Chuyện đọc xưa và nay

- Nhà thơ, nhà bình luận văn học người Anh John Milton đã từng nói: “Một quyển sách hay là đời sống xương máu quý giá của một tinh thần ướp hương và cất kín cho mai sau”. Đọc sách, không chỉ là thú vui, mà còn là hành trình lần giở, tìm kiếm những kiến thức quý báu mà cha ông lưu lại qua sách vở, để lại cho đời sau. Mỗi thời điểm, văn hóa đọc lại có sự khác biệt. Xã hội càng phát triển, càng hiện đại, sách càng phải cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí hấp dẫn và thu hút hơn. Làm thế nào để văn hóa đọc lan tỏa và tạo thành thói quen, nhu cầu tốt đẹp mỗi ngày là bài toán không hề đơn giản.

Mỗi cuốn sách như sinh mạng người đọc

Nguyên Giám đốc Thư viện tỉnh Phạm Thị Kim vẫn không quên những ngày vất vả mà đầy niềm vui, hạnh phúc khi được phục vụ độc giả đến với Thư viện thập niên 90 của thế kỷ trước.

Người già, người trẻ, cán bộ, nông dân, bước chân vào thư viện, không ai còn phân biệt giới, đẳng cấp, mà chỉ là những chú ong cần mẫn say sưa cóp nhặt kiến thức từ những cuốn sách. Cả thư viện lúc bấy giờ chỉ có 3 phòng đọc: Phòng báo, tạp chí, phòng sách thiếu nhi và phòng đọc sách cho người lớn, nhưng mỗi ngày, có khi đón cả trăm lượt bạn đọc đến mỗi phòng.

Thư viện tỉnh phục vụ bạn đọc tại Trường PTDTNT THCS Chiêm Hóa.

Có những ngày mùa hè nóng nực, lượng người đọc đến với Thư viện vào buổi chiều vắng vẻ hơn, bà Kim lại cùng anh chị em thủ thư đổi giờ sang phục vụ cả buổi tối để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người đọc. Thời bấy giờ, mỗi năm, số thẻ thư viện cấp ra đạt trên 1.000 lượt thẻ. Anh chị em cán bộ Thư viện khi ấy, dù làm việc trong điều kiện thiếu thốn, vất vả, nhưng chỉ cần đến giờ mở cửa thư viện, nhìn thấy niềm vui của biết bao con người đang chờ đợi chạm vào kho tàng tri thức của thế giới, lại càng thêm yêu nghề, và biết ơn công việc đã cho mình được gặp họ.

Bà Kim bảo, ngày đấy, cán bộ đến thư viện tra cứu, đọc sách là chuyện rất phổ biến. Nhưng ngay cả những người nông dân chân lấm tay bùn cũng tranh thủ lúc nghỉ ngơi đến với sách. Bà nhớ nhất là vợ chồng người nông dân tên Huệ ở phường Nông Tiến bây giờ. Sáng ra đồng, nhưng cứ đầu giờ chiều, hai vợ chồng lại đi bộ từ nhà sang Thư viện tỉnh để tranh thủ đọc sách và mượn sách về. Đến đúng ngày hẹn, lại đi bộ mang sách sang đổi, mượn cuốn khác. Hay người nông dân tên Đức, ngày nắng cũng như ngày mưa, đạp xe mấy cây số từ Trung Môn (Yên Sơn) về Thư viện tỉnh đọc báo. Bà Kim chia sẻ, có lẽ nhờ đọc sách, mà lời ăn tiếng nói của những người như bà Huệ, ông Đức cũng tinh tế và dễ nghe lắm, mới thấy, sách vở không chỉ làm bạn, mà còn cho họ kiến thức, phông văn hóa đáng kể. Sau này lên làm quản lý, bà Kim vẫn nhắc anh chị em thủ thư, phải ưu tiên sách cho những người như bà Huệ, ông Đức, vì với họ, sách báo thực sự là nhu cầu thiết yếu để quên đi những nhọc nhằn, mệt mỏi của công việc ruộng đồng.

