“Mặt trận mới”
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và ứng dụng kỹ thuật số, thương mại điện tử được đánh giá là đã có bước phát triển mạnh mẽ, theo kịp xu hướng kinh doanh hiện đại. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nhiều địa phương, thì việc tận dụng không gian mạng để kinh doanh hàng hóa phát triển mạnh hơn bao giờ hết.
Ông Hoàng Văn Hùng, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang cho biết, không gian mạng mở ra cơ hội kinh doanh, tiếp cận hàng hóa theo phương thức mới, hiện đại, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ bày bán, kinh doanh các sản phẩm giả, nhập lậu, hàng kém chất lượng. Qua tin báo và qua kiểm soát trực tiếp trên không gian mạng, lực lượng Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện nhiều vụ vi phạm. Một số vụ việc có số lượng hàng hóa vi phạm bị tịch thu tương đối lớn.
Lực lượng chức năng tiêu hủy các sản phẩm điện tử nhập lậu, giả nhãn hiệu.
Liên tiếp trong những tháng cuối năm, lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý nhiều vụ việc người kinh doanh sử dụng mạng xã hội livestream (phát sóng trực tiếp) bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ và giả nhãn hiệu. Tập trung là các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm.
Ngày 9-9, Đoàn liên ngành 389 đã tiến hành kiểm tra, bắt quả tang bà Nguyễn Thị H.T, chủ tài khoản “HT”, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) đang livestream quảng cáo hàng loạt các sản phẩm: kem, phấn, sữa dưỡng da có nguồn gốc từ nước ngoài, đảm bảo chất lượng, giá cả phải chăng và đã được một số người dùng trên mạng xã hội theo dõi, chốt đơn. Đoàn kiểm tra đã kiểm đếm số lượng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ gần 100 sản phẩm trị giá khoảng 10 triệu đồng, bà T. không cung cấp được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Trong ngày 27-10, tại xã Thái Hòa (Hàm Yên), lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra đột xuất cơ sở “N.M Boutique” của ông Nguyễn Thu Đ. và cơ sở kinh doanh thời trang H.L của bà Hoàng Thúy L. Tại thời điểm kiểm tra, 2 cơ sở này đang livestream bán hàng, nhận đơn từ người tiêu dùng sử dụng mạng xã hội. Qua kiểm tra, phát hiện có gần 1.300 sản phẩm quần áo, phụ kiện thời trang các loại là hàng hóa có dấu hiệu hàng nhập lậu, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp theo quy định và giả các nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel. Riêng tại cơ sở “N.M Boutique”, trung bình mỗi ngày cơ sở này chốt và giao vài chục đơn hàng đi khắp các tỉnh thành phố. Các dịp lễ, có thể chốt và giao đến hàng trăm đơn hàng, đơn vị chuyển phát nhanh phải dùng xe tải để nhận hàng. Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên cơ sở này bị phát hiện kinh doanh hàng nhập lậu trên mạng xã hội. Trước đó, tháng 6-2021, cơ sở này cũng đã bị xử phạt 16 triệu đồng vì kinh doanh các mặt hàng thời trang giả nhãn hiệu.
Thời điểm dịch bệnh, các mặt hàng bảo vệ sức khỏe cũng được nhiều người rao bán trên mạng xã hội. Đơn cử như vụ thu giữ gần 14 nghìn khẩu trang y tế được chủ tài khoản Đỗ Thị L. rao bán trên Facebook được lực lượng Quản lý thị trường thu giữ giữa tháng 9 - 2021. Toàn bộ số khẩu trang này bà L. không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng minh tính hợp pháp.
Theo Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang, không gian mạng giờ trở thành “mặt trận mới” đối với lực lượng quản lý thị trường. Hiện, đơn vị tập trung theo dõi, xử lý các cơ sở kinh doanh theo hình thức Livestream các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm. Đáng chú ý, theo Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang, trong số 30 vụ vi phạm kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm Sở hữu trí tuệ… được phát hiện, xử lý, đều từ “mặt trận mới” này.
Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nguyễn Đức Dân, hiện nay, công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ và các hành vi gian lận thương mại khác diễn ra hết sức khó khăn do các đối tượng chuyển từ hình thức kinh doanh truyền thống sang nền tảng Thương mại điện tử, mà phổ biến nhất là bán hàng qua mạng xã hội Facebook, Zalo. Các đối tượng livestream một nơi nhưng kho hàng lại nơi khác (thường là nơi xa xôi, hẻo lánh, hoặc thuê tạm các phòng trọ vừa ở vừa chứa hàng…) gây rất nhiều khó khăn cho công tác nắm bắt thông tin, xác minh, kiểm tra và xử lý. Nhiều vụ việc, lực lượng Quản lý thị trường phải phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi nhiều ngày và chỉ bắt quả tang khi kiểm tra đột xuất hoặc khi có nhân viên từ bên giao nhận hàng xuất hiện, để có thể thu được tang vật.
