Chị Phạm Thị Hồng giới thiệu sản phẩm Trà túi lọc |
Cơ duyên
Chị Hồng sinh năm 1982, tốt nghiệp cử nhân Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Văn Hiến (TP Hồ Chí Minh). Sau khi lập gia đình và bôn ba nhiều nơi, năm 2012, chị trở về mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn lập nghiệp. Thời điểm này, Tri Phú nổi tiếng với sản phẩm chuối tây, nhưng gần như chỉ xuất bán thô mà chưa mấy người quan tâm đến chế biến. Chị Hồng quyết định xây dựng lò sấy, và thành công với sản phẩm chuối sấy dẻo Kim Bình. Tháng 5-2020, chị tiếp tục sản xuất thành công sản phẩm “Trà túi lọc đậu đen xanh lòng”.
Chị nhớ như in những ngày đầu tháng 12 năm 2019, sương giăng đầy dãy núi, buổi sáng người đi làm còn phải vén từng lớp sương mới nhìn thấy người phía trước, càng trưa sương tan dần nhưng cái lạnh càng thấm sâu vào da thịt. Trên đường đi làm về, thấy bà cụ trong trang phục dân tộc Dao, khoảng ngoài 70 tuổi ngồi bên vệ đường xin đi nhờ xe. Trời lạnh hai bàn tay bà cố ủ vào vạt áo len đã cũ, đôi chân không tất đi đôi dép tổ ong xạm màu khiến chị không khỏi xót xa... Bà ở thôn Bản Cham, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) ra thăm con gái lấy chồng ở thôn Bản Sao, chẳng biết lấy gì làm quà, sẵn có một ít hạt đỗ đen xanh lòng vừa thu hoạch vụ đông nên tiện mang cho con gái để nấu chè cho các cháu. Bà bảo, mấy năm nay cả thôn có phong trào làm vụ đông, ngoài trồng ngô lấy hạt thì nhà bà và nhiều hộ trong thôn còn trồng cây đỗ đen xanh lòng. Năm nay cây đỗ đen được mùa, nhà nào cũng có vài yến đến 1 tạ, để ăn thì chẳng hết, muốn bán mà chả có người mua, Tết nhất sắp đến nơi rồi năm nay cũng không biết lấy tiền đâu ra mà sắm Tết.
Hôm sau chị Hồng về tận thôn Bản Cham để tìm hiểu và mua một ít đậu đen về ăn. Nỗi niềm của bà cụ và người dân trong thôn cứ quẩn quanh trong đầu. Thấy đậu đen có nhiều công dụng rất tốt cho sức khỏe, ai cũng dùng được, mà người nông dân lại đang gặp khó đầu ra nên ý định nghiên cứu sản xuất trà đậu đen sinh ra từ đấy.
Những ngày đầu thực hiện ý tưởng làm trà đậu đen của chị Hồng đầy gian nan. Bởi việc sản xuất trà đậu đen xanh lòng không có một công thức chuẩn nào cả. Chị nhiều đêm thức trắng, dày công nghiên cứu tài liệu, thử nghiệm tỷ lệ, căn thời gian rang, sấy nhưng sản phẩm làm ra khi thì bị đắng, khi thì hơi chát, khi lại thiếu hương… Một lần tình cờ chị được một thành viên trong nhóm OCOP là bác sỹ đông y tỉnh Lai Châu chỉ cho chị biết người ta dùng đậu đen xanh lòng để bào chế hà thủ ô. Từ đó, chị tìm tòi, nghiên cứu ngược lại là dùng hà thủ ô để bào chế trà đậu đen. Cái khó chị gặp phải lúc này là dù chị tìm kiếm trên Google cả nghìn lần thì cũng không có bất kỳ hướng dẫn nào giúp chị bào chế trà đậu đen. Thị trường cũng chưa có ai làm để học hỏi kinh nghiệm. Nhiều đêm đang ngủ chị chợt tỉnh giấc và nảy ra ý tưởng bào chế là vùng dậy làm ngay như một người mộng du.
Sau nửa năm “thai nghén”, những gói trà túi lọc đậu đen xanh lòng đầu tiên “chào đời”. Những hạt đậu được lựa chọn kỹ càng trước khi đưa vào rang với kỹ thuật đặc biệt giúp chín hết nhân xanh, không cháy vỏ nên sản phẩm giữ được tối đa các thành phần dinh dưỡng, phát huy tác dụng tốt cho sức khỏe, có vị thanh, ngọt nhẹ, dễ uống. Chị Hồng chia sẻ, vẫn giữ cách thưởng thức ly trà bình dị và truyền thống nhưng trà túi lọc đậu đen xanh lòng áp dụng kỹ thuật rang chuẩn hóa, được giám sát chặt chẽ nên khắc phục được nhược điểm của phương pháp rang thủ công (dễ bị cháy, chín không đều), còn hà thủ ô được lựa chọn từ nguyên liệu tươi để bào chế theo đông y cùng với kỹ thuật, tỷ lệ được chuẩn hóa. Quy trình sản xuất khắt khe với 11 công đoạn tạo nên sản phẩm có mùi hương thơm đậm của đậu đen và vị ngọt thanh mát tự nhiên, giúp thanh lọc, giải độc cơ thể; cung cấp dinh dưỡng như protein tự nhiên, chất béo tự nhiên, giúp ngăn ngừa cũng như tăng cường sức đề kháng.
Vùng nguyên liệu trà đậu đen xanh lòng tại xã Tri Phú (Chiêm Hóa).
Đi con đường khác lạ
Câu chuyện khởi nghiệp của chị Hồng tưởng như xuôi chèo mát mái, nhưng không hề đơn giản. Việc sản xuất sản phẩm trà đậu đen xanh lòng được bào chế cùng hà thủ ô theo phương pháp rang say thì chị là người tiên phong trong cả nước.
Thị trường không nhiều người biết đến, khi giới thiệu tới khách hàng đều không tưởng tượng được hương vị của trà, việc tiêu thụ cũng vì thế mà gặp khó. Trong dịp Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Tri Phú lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025, dưới cái nóng của mùa hè chị có giới thiệu sản phẩm trà đậu đen xanh lòng cho các đại biểu trong giờ giải lao, ai uống cũng tấm tắc khen ngon. Một đồn mười, mười đồn trăm, hiện nay ngoài lượng khách hàng là các cơ quan, doanh nghiệp và khách hàng là đại lý quen, trà túi lọc đậu đen xanh lòng đã có một lượng khách lẻ ổn định.
Để có đủ nguyên liệu sản xuất, chị đã đồng hành cùng người nông dân, thực hiện chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chuẩn hóa quy trình, kỹ thuật canh tác, bón phân, giống… theo hướng hữu cơ để chủ động kiểm soát chất lượng và ổn định nguồn nguyên liệu. Trong năm 2021 chị đã liên kết với nông dân Tri Phú và một số xã quanh vùng phát triển gần 17 ha đậu đen, năng suất đạt 1,2 tấn/ha.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, chị tăng cường hợp tác, kết nối, tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, trao đổi kinh nghiệm từ các đơn vị trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tiến nhanh hơn. Các công đoạn kiểm tra chất lượng, phân tích dinh dưỡng, thành phần trong sản phẩm đều được các đơn vị chuyên môn đánh giá cao về kết quả có trong sản phẩm. Vừa qua, chị được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ giống, phân bón, chuyển giao khoa học kỹ thuật thực hiện mô hình 6 ha trồng đậu đen xanh lòng theo hướng dẫn đảm bảo an toàn để chế biến thành sản phẩm OCOP trà túi lọc đậu đen xanh lòng tại xã Tri Phú.
Vừa rồi, sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2015, đang tham gia phân hạng OCOP 2021, có tem truy xuất nguồn gốc. Được tỉnh lựa chọn là sản phẩm đặc sản dùng biếu, tặng, giới thiệu trong dịp Lễ kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh (4/11/1831 - 4/11/2021).
Sau hơn 1 năm tạo dựng thương hiệu, sản phẩm từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước từ Bắc vào Nam, sản lượng tiêu thụ đạt 2.500 - 3.000 hộp/tháng, doanh thu đạt hơn 2 tỷ đồng/năm. Nói về những dự định trong tương lai, chị Hồng cho biết, chị đang nỗ lực đưa sản phẩm chè đậu đen xanh lòng thành sản phẩm “trà quốc dân”. Đồng thời, ngoài việc duy trì sản phẩm Chuối sấy dẻo Kim Bình, Trà túi lọc đậu đen xanh lòng, chị Hồng cũng tìm tòi và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm chế biến từ chính nông sản quê hương mình và được thị trường chấp nhận như mít sấy giòn, khoai sấy giòn... Qua đó nâng cao vị thế và khẳng định giá trị nông sản Tuyên Quang.
Gửi phản hồi
In bài viết