Bà Triệu Thị Viện, nguyên thủ thư Thư viện huyện Na Hang cũng nhớ như in khung cảnh tấp nập của Thư viện huyện 20 - 30 năm về trước. Những đứa trẻ cấp 1, cấp 2 mồ hôi nhễ nhại đạp xe đến Thư viện mượn sách, báo, truyện tranh, những người trẻ thì tranh thủ đến tìm đọc sách văn học. Người lớn tuổi hơn chút thì nghiên cứu, đọc sách khoa học... Thư viện chỉ là căn nhà gỗ lợp mái ngói, có chỗ đã thủng nhưng không lúc nào vắng tiếng bước chân người.

Cụ Hoàng Bắc, thôn 9, xã Trung Môn (Yên Sơn) năm nay đã 89 tuổi nhưng trong tủ sách của gia đình, vẫn đầy đủ các loại sách từ sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, sách văn học, báo Nhân Dân, báo Tuyên Quang... Cụ Bắc kể, ngày còn trẻ, tìm được một tờ báo, một cuốn sách mình quý như mạng người vậy. Cả cụ và người vợ của mình đều mê đọc, thế nên trong gia đình, tủ sách cũng là nơi gắn kết, để hai vợ chồng chia sẻ hiểu biết với người bạn đồng hành. Mỗi năm, tủ sách lại đầy lên một chút. Cụ Bắc bảo,  mình đang kiến nghị Đảng ủy, UBND xã Trung Môn lập một thư viện nhỏ để cụ và bà con có chỗ đến giao lưu, đọc sách và chia sẻ kiến thức. Cụ Bắc bảo, cụ sẵn sàng chia sẻ những cuốn sách của mình, để lan tỏa tri thức đến được với nhiều người hơn.

Những “kho tàng” bị bỏ phí

Các tủ sách công cộng tại các xã, nhiều nơi phát triển đến các thôn, bản được xây dựng từ những năm 2006, mục tiêu là xây dựng phong trào đọc sách, phát triển văn hóa đọc cho người dân trên địa bàn tỉnh. Theo quy định, các tủ sách được đặt trong nhà văn hóa của xã, phường, thị trấn. Trung bình mỗi tủ sách có 150 - 200 bản sách, ngoài ra còn nhận được sách từ các cơ quan, ban ngành Trung ương và địa phương, Thư viện tỉnh tặng. Mạng lưới tủ sách cơ sở được kỳ vọng là sẽ đưa thông tin, kiến thức kinh tế, văn hóa - xã hội đến với người dân, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng. 

Thế nhưng, những “kho tàng tri thức” này đang bị bỏ phí.

Thư viện tỉnh tặng sách cho Trại giam Quyết Tiến, Bộ Công an.

Mở cửa bước vào phòng đa năng ngay sân UBND xã Kim Phú (TP Tuyên Quang), bụi và mùi ẩm mốc do lâu ngày không có người ra vào xộc lên. Với hơn 200 đầu sách được cấp phát từ năm 2013, khi xây dựng nông thôn mới, UBND xã Kim Phú quyết định để tủ sách trong phòng đa năng - phòng rộng rãi và thoáng  đãng nhất - để phục vụ người đọc. Theo công chức văn hóa xã Nguyễn Thị Phương Hoa, thì từ ngày được trang cấp đầu sách, số người đến đọc rất hạn chế, nếu không muốn nói là… không có ai. Tủ sách nằm ở góc phòng, bàn ghế trang bị để đọc sách nhưng gần như chỉ phục vụ các cuộc họp.  Theo chị Hoa, một phần vì đầu sách từ ngày được trang cấp không được bổ sung thêm, một phần vì thói quen sử dụng mạng Internet, mạng xã hội đang ngày càng “xâm chiếm” thời gian của người dân, nên tủ sách công cộng tại phòng đa năng chưa phát huy được tác dụng.

Không chỉ ở Kim Phú, tại hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn, các tủ sách công cộng vẫn vắng bóng người khai thác, sử dụng.

Xã  Phúc Ninh (Yên Sơn) cũng như vậy. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tiến Hà thừa nhận, phòng đa năng của xã là căn phòng vắng người nhất. Đầu sách tương đối đa dạng, bàn ghế, quạt được trang cấp đầy đủ để phục vụ bất cứ ai có nhu cầu khai thác tài liệu. Thế nhưng, từ năm 2018 đến nay, kho tàng tri thức này vẫn nằm im lìm và… cô đơn hơn bao giờ hết!

