“Của để dành” của mẹ

- “Của để dành” giờ không đơn thuần là nhà cửa, tiền bạc, đất đai, nó còn là phúc đức, tri thức, là tấm lòng... cha mẹ để lại. Trong hành trình tạo dựng ấy, người mẹ giống như người dẫn đường, đồng hành với con, để mỗi bước con đi dần vững vàng và trưởng thành hơn.

Hành trang từ những chuyến đi

Đến giờ, chị Triệu Thị Linh, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) không nhớ được, mình đã đưa con đi thăm, trải nghiệm bao nhiêu di tích lịch sử, văn hóa trong và ngoài tỉnh.

Gia đình chị Triệu Thị Linh trong chuyến trải nghiệm thác Bản Giốc, Cao Bằng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Chị Linh cho biết, ý tưởng này bắt đầu khi cậu con trai cả Hoàng Đức Minh 4 - 5 tuổi, với những chuyến đi gần như Tân Trào (Sơn Dương), Kim Bình (Chiêm Hóa). Những chuyến đi đầu tiên, con còn nhiều bỡ ngỡ và e dè, nhưng dần dà, đã thay bằng cảm giác phấn khích, hào hứng và luôn miệng hỏi về những chuyến đi tiếp theo. Sau này có thêm bé Hoàng Bảo Khánh, những chuyến đi cũng xa hơn. Là Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long, Chùa Một Cột, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Là Định Hóa, Thái Nguyên; Đền Hoàng Hoa Thám, Yên Thế (Bắc Giang); Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang); Thác Bản Giốc (Cao Bằng)... Những câu hỏi “Tại sao?” sau mỗi chuyến đi nhiều hơn. Không chỉ trải nghiệm cuộc sống, điều mà chị cảm nhận rõ nhất là sự trưởng thành của các con sau mỗi chuyến đi: Biết cách kiểm soát cảm xúc, tự chăm sóc cá nhân, biết cách san sẻ với những người bạn cùng chuyến đi.

Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, gia đình chị lên kế hoạch đi thăm thác Bản Giốc ở Cao Bằng. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, anh chị đã định tạm dừng kế hoạch, nhưng vì các con rất hào hứng với chuyến đi xa sau một thời gian dài phải nghỉ học để đảm bảo an toàn phòng dịch, hai vợ chồng chị Linh quyết định lên đường. Hạn chế tối đa việc dừng nghỉ tại các quán xá dọc đường, mọi nhu yếu phẩm cần thiết được gia đình chuẩn bị sẵn, kể cả bếp nấu ăn dùng bình ga mini. Nhìn ánh mắt các con ngỡ ngàng trước cảnh đẹp hùng vĩ của dòng thác, và được nghe lịch sử, học về ranh giới giữa Việt Nam với Trung Quốc từ dòng thác này, chị biết quyết định này là hoàn toàn đúng đắn.

Không chỉ các con học được điều hay, mà chính những người làm cha làm mẹ như chị cũng học được từ các con rất nhiều điều. Những chuyến đi như thế vừa vun đắp, thắt chặt thêm tình cảm gia đình, vừa giúp người lớn giảm căng thẳng và mệt mỏi khi sống ở thành thị. Mỗi chuyến đi, anh chị cũng hiểu con mình hơn, nhận biết những điều đặc biệt của các con, giúp các con học hỏi các bài học từ thiên nhiên, trân trọng và yêu thương vẻ đẹp cuộc sống, tạo dựng sự tự tin, tương tác và ứng xử phù hợp với môi trường, đánh thức mọi giác quan và biết sống có trách nhiệm với thế giới xung quanh.

Chị Triệu Thị Linh cười, thu hoạch lớn nhất sau mỗi chuyến đi, để các con chạm tay vào thiên nhiên, vào cuộc sống là những tiếng cười giòn tan của con trẻ, đôi mắt long lanh, rạng rỡ của các con khi hòa vào vùng đất mới. Mục tiêu của chị Linh là có thể đưa con đi thăm, tìm hiểu và trải nghiệm tất cả các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh ở miền Bắc trước khi cậu con trai cả kết thúc cấp học THCS.

Trao tình yêu thương con người

Ngay khi Tuyên Quang phát động ủng hộ Quỹ phòng chống Covid-19, 2 chị em Ngô Kim Sa, Ngô Kim Phú, tổ 16 phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) đã dùng số tiền vừa được cơ quan mẹ thưởng vì có thành tích học tập xuất sắc để ủng hộ. Số tiền không nhiều, mỗi em 200 nghìn đồng, nhưng như chia sẻ của Ngô Kim Sa, qua đài báo, em biết đây là cuộc chiến lâu dài. “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, chị em Sa và Phú muốn sự đóng góp của mình sẽ góp phần giúp nước ta nói chung và Tuyên Quang nói riêng sớm chiến thắng được dịch bệnh Covid-19, để cuộc sống của mọi người có thể sớm trở lại  bình thường.

2 chị em Ngô Kim Sa, Ngô Kim Phú (thứ 2, 3 từ trái qua) ủng hộ Quỹ phòng chống Covid-19.

Chị Trần Thị Thường, phụ huynh của 2 chị em cho biết, đây không phải lần đầu tiên các con chủ động được chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn... Hàng năm, dịp Tết nguyên đán hoặc Tết thiếu nhi, chị lại góp quần áo cũ, mua thêm bánh kẹo đi thăm các bé có hoàn cảnh không may mắn đang điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen. Mỗi lần đi, chị đều đưa hai con cùng tham gia, để bài học về lòng yêu thương con người, sự cảm thông “thấm” vào các con từng ngày, mà không phải bài học sách vở nào cũng thành công.

Chị Nguyễn Hoài Thương, giáo viên Trường Tiểu học Lăng Can (Lâm Bình) cũng vậy. Những chuyến thiện nguyện ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện, có điều kiện chị đều đưa con cùng tham gia, để các bé hiểu được thế nào là cuộc sống và biết trân quý hơn những thứ mình đang may mắn được sở hữu.

Mới đây, Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc - cô bé Bống Chè Bưởi nổi tiếng ngày nào, đã làm cầu nối kết nối những trái tim thiện nguyện vào dự án  Nuôi Em Tuyên Quang để hỗ trợ các bạn nhỏ học mầm non ở Yên Lâm (Hàm Yên). Mục tiêu của dự án này là mang tới cho các bé bữa trưa có cơm nóng, có thịt và trứng, để các em ấm cái bụng, bố mẹ các em yên cái lòng, để các bé có một sự chuẩn bị vững vàng hơn khi vào cấp tiểu học. Dự án có sự đồng hành, hỗ trợ của Tỉnh đoàn Tuyên Quang, Phòng Giáo dục huyện Hàm Yên. Không chỉ kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ, một phần tiền từ bán chè bưởi, Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc cũng dành lại để ủng hộ quỹ.

“Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan đẹp nhất là trái tim người mẹ”, nhà văn Lucien Bersot từng khẳng định như vậy. Tình yêu của mẹ chính là thứ hành trang vững chãi nhất để con bước vào đời. Mỗi người mẹ, từ khi mang trên vai thiên chức thiêng liêng ấy, đều đã sẵn sàng để sở hữu một kỳ quan như vậy!

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục