Nỗi niềm đầu năm học

- Bước vào năm học mới, điều khiến các bậc phụ huynh lo lắng là các khoản thu đầu năm, trong đó những khoản thu tự nguyện vẫn gây tranh cãi nhiều nhất dù đã có các quy định chi tiết.

Năm học mới... nhắc chuyện cũ

Năm học 2023 - 2024, một phụ huynh có con học THPT trên địa bàn huyện Sơn Dương cũng không khỏi bất ngờ khi nhận thông báo các khoản thu đầu năm lên đến hơn 10 triệu đồng, bao gồm các khoản đóng góp, hỗ trợ và tiền học thêm… Khi nhận nhiều ý kiến phản đối từ phụ huynh, mức thu này đến tháng 4-2024 đã được điều chỉnh giảm còn hơn 6 triệu đồng. Điều phụ huynh này thắc mắc là, cùng có con vào lớp 10, nhưng con trai của người đồng nghiệp cùng làm với chị lại chỉ phải đóng số tiền hơn 4 triệu đồng.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương kiểm tra cơ sở vật chất chuẩn bị cho năm học mới tại Trường THCS Tân Loan, xã Tân Thành (Hàm Yên).

Trong báo cáo khảo sát về công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2023 - 2024 và kết quả triển khai một số nghị quyết của HĐNĐ tỉnh, trong đó có nội dung thu chi đầu năm học của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cuối năm 2023 tại một số trường học trên địa bàn tỉnh cho thấy, một số trường báo cáo dự kiến thực hiện xã hội hóa để bổ sung cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục như sửa chữa nhà vệ sinh, thay cửa lớp học, làm sân khấu tổ chức lễ hội, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chưa đảm bảo theo đúng quy định tại Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Ban đại diện cha mẹ học sinh nhiều trường được khảo sát thực hiện thu, quản lý và sử dụng kinh phí không đúng theo quy định tại Điều 10 Thông tư 55/2022/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh, như vi phạm việc quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh. Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường...

Nguồn lực hỗ trợ nâng cao chất lượng dạy và học

Từ năm học 2023 - 2024, Yên Sơn đã chủ động đầu tư các nguồn lực xây dựng các khối phòng học, phòng bộ môn và phòng chức năng để chuẩn bị cho năm học 2024 - 2025 là 170 hạng mục. Trong đó xây dựng mới 51 phòng học, 40 phòng học bộ môn, 14 phòng chức năng, 4 bếp ăn, nhà ăn, 52 nhà ở bán trú, nội trú và 9 công trình phụ trợ.

Dạy học cho trẻ tại Trường Mầm non Sơn Nam (Sơn Dương).

Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu dạy và học, thì việc xã hội hóa là cần thiết. Ông Chẩu Bình Yên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Sơn cho biết, riêng trong năm học này, đã có 32 đơn vị trên địa bàn huyện đã chủ động xã hội hóa các nguồn lực đầu tư tu sửa cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ công tác dạy và học với số tiền trên 1,8 tỷ đồng. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã thực hiện phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ theo Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03/08/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho 9/84 Đơn vị trường học tính đến ngày 22/8/2024.

Theo ông Yên, các đơn vị thực hiện việc quản lý các khoản thu theo quy định. Đối với khoản thu theo thỏa thuận phải đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. Nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu trái quy định; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu”.

Trong quá trình thực hiện thu các khoản thu đầu năm học, các đơn vị có chế độ miễn giảm phù hợp đối với học sinh mà gia đình có khó khăn về kinh tế. Tuyệt đối không để xảy ra việc học sinh bỏ học vì gia đình có hoàn cảnh khó khăn không có tiền đóng góp.

Tại huyện vùng cao Na Hang, công tác xã hội hóa các nguồn lực để nâng cao chất lượng dạy và học cũng được các nhà trường rất quan tâm, trên cơ sở thực hiện đúng các quy định của Bộ Giáo dục và Sở Giáo dục và Đào tạo. Bà Nguyễn Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Na Hang cho biết: Như năm học trước, từ nguồn xã hội hóa, Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh đã hỗ trợ nhà trường 3 chiếc ti vi để lắp đặt tại các phòng chức năng. Đối với một huyện vùng cao, nguồn lực xã hội hóa không nhiều, thì đây thực sự là món quà ý nghĩa để cô và trò nhà trường có điều kiện học tập tốt hơn, nhất là đối với các môn học như Tiếng Anh...

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, các nguồn xã hội hóa giúp các trường có thêm nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng thiết bị nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Các khoản thu này chủ yếu được chi vào các việc như lắp đặt điều hòa, máy chiếu... trong lớp học, nhà trường không thể tự đầu tư.

