Một nắng hai sương
Ngồi bên trang trại cá tiến vua với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, nhâm nhi chén chè Shan tuyết thơm lừng nhưng đôi lúc chị Hoàng Thị Thơm, dân tộc Tày ở thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) vẫn thấy cay cay khóe mắt khi nhớ về quãng thời gian đầy khó khăn trước đây. Gần chục năm trước, gia đình chị bắt tay vào nuôi cá dầm xanh và anh vũ. Mấy lần chị cùng chồng lặn lội lên Hà Giang mua cá giống thả xuống ao lại gặp lúc thời tiết không thuận, lũ về khiến bao tài sản trôi theo dòng nước.
Chị Hoàng Thị Thơm cùng chồng bên ao nuôi cá tiến vua.
Bao năm ròng rã lấy sức người chạy đua với “sức trời”, vợ chồng chị Thơm tạo nên những ao nhỏ với hệ thống nước chảy ra vào quanh năm và hệ thống cống chống lũ. Cũng từng ấy năm cái khó, cái nghèo vẫn cứ đeo bám khi vừa phải nuôi các con ăn học lại phải lo phát triển kinh tế. Để “lấy ngắn nuôi dài” chị Thơm nuôi thêm cá rô phi, cá trắm cỏ, nuôi lợn đen…để có tiền trang trải và đầu tư cho những ao cá tiến vua 3,4 năm sau mới cho thu hoạch. Mấy năm gần đây, từ ngày có cá tiến vua bán thu nhập của gia đình đã tăng lên đáng kể, cuộc sống gia đình chị sang một trang mới khi xây được nhà, nuôi các con ăn học đầy đủ. Chị Thơm bảo, 2 giống cá tiến vua này ruột chỉ nhỉnh hơn cái tăm, rất ít xương răm, thịt thơm và ngọt khó tả, giá trị kinh tế rất cao. Nhưng để nuôi được loại cá này thì vất vả vô cùng, suốt ngày cứ phải bì bõm dưới ao như thân cò. Bởi nước nóng quá là cá chết mà bẩn quá cá cũng không phát triển được. Bản thân chị là phụ nữ nhưng chuyện dầm mình hàng giờ dưới nước hay phơi nắng đi thăm ao là chuyện nhỏ…
Câu chuyện vượt khó, vươn lên làm giàu của gia đình chị Thơm khiến cả xã Thượng Lâm ai nấy đều nể phục, bởi có có được thành quả hôm nay là cả một quá trình lao động “đổ mồ hôi, rơi nước mắt” mới có được. Đồng chí Quan Văn Sách, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm cho biết, mô hình phát triển kinh tế nuôi cá của gia đình chị Thơm ở lưng đèo Ái Au chính là tiêu biểu đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp giúp gia đình chị Hoàng Thị Thuần ở thôn Bản Nuầy, xã Năng Khả (Na Hang)
vươn lên thoát nghèo.
Để cái nghèo chỉ còn trong tiềm thức
Chị Hoàng Thị Thuần ở thôn Bản Nuầy, xã Năng Khả (Na Hang) được nhiều người quý mến bởi tính cần cù, chịu khó. Gia đình chị Thuần là hộ di dân tái định cư công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang. Cuộc sống ở quê mới ban đầu rất khó khăn vì chưa biết xoay nghề gì để sống. Thế nhưng được sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, được Nhà nước hỗ trợ vay vốn, gia đình chị đã phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp. Chị Thuần chọn nấu rượu ngô, mà để nấu rượu ngô ngon thì phải thử mới biết rượu ngon. Bản thân chị Thuần có những lúc thử rượu bị chóng mặt, quay cuồng là chuyện thường. Nhờ vậy, những mẻ rượu ngô men lá càng về sau càng ngon, có nhiều người đặt mua.
Không chỉ nấu rượu, nuôi lợn thịt, gia đình chị Thuần còn nuôi gà đẻ, gà thịt…mỗi thứ một ít đã giúp gia đình chị tăng thu nhập. Đến nay, gia đình chị đã trả hết nợ ngân hàng và có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Chị Thuần bảo, mình là phụ nữ nhưng không việc gì là không làm được chỉ cần chịu khó học hỏi và thay đổi tư duy thì cái nghèo chỉ còn trong tiềm thức mà thôi…
Nhờ chịu khó trồng trọt, chăn nuôi, chị Nguyễn Thị Lương ở thôn Tháng 10, xã Yên Lâm (Hàm Yên)
đã xây được ngôi nhà khang trang.
Nhìn ngôi nhà khang trang của gia đình chị Nguyễn Thị Lương ở thôn Tháng 10, xã Yên Lâm (Hàm Yên) không ai nghĩ trước đây chị Lương có cuộc sống cơ cực. Chồng mất sớm, một mình chị tần tảo nuôi con, vất vả là thế nhưng chưa bao giờ chị có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Chị hết “đổ cày sang bừa” từ chăn nuôi lợn đen, trồng cam, đi làm thuê… chắt chiu từng đồng nuôi con ăn học. Dáng người gầy guộc, da rám nắng…nhưng trong đôi mắt chị lúc nào cũng ánh lên niềm lạc quan, hy vọng. Mấy năm trước, chị đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, coi đó là động lực để vươn lên. Chị Lương bảo, trước đây là hộ nghèo nhưng gia đình đã được Nhà nước tạo điều kiện vốn vay ưu đãi, được bà con trong thôn giúp đỡ rất nhiều nhưng bản thân chị luôn xác định phải nỗ lực vươn lên. Mình nghèo về tiền bạc nhưng nhất định không nghèo về ý chí được...
Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều hội viên phụ nữ nhờ tinh thần nỗ lực vươn lên đã đạt được những thành quả xứng đáng, thi đua thoát nghèo, làm giàu. Các chị như những bông hoa đẹp tô thắm cho khu vườn “nghìn việc tốt” trong vườn hoa muôn sắc xứ Tuyên.
Gửi phản hồi
In bài viết