Cuốn sách gồm 4 phần, phần 1 “Văn phong và thể loại báo chí”, phần 2 “Thông tấn và đề tài”, phần 3 “Viết và lách”, phần 4 “Theo đuổi sự kiện và chọn điểm rơi thời sự”. Cũng giới thiệu về một số thể loại báo chí, nhưng tác giả không đi sâu mà chỉ khái quát chung để bạn đọc, nhất là những phóng viên trẻ mới vào nghề hiểu rõ hơn về các thể loại báo chí như: Tin, bài phản ánh, bài phỏng vấn, phóng sự, xã luận, chính luận... Từ đó, hiểu rõ đặc điểm riêng, văn phong của từng thể loại để xác định cách thể hiện chủ đề đã chọn đạt hiệu quả nhất.
Đặc biệt, từ kinh nghiệm 16 năm làm nghề báo, tác giả muốn chia sẻ những câu chuyện, bài học cụ thể khi viết về những vấn đề nhạy cảm, được công chúng quan tâm. Đó là, trước hết, mỗi phóng viên phải nắm chắc Luật Báo chí để tự bảo vệ mình, “các yêu cầu cung cấp nguồn tin từ cơ quan công an, chúng ta có quyền hợp tác chứ không có trách nhiệm trả lời”. Với nhà báo, theo đuổi sự kiện, phản ánh đến cùng sự việc không chỉ là kỹ năng, mà còn là cách nhà báo đáp lại những tình cảm, sự quan tâm của bạn đọc. Bởi độc giả luôn muốn biết rõ sự thật trong mỗi bài báo mà tác giả phản ánh.
Tác giả cũng chia sẻ với bạn đọc về cách lấy thông tin khi viết báo, bởi “thông tin là nguyên liệu tạo ra tác phẩm báo chí. Cách lấy thông tin chính là khâu chọn nguyên liệu. Nguyên liệu ngon sẽ cho ra tác phẩm hay”. Bên cạnh đó, việc kiểm chứng thông tin cũng vô cùng quan trọng, giúp cho sự việc được phản ánh bảo đảm tính chính xác và khách quan. Tuy nhiên, để lấy thông tin hay không hề dễ, đặc biệt là lấy thông tin phục vụ các bài phóng sự điều tra, “muốn lấy thông tin mà không vi phạm pháp luật thì buộc nhà báo phải nắm luật”.
Trong cuốn sách, tác giả cũng giới thiệu một số bài điều tra của mình đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của bạn đọc cả nước. Với những chia sẻ chân thành và kinh nghiệm từ chính bản thân trong quá trình tác nghiệp, nhà báo Hàn Ni đã giúp bạn đọc hiểu hơn về những khó khăn, vất vả, nhưng cũng đầy vinh quang của nghề báo. Mỗi tác phẩm được độc giả đón đọc, phản hồi, đều chứng tỏ quá trình lao động không biết mệt mỏi của những “chiến sỹ” trên mặt trận thông tin, tuyên truyền.
Gửi phản hồi
In bài viết