Khơi dậy văn hóa đọc trong nhà trường

- Sách có vai trò quan trọng trong việc cung cấp kiến thức cũng như hình thành tri thức, nhân cách cho mỗi con người, nhất là đối với các em học sinh khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Trên thực tế, trong trường học, có rất nhiều thầy cô và học sinh đam mê tìm tòi qua sách vở để tiếp thu tri thức, rèn luyện kỹ năng cho bản thân. Song, với sự ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, văn hóa đọc trở nên sa sút, người trẻ trở nên ít đọc sách hơn.

“Đuối sức” với xu thế mới

Dạo một vòng quanh các điểm vui chơi, các quán cà phê, hay thậm chí là trong khuôn viên trường học giờ ra chơi, không khó để bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ luôn dán mắt vào màn hình điện thoại. Việc phát triển như vũ bão của công nghệ, Internet khiến giới trẻ nói riêng và người dân nói chung có thể ngồi hàng giờ để xem các video trên TikTok, xem phim, lướt Facebook... Hình ảnh các bạn trẻ ngồi đọc sách hay trao đổi về những quyển sách hay dường như trở nên hiếm hoi trong cuộc sống hiện tại.

Thư viện trường Đại học Tân Trào thưa vắng sinh viên.

Nói về việc đọc sách, bạn Nguyễn Thùy Trang, Trường Đại học Tân Trào  chia sẻ, so với đọc sách thì em thích lướt mạng trên điện thoại nhiều hơn. Thời gian rảnh rỗi, em thường tham gia các hoạt động ngoài trời cùng bạn bè hơn là ngồi ở một góc nào đó để đọc sách. Đối với em, việc đọc sách tương đối nhàm chán nên em chưa thật sự yêu thích và cũng ít khi làm điều này.

Thực trạng mai một văn hóa đọc trong nhà trường đang diễn ra khá phổ biến, có ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học. Cô Vũ Thị Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Tân Trào tâm sự: Không ít  học trò nghiện mạng xã hội hay các trò chơi game ảo để đốt thời gian nhàn rỗi! Với họ, biết thêm một thông tin có thể quan trọng nhưng không thể hấp dẫn bằng giải trí trên công nghệ hiện đại. Nét đẹp của văn hóa đọc, vì thế, mai một dần như một khúc ca buồn của tư duy sống thời đại bùng nổ kỹ thuật số, ngay ở nơi thầy trò cần đọc nhiều sách báo nhất.

Theo cô Hương, văn hóa nghe nhìn thời nay có phần lấn át văn hóa đọc. Nhiều người không có thói quen đọc sách, bố mẹ, anh chị cũng không đọc sách để làm gương cho con em. Việc tuyên truyền hay tổ chức các cuộc vận động đọc sách hầu như chỉ dừng lại ở việc cổ vũ mua sách để xếp “cho đẹp” như một thứ trang trí trên tủ sách gia đình hay thư viện. Thực tế gần đây, nhà trường nào cũng đầu tư xây thư viện rất bề thế và mua thật nhiều sách các loại, nhưng hiếm thấy thầy cô và học sinh mượn và đọc sách. Hoạt động của thư viện trường học ít hiệu quả, cán bộ thư viện rất “nhàn”.

Đồng cảm với cô Hương, thầy Trần Minh Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lâm Bình (Lâm Bình) cho biết, nguyên nhân mai một văn hóa đọc là do hiện nay thầy cô và học sinh có rất nhiều kênh thông tin để giải trí với báo điện tử, mạng xã hội rất dễ dàng cập nhật, lại ít tốn kém. Trong khi đó, thư viện nhà trường  hiện nay quá thừa nhưng lại rất thiếu sách. Thừa rất nhiều sách giáo khoa trong khi đó các đầu sách về lĩnh vực xã hội, khám phá khoa học, lịch sử… lại rất ít hoặc không có. Mặt khác, không gian đọc chưa bắt mắt, thuận lợi, tiện nghi, nên chưa thỏa mãn và hấp dẫn người đọc.

Không thể phủ nhận, ngày nay, sách trở nên “đuối sức” trước các thiết bị điện tử trong việc thu hút mọi người. Những hình ảnh, âm thanh, video sống động dường như có sức lôi cuốn mạnh mẽ hơn những con chữ khô khan trên trang sách. Thế nhưng, đọc sách vẫn là phương thức hiệu quả, tin cậy, có tính căn bản nhất, giúp chúng ta tiếp thu văn hóa, làm giàu thêm vốn hiểu biết của bản thân.

Phát triển văn hóa đọc từ nhà trường

Để phát triển văn hóa đọc cho học sinh ngay từ trường học, ngành Giáo dục đã đầu tư nâng cấp, đổi mới thư viện trường học và có nhiều cách đưa sách đến gần hơn với học sinh.

Học sinh trường THCS Đông Lợi (Sơn Dương) đọc sách trong thư viện trường.

Mô hình Thư viện xanh được xem là cách làm hay được nhiều trường trên địa bàn tỉnh áp dụng, qua đó khơi dậy niềm đam mê đọc sách của học sinh. Nhờ chú trọng thiết kế, vận dụng có hiệu quả mô hình Thư viện xanh nên phong trào đọc sách của học sinh THCS Đông Lợi (Sơn Dương) có nhiều chuyển biến tích cực.

Thầy Lương Trần Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Lợi cho biết, qua việc tự đầu tư và vận động các nguồn lực xã hội, thư viện nhà trường đã có trên 1.000 đầu sách, giúp các em học sinh có nhiều lựa chọn hơn trong việc tiếp cận những đầu sách phù hợp. Sách ở đây được sắp xếp theo khối lớp và môn học để học sinh thuận tiện lựa chọn. Khi các em đến thư viện, các em sẽ được hỗ trợ việc lựa chọn sách đáp ứng nhu cầu, sở thích của từng em, đồng thời nhắc nhở học sinh nâng cao ý thức trong việc giữ gìn sách, tích cực xây dựng thư viện xanh. Nhờ có không gian rộng rãi, thoáng mát nên đọc sách trở thành hoạt động bổ ích và ý nghĩa sau những giờ học tập căng thẳng trên lớp của các em học sinh.

Nhận thức được tầm quan trọng của sách, thời gian gần đây, Trường Đại học Tân Trào cũng đang triển khai nhiều giải pháp để thu hút học sinh, sinh viên đến với thư viện. Ngoài việc bố trí không gian đọc rộng rãi, thoáng mát, sắp xếp phòng máy cho học sinh, sinh viên truy cập dữ liệu một cách tốt nhất, hàng năm trường lập kế hoạch mua bổ sung giáo trình, tài liệu, sách, truyện mới. Ngoài ra, đơn vị tập trung vào một số giải pháp tham khảo nhu cầu bạn đọc để xây dựng được vốn tài liệu và tổ chức phục vụ học sinh, sinh viên trong nhà trường; đổi mới và mở rộng các hình thức phục vụ bạn đọc; sáng tạo nhiều hình thức trong công tác tuyên truyền giới thiệu sách báo tài liệu; phục vụ bằng hình thức tự chọn...

Để phong trào đọc sách ngày càng phát triển, bên cạnh đổi mới hình thức đọc sách, nhà trường cần quan tâm bổ sung, thay mới các đầu sách, truyện hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Các thầy cô phải làm gương và là người có vai trò khuyến khích và định hướng đọc, lựa chọn sách đọc; cùng với đó, giáo dục, tuyên truyền, tuyên dương gương học sinh chăm ngoan, tích cực đọc sách nâng cao hiểu biết, gây dựng và phát triển, nhân rộng phong trào, cuộc thi về sách, đọc sách…

Mong rằng, những nỗ lực xây dựng không gian “văn hóa đọc” trong trường học sẽ tạo môi trường lành mạnh giúp học sinh rèn luyện thói quen tiếp xúc hàng ngày với tri thức mới qua những trang sách, từ đó góp phần nuôi dưỡng tâm hồn và hình thành nên những tính cách tốt đẹp cho học sinh.

Lý Thu

Tin cùng chuyên mục