Ngậm ngùi chịu thiệt
Nhiều người mua hàng online đành ngậm ngùi chịu thiệt mà không biết kêu ai. Cách đây không lâu, ông Đ.V.T, thôn 31, xã Thái Sơn (Hàm Yên) mua một bộ chăn ga qua mạng facebook. Sau khi nhận hàng, kiểm tra sản phẩm, ông nhận thấy bộ chăn ga có kích cỡ, chất liệu không đúng với yêu cầu đặt hàng và bên bán hàng giới thiệu như trên mạng. Ông T. gọi điện cho người bán thì nhận được câu trả lời “Tiền có từng đó thì chỉ mua được sản phẩm như vậy”. Bức xúc nhưng ông T. cũng đành ngậm ngùi nhận hàng mà không biết làm thế nào.
Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật
trong kinh doanh thương mại điện tư.
Bà Đ.T.T. tổ dân phố Vĩnh Bảo, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) kể, trước đây, bà T. cũng thường mua hàng trên mạng. Một lần thấy một tài khoản facebook giới thiệu sản phẩm thuốc bổ, chống lão hóa dành cho người già, thấy lời mời chào hấp dẫn, lại có chương trình khuyến mãi giảm giá từ hơn 1 triệu đồng/hộp xuống còn trên 300.000 đồng/hộp, bà T. liền đặt mua. Sau khi sản phẩm gửi đến, bên bán yêu cầu bà T. không được xem hàng trước. Nhận hàng và thanh toán xong bà T. mở sản phẩm ra thì thấy toàn bộ số thuốc này đều không có giấy hướng dẫn sử dụng, thậm chí còn có mùi hôi. Bà T. sợ hãi gọi điện cho bên bán thì không liên lạc được. Nghĩ cũng chỉ là mấy trăm ngàn nên bà T. đành chấp nhận bỏ đi hộp thuốc này, không dám sử dụng. Cũng từ đó, bà T. rất cẩn thận khi mua hàng online.
Còn chị L.T.H, tổ 11, phường An Tường (TP Tuyên Quang) cho biết, thời điểm dịch bệnh kéo dài, hạn chế ra ngoài, chị H. chọn hình thức mua hàng online. Hình thức này giúp chị không phải tốn kém thời gian đi chọn sản phẩm. Chị H. cho biết, mua hàng online nhiều khi may hơn khôn. Chị nhớ, có lần qua facebook, thấy một cửa hàng thời trang trên mạng đăng chương trình khuyến mại giảm giá sâu cùng nhiều bức ảnh về sản phẩm. Chị H. liền chốt đơn hơn 1 triệu đồng để mua hai chiếc váy. Nhưng khi nhận hàng, chị tá hỏa đó không phải là 2 chiếc váy chị đặt mà là một chiếc áo len của nam giới. Chị H. liền nhắn tin vào tài khoản facebook của người bán thì đã bị chặn tài khoản. Chị H. cho biết, đến giờ chị vẫn không quên cảm giác như mình bị lừa khi nhận hàng.
Những trường hợp cười ra nước mắt như chị H. không phải là ít khi mua phải hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đúng yêu cầu của người mua khi chọn hình thức mua online. Theo đồng chí Nguyễn Đức Toàn, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, nguyên nhân mà người mua hàng online gặp phải “trái đắng” chủ yếu do thiếu hiểu biết về pháp luật quy định về quyền lợi của người tiêu dùng, những hành vi bị cấm khi giao dịch mua bán, nhất là giao dịch thương mại điện tử. Nhiều người khi mua phải hàng kém chất lượng, không đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc các nội dung khác đã được công bố, niêm yết, quảng cáo, cam kết mà không dám có ý kiến, khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, mức sống của nhiều người dân chưa cao nên khi thấy lời mời chào hấp dẫn cùng với các chương trình khuyến mại đã chọn mua cũng không tránh khỏi những rủi ro.
Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có nghĩa vụ kiểm tra hàng hóa trước khi nhận.
Tự trang bị kiến thức khi mua hàng online
Hiện nay, các cơ sở sản xuất kinh doanh không chỉ kinh doanh qua các kênh thương mại truyền thống như chợ, siêu thị, cửa hàng đại lý mà đã lựa chọn tổ chức hoạt động kinh doanh thông qua các ứng dụng di động, nhất là mạng xã hội để quảng cáo, cung cấp hàng hóa. Hoạt động thương mại điện tử đang bộc lộ nhiều hạn chế và thách thức trong công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý. Nhiều thương nhân lợi dụng lòng tin để lừa đảo, gian lận về mẫu mã, giá cả, chất lượng hàng hóa, quảng cáo sai sự thật. Nhiều cơ sở hoạt động thương mại điện tử không đăng ký hoạt động theo quy định, không khai báo hoặc khai báo không thành thật về hoạt động nhằm trốn thuế phải nộp. Theo đồng chí Hoàng Văn Hùng, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang, trong quá trình nắm bắt tình hình cho thấy, việc kiểm tra, xử lý, phát hiện sai phạm trong kinh doanh thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn do xảy ra tình trạng bán hàng nhưng không cần có hàng. Có trường hợp mượn địa điểm kinh doanh của người khác để livestream bán hàng trên mạng. Những giao dịch mua bán online khó kiểm soát vì không thể biết được thời điểm, địa điểm diễn ra giao dịch. Trong năm 2021, Tổ công tác về thương mại điện tử của Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 21 vụ vi phạm pháp luật trong giao dịch thương mại điện tử, tổng số tiền giá trị hàng hóa tịch thu trên 300 triệu đồng. Trong đó có nhiều vụ việc xâm phạm nhãn hiệu nổi tiếng chủ yếu ở các mặt hàng như mỹ phẩm, quần áo, giày dép, túi xách... Các vụ việc này đều do cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện chứ không phải phát hiện được từ khiếu nại, phản ánh của người mua.
Theo đồng chí Hoàng Văn Hùng, để tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra với người tiêu dùng khi mua hàng online, trước hết người mua cần am hiểu pháp luật, nắm vững quyền lợi của người tiêu dùng, sáng suốt lựa chọn những địa chỉ uy tín. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định rất rõ, người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, được cung cấp chứng từ, hóa đơn liên quan đến giao dịch. Người tiêu dùng cũng có nghĩa vụ kiểm tra hàng hóa trước khi nhận hàng và lựa chọn tiêu dùng hàng hóa. Người tiêu dùng cũng có nghĩa vụ cung cấp thông tin, bằng chứng liên quan đến hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Như vậy, Luật đã quy định rất rõ để người mua hàng online có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia giao dịch thương mại điện tử. Tránh xảy ra thiệt hại khi mua hàng online thì ngoài việc người tiêu dùng phải thực sự tỉnh táo, có kiến thức pháp luật về kinh doanh thương mại điện tử thì các cơ quan chức năng cần tăng cường tập huấn pháp luật để người tiêu dùng nâng cao nhận thức pháp luật về kinh doanh thương mại điện tử cũng như tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, phát hiện những sai phạm trong kinh doanh thương mại điện tử.
Người tiêu dùng không nên vì tâm lý “chờ được vạ thì má đã sưng” mà không cung cấp thông tin, khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh thương mại điện tử.
Trước khi chờ các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thì trước hết người tiêu dùng cần phải tự trang bị kỹ năng, kiến thức khi mua hàng online để không phải nhận những “trái đắng” do thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin.
Gửi phản hồi
In bài viết