Hiện nay, việc thu các khoản xã hội hóa chủ yếu do Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh thực hiện, trên cơ sở có sự bàn bạc, thống nhất với phụ huynh trong lớp, giữa các lớp với nhau.

Các khoản vận động, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ này phải được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03/8/2018 của Bộ GDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Tuy nhiên, nếu không quản lý chặt chẽ, nguồn thu này dễ bị sử dụng sai mục đích, để lại hệ lụy xấu trong môi trường giáo dục.
Để không “lạm thu”

Hiện nay, ngoài hoạt động giám sát, khảo sát của HĐND các cấp, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cũng đẩy mạnh công tác giám sát tại các trường học, nhất là đối với hoạt động thu chi đầu năm.

Tháng 6-2024, Hội LHPN huyện Yên Sơn thực hiện cuộc giám sát chuyên đề về thu chi các khoản thu do phụ huynh đóng góp tại các trường học thuộc các xã Trung Môn, Đạo Viện, thị trấn Yên Sơn, Trung Minh.

Học sinh trường Tiểu học Lê Văn Tám trong một giờ học ngoại khóa.

Bà Ngô Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Đây là một trong những nội dung giám sát nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ của hội viên. Qua giám sát, các cơ sở giáo dục cơ bản đáp ứng các quy định trên cơ sở bàn bạc thống nhất giữa nhà trường và phụ huynh. Tuy nhiên, theo bà Thủy, hoạt động chi từ nguồn thu này tại các trường học - qua giám sát - đều có những sai sót nhất định. Đoàn giám sát của Hội đã có nhắc nhở, hướng dẫn các trường, Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh… đảm bảo việc thu chi đúng nguyên tắc, đúng quy định của pháp luật.   

Hoạt động giám sát này hiện đã được MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội nhiều địa phương thực hiện. Về lâu dài, hoạt động này được duy trì sẽ là căn cứ để các trường thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định, đảm bảo minh bạch, rõ ràng các khoản thu chi.

Luật sư Quốc Cường, Công ty Luật TNHH MTV Quốc Cường cho hay, thực tế hiện nay, có những trường không thu khoản dịch vụ ngoài quy định của nhà nước cho phép. Thậm chí, có trường quy định phụ huynh ủng hộ cho nhà trường còn phải có sự đồng ý của Phòng Giáo dục. Với trường công lập, nhà nước có hỗ trợ cho các hoạt động của nhà trường, trả lương cho giáo viên, trang bị cơ sở vật chất... Tuy nhiên cũng có những khoản đóng góp xã hội hóa khi không có trong quy định, ví dụ như lắp điều hòa... Đối với trường thiếu cơ sở vật chất, được phụ huynh đồng ý đóng góp để hỗ trợ nhà trường đào tạo học sinh tốt hơn, việc đó nên ủng hộ.

Những khoản ủng hộ phải được công khai và nên đưa vào trong các khung quy định của pháp luật, những hoạt động đó được khuyến khích chứ không phải là bắt buộc. Việc ủng hộ đóng góp các khoản dịch vụ trên tinh thần tự nguyện, tuy nhiên cũng khiến nhiều phụ huynh e ngại bởi nếu không tham gia sẽ bị giáo viên chủ nhiệm phê bình, thậm chí trù dập.

Luật sư Quốc Cường cho rằng: Vấn đề lạm thu đã được pháp luật quy định về việc xử lý. Bởi vậy, cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với các trường. Hành lang pháp lý quy định về việc xử lý đối với cán bộ trong trường sử dụng sai mục đích, vận động sai các khoản thu cũng đã có. Việc chúng ta cần làm hiện nay là phải đẩy mạnh hoạt động thanh tra với các trường. Có như vậy, vấn đề “lạm thu” mới được giải quyết triệt để, không gây bức xúc trong phụ huynh mỗi dịp năm học mới bắt đầu.

Ngày 24-8-2024, UBND tỉnh đã có văn bản về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo năm học 2024 - 2025. Trong đó yêu cầu, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố và Trường Đại học Tân Trào tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các mức thu, khoản thu của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định tại Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/8/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "lạm thu" đầu năm học; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng thu sai quy định, lạm thu. Đồng thời, chỉ đạo và quán triệt các cơ sở giáo dục thực hiện việc vận động, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ, viện trợ theo đúng quy định.

Hiện đã bước vào năm học mới. Hy vọng rằng, với sự quyết liệt của tỉnh và ngành Giáo dục, mùa thu này sẽ chỉ là mùa tựu trường, chứ không phải “mùa thu” như cách dân gian vẫn ví von.

Nguyễn Đạt­

Tin cùng chuyên mục