Mỹ phẩm là mặt hàng dễ bị làm giả, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Để hàng giả không còn “đất sống”
Ông Hoàng Văn Hùng, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang cho biết, để hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu không có “đất sống”, lực lượng chức năng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, bước đầu thu được hiệu quả.
Một trong những giải pháp tiên quyết chính là nguồn thông tin từ cơ sở. Theo ông Dân, nhiều vụ việc được lực lượng chức năng phát hiện, chính là từ những thông tin phản ánh từ người dân. Qua kiểm tra, xác minh, đa phần thông tin là chính xác, từ những vụ việc nhỏ đến những vụ việc lớn.
Đơn cử như ngày 24-11-2021, nhận được phản ánh của quần chúng nhân dân và qua xác minh thông tin, Đội Quản lý thị trường số 1 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Tuyên Quang kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm của ông Nguyễn Văn T, địa chỉ tại thôn 4, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang). Tại thời điểm kiểm tra Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang bày bán các sản phẩm bánh kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ bao gồm 72 gói bánh quế Wonlic, 17 vỉ kẹo vỉ soda sugar, 20 hộp bánh cá cay, 7 hộp bánh bít tết DAKOUCHISUROU, 06 dây kẹo nổ jumping. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 triệu đồng đối với chủ cơ sở kinh doanh và buộc tiêu hủy tại chỗ toàn bộ số tang vật vi phạm trên, dưới sự giám sát của lực lượng chức năng.
Kiểm soát ngay khi đang trên đường lưu thông cũng là một giải pháp ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng len lỏi vào thị trường. Vụ việc ngày 30-9-2021 là một minh chứng cho việc kiểm tra, kiểm soát kịp thời. Khi Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra xe tải mang biển kiểm soát số 23H - 00425 di chuyển từ Hà Giang về Tuyên Quang do ông Nguyễn Thế Đ. có địa chỉ tại xã Phố Cáo, Đồng Văn (Hà Giang) điều khiển. Tại thời điểm kiểm tra, trên xe chở hàng hóa là đồ điện gia dụng, giày dép, đồ nhựa và các loại bánh kẹo với hơn 500 sản phẩm (21 nồi cơm điện do Trung Quốc sản xuất, 360 đôi dép nhựa, 72 kg thạch que, 6 hộp kẹo YEY chocotoy, 100 cái kẹo còi, đồng hồ, 10 gói kẹo weisier). Toàn bộ số hàng hóa trên đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, chủ phương tiện không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Hết tháng 11 năm 2021, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra gần 559 cơ sở, phát hiện xử lý 310 vụ vi phạm, phạt vi phạm hành chính và trị giá hàng hóa, tang vật vi phạm gần 4,5 tỷ đồng, thu nộp ngân sách nhà nước 3,2 tỷ đồng; trị giá hàng xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ, không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị buộc tiêu hủy gần 1,3 tỷ đồng.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đối với các vi phạm trên không gian mạng, đơn vị tập trung nâng cao trình độ năng lực chuyên môn của các cán bộ quản lý thị trường, trong đó, đẩy mạnh đào tạo và phát triển năng lực cán bộ quản lý thị trường trong lĩnh vực thương mại điện tử, thường xuyên bắt kịp các ứng dụng công nghệ thông tin mới phát sinh, có khả năng thu thập thông tin, xác định vi phạm trong các trang, ứng dụng thương mại điện tử.
Ngoài ra, lực lượng Quản lý thị trường cũng sẽ đổi mới, xây dựng cơ sở sản xuất dữ liệu, hệ thống chứng từ điện tử để giúp giám sát, kiểm tra thị trường hiệu quả hơn. Tăng cường công tác tổ chức tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng về các quy định của pháp luật đối với hoạt động thương mại điện tử để người mua hiểu được quyền, lợi ích của mình và nâng cao trách nhiệm của cơ sở kinh doanh; Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng: Công an, hải quan, biên phòng, thuế… để làm tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, vi phạm Sở hữu trí tuệ trên thương mại điện tử nói riêng và thị trường nói chung.
Ngày 15-12, lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan liên quan ra quân đợt cao điểm truy quét hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Tuy nhiên, để lành mạnh thị trường, không phải chỉ cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hoàng Văn Hùng, thì doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng cần chung tay vào cuộc chiến này. Các doanh nghiệp, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cần tổ chức tốt kênh phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu, cụm công nghiệp. Bản thân doanh nghiệp phải nhận thức rõ nghĩa vụ của mình trong việc chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, chủ động khiếu nại khi bị xâm phạm quyền sở hữu về công nghiệp, nhãn hiệu.
Đối với mỗi người tiêu dùng, cần yêu cầu người bán cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, kiểm tra trước khi nhận hàng và thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu thông trên thị trường có dấu hiệu hàng giả, hàng nhái, không đảm bảo chất lượng, gây tổn hại đến sức khỏe, tài sản của mình.
Gửi phản hồi
In bài viết