Đọc sách thời công nghệ số

- Ông cha ta luôn đề cao vai trò của sách, coi sách như gia tài đáng giá nhất mà cha mẹ để lại cho con cháu: “Để vàng bạc chẳng bằng để sách cho con” hay “Một kho vàng không bằng một nang chữ”. Sách không chỉ là kho tàng kiến thức, mà còn là kho của cải vô tận trao truyền qua nhiều thế hệ. Những năm qua, sự phát triển của nền tảng số đã đem đến nhiều tiện ích, thúc đẩy văn hóa đọc phát triển.

Trải nghiệm tốt, vô vàn thuận tiện

Vừa thoăn thoắt hái chè, bà Nguyễn Thị Tình, 60 tuổi, thôn Bình Ca, xã An Khang (TP Tuyên Quang) vừa nghe những Phật pháp thông qua app (ứng dụng) sách nói trên điện thoại thông minh. Bà cười bảo: Mình là nông dân, quanh năm ngày tháng tất bật từ sáng đến đêm với cây lúa, cây chè, con lợn, con gà và trông cháu nhỏ thì thời gian nghỉ ngơi còn eo hẹp, lấy đâu thời gian để đọc sách, tìm hiểu về Phật pháp. Rồi tôi được con gái hướng dẫn tải app sách nói, trong đó có vô số kho truyện, sách về Phật pháp miễn phí. Với tôi, chiếc điện thoại là vật bất ly thân, kho truyện sách Phật pháp là “kho báu” khiến mỗi ngày tôi sống an vui hơn. Vừa làm việc đồng áng, hay làm việc nhà, vừa  được nghe sách nói, thực sự đây là phương tiện hữu ích giúp tôi tiết kiệm thời gian, tiền bạc.

Sau nhiều năm làm nhân viên thị trường cho hãng sữa, anh Phan Ngọc Hiển, tổ 15, phường Phan Thiết (tp Tuyên Quang) chuyển sang mảng kinh doanh bất động sản từ năm 2021. Với người chân ướt chân ráo vào nghề, bên cạnh việc học hỏi các đồng nghiệp, việc tự học thông qua sách là giải pháp tối ưu của anh. Nhờ nền tảng số, anh dễ dàng tra cứu những đầu sách hay về bất động sản từ căn bản tới nâng cao và đặt mua sách giấy online trên các nhà sách trực tuyến. Bên cạnh đó, anh có  thể được đọc miễn phí một số đầu sách điện tử (Ebook) hoặc mua Ebook bản quyền với giá “mềm” hơn so với sách giấy. Đặc biệt, Ebook được đọc trên thiết bị điện thoại thông minh nên có thể đọc mọi lúc, mọi nơi.

Giảng viên Trung tâm Ngoại ngữ Kiwi hướng dẫn học sinh lựa chọn sách điện tử phục vụ cho việc học tập.

Cùng với sự phát triển các nền tảng số, nghề review sách (giới thiệu) đang đóng một vai trò quan trọng giúp thúc đẩy văn hóa đọc. Chị Đặng Thị Hải Lý, Bí thư Đoàn xã Thanh Tương (Na Hang) cho biết, từ mạng xã hội, nhất là qua những cộng đồng đọc sách, review sách, chị kết bạn, làm quen với người tích cực chia sẻ những cuốn sách họ yêu thích, sở thích đọc sách và lan tỏa tình yêu sách đến với cộng đồng. Để tránh lãng phí về tiền bạc và thời gian, chị thường tìm đọc những cuốn sách giấy, sách nói, sách điện tử qua review trên Youtube, Tiktok, Website.

Chưa khi nào việc tiếp cận thông tin hay tri thức lại rộng mở và thuận tiện như hiện nay. Chỉ cần 1 cú nhấp chuột trên Google kèm theo với các từ khóa “sách nói”, “sách điện tử”, độc giả đã được tiếp cận với hàng trăm triệu kết quả. Mỗi chiếc điện thoại thông minh, máy tính lại là một thư viện di động, cung cấp tri thức phù hợp với rất nhiều đối tượng và mọi lúc, mọi nơi. Với sự phổ biến và phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube, Zalo, TikTok, cùng các ứng dụng nghe podcast thông dụng như Itunes, Spotify, Google podcast, Soundcloud... đã góp phần vào sự phát triển của văn hóa đọc. Tuy nhiên, thời đại số cũng ra đời những phương tiện giải trí hấp dẫn, cuốn hút như mạng xã hội, trò chơi điện tử, phim, nhạc. Điều này đặt ra thách thức lớn để duy trì và phát triển văn hóa đọc, nhất là ở người trẻ.

