chính anh cũng không ngờ những bức ký họa về nhân viên y tế, bộ đội, công an và những người làm nhiệm vụ “vô danh” khác, về cuộc sống ở nơi cách ly, về tình người trong biến cố... đã thu hút hơn 40 nghìn lượt yêu thích, chia sẻ và hàng nghìn bình luận của cư dân mạng. Những bức tranh của anh đã tạo năng lượng tích cực cho mọi người trong những ngày căng thẳng chống dịch, đó có lẽ là lý do để NXB Phụ nữ quyết định “đặt hàng”, in cuốn sách này. Chỉ trong vòng một tháng, cuốn sách đã hoàn thành. Phần lớn trong số tiền mà độc giả chuyển khoản trước sẽ được dành để gây quỹ hỗ trợ những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn sau dịch Covid-19. Sau hai tuần phát động chiến dịch bán sách gây quỹ, số lượng sách được đặt mua đã vượt mục tiêu 1.000 cuốn ban đầu, trở thành cuốn sách “hot” lan tỏa cảm hứng sống tích cực trong những ngày hè này.
Trong số đầu sách về dịch Covid-19 đã xuất bản, Những ngày cách ly (NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh) là cuốn sách duy nhất ở thể loại hư cấu. Với quan niệm “văn học là cuộc sống”, tác giả Bùi Quang Thắng chỉ mất 12 ngày để hoàn thành cuốn sách. Câu chuyện xoay quanh gia đình ông bà Trương và tiểu thư Hoàng Cúc khi phải đối mặt với dịch bệnh và trải qua quãng thời gian vô cùng đặc biệt trong cuộc đời mình. Mỗi người một cách, họ đi qua những ngày khó khăn ấy theo những tâm thế khác nhau, nhưng chính khoảng lặng cách ly đã giúp con người nhận ra giá trị của những ngày “sống chậm”.
Tuy không nhiều, nhưng rõ ràng là những cuốn sách sau “tâm dịch” cho thấy sự năng động, phản ứng nhanh nhạy của một số đơn vị xuất bản, qua đó góp phần mang đến cho bạn đọc những sản phẩm tinh thần đầy tính thời sự, mang ý nghĩa giáo dục, giá trị thẩm mỹ.
Sự thành công nói trên báo hiệu về một thị trường sách sẽ còn sôi động, chuyển biến rõ nét hơn trong những năm sau. Trong cuộc hội thảo “Đánh giá tình hình 7 năm thực hiện Luật Xuất bản năm 2012” được tổ chức gần đây, đại diện Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật cho rằng, cần có sự linh hoạt trong cấp giấy phép xuất bản bởi “10 ngày là quá dài, không bảo đảm tính thời sự của sách, làm lỡ cơ hội cạnh tranh, giảm hiệu quả kinh tế”.
Từ thành công của những cuốn sách “mùa Covid”, tin rằng quy trình xuất bản đang ngày rút ngắn sẽ góp phần mang đến cho độc giả những cuốn sách hay, đậm tính thời sự nhưng vẫn có giá trị lưu giữ lâu dài.
Gửi phản hồi
In bài viết