Ước mơ của mẹ

- Mỗi người phụ nữ từ khi sinh ra và tới khi làm mẹ đều có ước mơ của riêng mình. Ước mơ của người phụ nữ dù giàu sang hay nghèo khó cũng thật giản dị và thiêng liêng. Đôi khi niềm vui, ước mơ của con cái lại chính là ước mơ của những người mẹ. Thực hiện những ước mơ của mình, người phụ nữ chịu nhiều hy sinh, vất vả, thiệt thòi. Họ như những con ong lặng lẽ làm mật dâng đời.

Mong con nên người

Đã bước sang tuổi 24 nhưng trong lòng chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, mẹ của cầu thủ Thành Chung, Đội tuyển U23 Việt Nam thì cậu vẫn như còn thơ bé. Câu chuyện Thành Chung từ khi còn rất nhỏ đã được mẹ chở từ xã Trung Môn xuống thành phố luyện tập bóng đá hàng ngày đến giờ vẫn còn được nhiều người nhắc lại. Biết con yêu thích bóng đá và có năng khiếu về môn thể thao này, chị Tuyết đã bán thanh lý toàn bộ cửa hàng, chấp nhận thua lỗ hàng trăm triệu đồng để  cùng  con xuống Hà Nội luyện tập bóng đá khi Thành Chung mới lên 10 tuổi. Những ngày sống ở Hà Nội, sát cánh bên con luyện tập, chị Tuyết thuê cửa hàng rồi bán hoa tươi, bán trà đá để có tiền trang trải cuộc sống. Chị chắt chiu dành dụm những đồng tiền bán hàng ít ỏi để có kinh phí đi cổ vũ cho con trai trong mỗi trận đấu, dù có khi phải ra nước ngoài hay vào tận miền Trung. Đối với cầu thủ Thành Chung, sự đồng hành, sát cánh của mẹ trong quá trình tập luyện và mỗi lần ra sân cỏ thi đấu là động lực lớn nhất để Thành Chung ghi nhiều bàn thắng. Nói về ước mơ của mình, chị Tuyết chia sẻ: “Ước mơ của mình lúc nào cũng chỉ mong cho con trai Thành Chung sẽ luôn giữ vững phong độ, mang nhiều vinh quang về hơn nữa cho Đội tuyển bóng đá Việt Nam”.

Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết và con trai - cầu thủ Thành Chung.

Là con út trong một gia đình thuần nông, hoàn cảnh khó khăn nhưng Nguyễn Vũ My, học sinh lớp 12 chuyên Sinh, trường THPT chuyên lại có thành tích cao trong học tập. Hiện nay, em đang ôn thi học sinh giỏi cấp Quốc gia môn Sinh học. Bởi đối với My, có được thành tích như ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh thầm lặng của người mẹ ở quê nhà. Chị Vũ Thị Lan, thôn Tân Quang, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) là mẹ của Nguyễn Vũ My. Từ nhỏ, chị Lan đã ước mơ trở thành bác sỹ, cô giáo nhưng vì nhà nghèo nên ước mơ ấy đành gác lại. Không thể tiếp tục học hành để trở thành cán bộ như mơ ước, chị Lan quyết tâm nuôi con học hành đến nơi đến chốn. Khi My học lớp 9, em muốn thi vào trường THPT Chuyên Tuyên Quang nhưng sợ nhà không có điều kiện nuôi em học ở trường Chuyên, My đề xuất với mẹ cho em được thi vào một trường nội trú. Biết mong muốn của con, chị Lan đã động viên con: “Con cứ thi đỗ, khó khăn mấy mẹ cũng nuôi được”. Có sự ủng hộ, khích lệ của mẹ, vậy là năm đó My trở thành học sinh đầu tiên của trường THCS Vinh Quang thi đỗ vào trường THPT Chuyên Tuyên Quang. Chị Lan mở một sạp bán hàng tạp hóa nhỏ kết hợp với chăn nuôi lợn, gà, trồng cây ăn quả như thanh long, mít, trồng rau bán để có tiền chu cấp hàng tháng cho con học tập. Chị Lan bảo: “Từ bé, My thích làm bác sỹ lắm nên cháu nó thích học môn Sinh học. My là con út lại học khá nhất trong ba chị em nên ước mơ của mình là mong cho My sẽ trở thành bác sỹ như con mong muốn”.

Chị Vũ Thị Lan, thôn Tân Quang, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) tần tảo lao động để có kinh phí nuôi con học tập.