Tại Thư viện huyện Na Hang, số lượng bạn đọc đến cũng chủ yếu tập trung vào đối tượng thiếu nhi. Chị Trần Thị Lợi, viên chức Thư viện huyện Na Hang cho biết, số đầu sách tại Thư viện rất phong phú và được bổ sung liên tục. Thế nhưng, trong số 65 thẻ thư viện được cấp trong quý I-2023, chủ yếu là học sinh Tiểu học, THCS, các đối tượng khác gần như rất ít đến Thư viện.  

Nâng cao văn hóa đọc

Một trong những mục tiêu của Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh là phấn đấu mức hưởng thụ bình quân sách là 6 bản/người dân và đạt 1 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện công cộng; mỗi người dân đọc trung bình 2 cuốn sách/năm; Phấn đấu số lượt người truy cập và sử dụng thông tin tại các thư viện đạt 50.000 lượt/năm; Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục ở các bậc, cấp học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp…

Giám đốc Thư viện tỉnh Đỗ Thu Hương cho biết, trong bối cảnh việc đọc sách phải cạnh tranh với nhiều loại hình thông tin hiện đại như hiện nay, việc đổi mới hình thức phục vụ bạn đọc đang được thư viện tỉnh nỗ lực hơn bao giờ hết.

Tại Thư viện tỉnh, ngoài việc bố trí các phòng đọc hiện đại, bổ sung đầu sách mới liên tục, để thu hút bạn đọc đến với Thư viện, đơn vị thực hiện miễn phí cấp phát thẻ bạn đọc cho trẻ em, người cao tuổi, thương binh, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo Nghị quyết 24/2022/NQ-HĐND ngày 10-12-2022 của HĐND tỉnh. Năm 2022, Thư viện tỉnh đã cấp 1.420 thẻ bạn đọc, trong đó có gần 900 bạn đọc là thiếu nhi; phục vụ trên 96 nghìn lượt bạn đọc tại Thư viện. Riêng 3 tháng đầu năm, con số này lần lượt là 470, 247 và gần 28 nghìn lượt người.

Cán bộ xã Trung Minh (Yên Sơn) đọc sách tại Thư viện lưu động.

Để sách có thể đến với đông đảo bạn đọc hơn, Thư viện tỉnh phục vụ xe Thư viện lưu động tại 62 điểm trường trong năm 2022, thu hút gần 25 nghìn lượt học sinh. Đồng thời, luân chuyển trên 6,5 nghìn bản sách đến tủ sách cơ sở, thư viện trường học và điểm bưu điện văn hóa xã. Đồng thời, tặng 600 bản sách cho tủ sách Thái Sơn và tủ sách thôn Quang Trung, xã Thái Sơn (Hàm Yên), tủ sách thôn Cầu Cả, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) và Trại giam Quyết Tiến. Hàng năm, tổ chức sơ khảo cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc gửi tham gia vòng Chung kết tại Hà Nội.
Theo bà Hương, trong thời đại công nghệ số, Thư viện tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh số hóa việc tra cứu, cung cấp tài liệu trên môi trường số. Trong đó, tất cả các đầu sách sẽ được số hóa, đồng thời, đơn vị sẽ mua thêm các tài liệu số để phục vụ bạn đọc tốt nhất, hiệu quả nhất.
Tất cả những giải pháp này sẽ không thể nào phát huy được hiệu quả, nếu mỗi người vẫn “lười” tiếp cận với sách như hiện nay.

Số liệu của Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông), bình quân mỗi người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách và 7,07 tờ báo một năm, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong một báo cáo khác của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26% dân số, tỷ lệ người thỉnh thoảng mới cầm sách để đọc 44%, đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%. Bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8% đến 10% dân số.

Giám đốc Thư viện tỉnh Đỗ Thu Hương cho rằng, mỗi người, nhất là các bậc làm cha, làm mẹ, hãy thay đổi thói quen này bằng cách đặt mục tiêu: Mỗi ngày, mỗi thành viên trong gia đình phải đọc được ít nhất 50 trang sách. Có như vậy, những mục tiêu lớn lao trong Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng mới có thể sớm trở thành hiện thực!.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục