Ở nước ta, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được hình thành đầu tiên ở Quảng Ninh rồi được phát triển ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Đến nay, cả nước đã có hàng ngàn sản phẩm OCOP. Chương trình OCOP đã từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất, gia tăng giá trị nông sản, quảng bá văn hóa địa phương qua những sản vật nổi tiếng.
Có thể thấy các sản phẩm được chứng nhận OCOP với đủ các mặt hàng như thực phẩm, đồ uống, dược liệu, thủ công mỹ nghệ, sinh vật cảnh, du lịch dịch vụ… Nhiều địa phương đã có các sản phẩm OCOP được chứng nhận 5 sao, được xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Như vậy đã cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các chủ thể OCOP trong việc xây dựng ý tưởng, tìm thị trường; sự hỗ trợ đắc lực về cơ chế, chính sách, xúc tiến thương mại, tạo “sân chơi” của Nhà nước, doanh nghiệp chung tay phát triển, nâng tầm các sản phẩm OCOP.
Thực tế phát triển các sản phẩm OCOP thời gian qua ở nhiều địa phương trong cả nước cho thấy, các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến là do các sản phẩm này không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng mà còn mang giá trị văn hóa, nguồn gốc rõ ràng, thiết kế bao bì hấp dẫn… Tức là đáp ứng các tiêu chí về chất lượng cũng như giá trị thẩm mỹ. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, không ít các sản phẩm OCOP vẫn còn nghèo nàn về hình thức, chưa đáp ứng các yếu tố về thẩm mỹ như bao bì, nhãn mác, chưa kể được những câu chuyện OCOP, do đó chưa tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Với mục tiêu “Mỗi xã một sản phẩm” nên có những nơi làm cho được, chứ chưa thực sự chú trọng đầu tư về mặt khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bởi vậy, có địa phương dù có từ 3 đến 4 sản phẩm OCOP được gắn sao nhưng sản lượng tiêu thụ thấp, chưa vào được các siêu thị, chuỗi cửa hàng, chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến nên gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Đã đến lúc cần phải chú trọng đầu tư về mặt chất lượng của các sản phẩm OCOP thay vì số lượng, tức là cần phải coi trọng việc nâng tầm sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu, phát triển theo hướng đa giá trị trong mỗi sản phẩm.
Muốn vậy thì các địa phương cần chú trọng tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, phát triển sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế tự nhiên, văn hóa của từng nơi, chú trọng phát triển theo hướng hữu cơ, sinh thái, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, góp phần bảo tồn thiên nhiên và môi trường. Cơ quan chức năng cần tăng cường hướng dẫn các chủ thể sản xuất tuân thủ đúng quy định của pháp luật về chế biến thực phẩm, về an toàn sản xuất; quan tâm đến việc nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao, nhất là chú trọng tiêu chuẩn hóa sản phẩm đạt hạng 5 sao. Đằng sau mỗi sản phẩm OCOP phải là văn hóa, sản phẩm mang hồn cốt văn hóa, chứa đựng những câu chuyện văn hóa, niềm tự hào, tình yêu quê hương, xứ sở.
Chỉ khi mỗi sản phẩm OCOP được quan tâm đầu tư về chất lượng, không chạy theo số lượng, mỗi sản phẩm OCOP mới thực sự hội tụ đầy đủ các giá trị về kinh tế, văn hóa, tinh thần hấp dẫn khách hàng.
Gửi phản hồi
In bài viết