Ai đó đã từng ví “Tình mẹ bao la như biển cả”, câu ấy thật đúng với chị Trần Thị Ngọc Hoa, công nhân Đội Môi trường số 1, Công ty CP Dịch vụ Môi trường và quản lý đô thị Tuyên Quang. Ngày cháu Bùi Hà Phương, cô con gái thứ hai của chị chào đời, lòng chị Hoa đau thắt khi biết tin con mình mắc bệnh tim bẩm sinh và hội chứng Down. 6 năm qua, chị là đôi chân, đôi tay của con vì cháu Phương sức khỏe rất yếu, không thể tự bước đi trên đôi chân của mình. Một ngày làm hai ca sáng và tối nhưng chị Phương vẫn kiên nhẫn dành hàng giờ đồng hồ bón từng thìa cháo cho con gái của mình. Chị đưa con đi khắp nơi chữa trị. Có những ngày, tháng, hết ca làm, chị lại chở cháu lên Trung tâm Phục hồi chức năng Hương Sen để điều trị. Cơ cực không kể hết nhưng chị vẫn luôn nở nụ cười rất tươi khi cùng con chơi đồ hàng, hoặc trò chuyện với con. Chia sẻ về ước mơ của mình, chị Hoa cho biết: “Mình chỉ có một mơ ước cháu Hà Phương được đến trường học tập như những đứa trẻ cùng trang lứa”.

Chị Trần Thị Ngọc Hoa và con gái Hà Phương.

Trong những ước mơ của người phụ nữ đó là mong cho gia đình ấm êm, hạnh phúc thì có lẽ ước mơ và khát khao mạnh mẽ nhất đó chính là mong cho các con của mình luôn chăm ngoan, học giỏi và thành đạt. Tuy là phái yếu nhưng hiện thực ước mơ ấy, nhiều người phụ nữ đã làm được những điều phi thường.

Khẳng định bản thân

Trong xã hội hiện đại, ước mơ của người phụ nữ còn là sự mong muốn khẳng định bản thân trong gia đình và với cộng đồng. Đối với gia đình, họ tần tảo, vất vả chăm lo việc nhà, tề gia nội trợ, chăm sóc con cái, đối nội, đối ngoại…cũng chỉ mong khẳng định bản thân là người “giữ lửa” trong gia đình, là hậu phương vững chắc của chồng, con. Đối với cộng đồng, người phụ nữ luôn mơ ước được khẳng định trình độ, năng lực trong công việc, ngành nghề họ làm. Đây là những ước mơ song hành, đan xen với nhau đối với phụ nữ hiện đại ngày nay.

Từ khi còn là học sinh phổ thông trung học, chị Trần Thị Huệ, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP công nghệ DES, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) đã đam mê nghề kinh doanh. Năm 2019, chị Huệ được tiếp cận với nền tảng công nghệ tích hợp All in one. Nắm bắt với xu thế cuộc cách mạng 4.0 và tình hình đại dịch Covid-19 lúc bấy giờ, chị bắt tay hợp tác với nhà sản xuất công nghệ AZIBAI và nhà Phát triển công nghệ Kiến trúc sư Việt Nam xây dựng doanh nghiệp số tiên phong tại Tuyên Quang; sở hữu ứng dụng nền tảng mang tên VIETCONNECT tích hợp mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, chát ott, trình duyệt tìm kiếm và các tính năng quản lý thống kê giúp cộng đồng người dân Tuyên Quang nói riêng và cả nước nói chung có một môi trường tương tác, trao đổi, giao thương hàng hoá, tiếp cận nhà phân phối đại lý trên toàn quốc. Qua hơn một năm hoạt động, công ty đã hỗ trợ cung cấp cho 30 doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân trong tỉnh sở hữu công cụ website thông minh giúp doanh nghiệp vận hành đồng bộ và đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng trên cả nước. Mặc dù khá thành công trong công việc của mình nhưng trong gia đình, chị Huệ luôn là người vợ, người mẹ biết lắng nghe, chia sẻ với chồng, con. Chị Trần Thị Huệ chia sẻ: “Phụ nữ hãy luôn trân trọng những gì đang có, hoàn thiện bản thân thông qua việc học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng để trở thành tấm gương và người đồng hành truyền cảm hứng cho các con, với phương châm gia đình, sự nghiệp luôn song hành. Đó chính là người phụ nữ thành công và hạnh phúc”.

Chị Trần Thị Huệ (thứ 4 từ trái sang), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP công nghệ DES, 
phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) bên gia đình.

Chị Phan Thị Thủy Cúc, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 9, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) là tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Vừa là hậu phương vững chắc cho chồng, con, chị Cúc vừa tích cực tham gia công tác xã hội. Không chỉ làm kinh tế giỏi từ trồng rừng, dịch vụ in ấn, photocopy để gia đình có thu nhập khá giả, nhiều năm qua, chị Cúc được chị em phụ nữ tín nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội LHPN xã bởi sự tâm huyết và năng lực của mình. Chị Cúc cho rằng: “Bản thân mình may mắn sinh ra được là một người phụ nữ. Làm phụ nữ mình chỉ mong ước gia đình mình luôn vui vẻ, ở bên nhau khi vui, khi buồn, khó khăn, hoạn nạn. Mình cũng mơ ước làm những điều có ích cho chị em phụ nữ và cho cộng đồng”.

Là phái yếu nhưng với đức tính trung hậu, đảm đang, biết hy sinh đã cho người phụ nữ có sức mạnh để họ làm được nhiều điều phi thường. Họ trở thành niềm tự hào của con cái, gia đình và cộng đồng và chính là điều cốt lõi, tuyệt vời nhất làm nên những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống của mỗi người.

Phóng sự: Thuỷ Châu

Tin cùng chuyên mục