Đọc sách phải có đích đến

Đọc sách trên các nền tảng số có nhiều tiện ích, song cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Người đọc được tiếp cận với rất nhiều đầu sách, nhiều thể loại phong phú song một số bộ phận độc giả có thể chuyển đổi loại sách nhanh chóng, dễ dàng. Nhiều khi chưa đọc hết quyển sách nhưng lại chuyển sang đầu sách khác. Nếu đọc nhiều sách mà chẳng đọng lại được bao nhiêu thì cực kỳ lãng phí thời gian. Điều quan trọng là, đọc sách phải có đích đến; sau khi đọc xong, độc giả có thể làm gì với những điều vừa đọc được.

Trao đổi về quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Horizon (TP Tuyên Quang) bày tỏ: Sự phát triển của các nền tảng số góp phần xây dựng, tạo động lực cho văn hóa đọc có sức lan tỏa. Có điều, khi quá đa dạng lựa chọn, chúng ta phải lý trí, tỉnh táo để biết chọn lọc những gì có giá trị. Ví như vào lúc rảnh rỗi, trên chiếc điện thoại thông minh hay máy tính, bạn hãy quyết tâm đọc 1 vài trang sách thay vì chơi trò chơi; thay vì đọc truyện ngôn tình sến súa, viển vông thì hãy đọc đầu sách về phát triển bản thân, kỹ năng sống... Bên cạnh sự lựa chọn những cuốn sách lành mạnh thì dù đọc sách giấy hay sách nói, sách điện tử, bạn phải có phương pháp đọc đúng. Tôi vừa đọc, vừa nghiền ngẫm và ghi chép lại những nội dung quan trọng; lên kế hoạch thực hiện những điều tôi tâm đắc. Đọc sách giấy làm tôi có khả năng ghi nhớ, nắm bắt thông tin tốt hơn nên tôi đọc sách giấy khi có nhiều thời gian.  Với sách trên nền tảng số, tôi trải nghiệm khi quỹ thời gian ít ỏi, tập thể dục, làm việc nhà...

Dẫu biết sách là kho báu của nhân loại song vì chạy đua với cuộc sống hiện đại, nhiều người không hình thành được thói quen đọc sách hoặc đọc sách cho có lệ.  Song nhờ sức mạnh của cộng đồng trên các nền tảng số đã đánh thức tình yêu với sách, thói quen đọc sách mỗi ngày. Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Anh Mỹ, thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn). 5 năm qua, cứ 5 giờ sáng, anh lại vào cộng đồng đọc sách buổi sáng được tổ chức trên ứng dụng “zoom”. Các thành viên cùng nhau giao lưu, thoải mái chia sẻ, bàn luận... về những chủ đề, nội dung của buổi đọc sách hôm đó. Anh Mỹ giãi bày “Trước đây, cầm một cuốn sách lên cảm hứng đó còn lại rất ít, thậm chí vô cảm. Tôi không bao giờ đọc hết được 1 cuốn sách. Từ ngày tham gia cộng đồng đọc sách online này, tôi có động lực để duy trì thói quen đọc sách và yêu sách từ lúc nào không hay. Nhờ đó, tôi đã thay đổi tư duy, rèn luyện kỷ luật bản thân, sống tích cực hơn”.

Dù là sách nói, sách điện tử hay sách giấy; dẫu có thay đổi nhiều về hình thức và phương thức đọc thì sách vẫn là sản phẩm tinh thần kỳ diệu của con người. Đọc sách là cách tốt nhất để nuôi dưỡng tinh thần. Một xã hội tiến bộ là một xã hội biết quý trọng sách. Do đó, tận dụng nền tảng số để thúc đẩy văn hóa đọc là cơ hội và cũng là thách thức lớn. Tiếp tục xây dựng một nền văn hóa đọc vững mạnh bằng đọc sách đúng cách, lành mạnh, bổ ích là trách nhiệm của mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục