Lan tỏa thương hiệu Việt

- Hơn 10 năm kể từ khi Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai, đã đem lại hiệu quả tích cực, tạo sức lan tỏa lớn cho hàng Việt. Nhiều hàng hóa của Việt Nam, trong đó có sản phẩm được sản xuất tại tỉnh ta đã chinh phục được người tiêu dùng. Qua đó, góp phần tôn vinh các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao, tạo động lực thúc đẩy sản xuất phát triển.

Tạo sức lan tỏa trong tình hình mới

Ngày 19-5-2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Chỉ thị số 03-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Thực hiện Chỉ thị ngày 30-8, Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 231-QĐ/TU về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trước đó, Ban Chỉ đạo đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện cuộc vận động trong tình hình mới, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi nhanh nền kinh tế do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Để cuộc vận động đi vào chiều sâu, tạo sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, địa phương và có sức lan tỏa mạnh mẽ đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thành viên từ tỉnh đến huyện trong việc triển khai cuộc vận động; phát huy vai trò của các doanh nghiệp trong hưởng ứng cuộc vận động. Trên cơ sở đó, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người dân thông qua việc giới thiệu, tiêu dùng hàng hóa, sản phẩm dịch vụ thương hiệu Việt, thương hiệu tỉnh Tuyên Quang có chất lượng.

Ông Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho rằng, sự quan tâm và chỉ đạo, sáng tạo trong triển khai, cuộc vận động đã và đang tạo sức lan tỏa lớn, làm thay đổi tư duy tiêu dùng của người dân. Số liệu thống kê của Sở Công thương - thành viên Ban Chỉ đạo, hàng Việt  Nam (bao gồm cả sản phẩm của tỉnh) chiếm tỷ lệ rất cao trên thị trường tỉnh, khoảng 80%-90% tại các kênh phân phối hiện đại và từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống.

Hàng Việt Nam chất lượng cao được bày bán tại Siêu thị Tuyên Quang.

Ông Nguyễn Thế Tuyên, Phó Giám đốc Siêu thị Tuyên Quang cho biết, xu hướng người Việt dùng hàng Việt đang tăng lên nhanh chóng. Nếu như nhiều năm trước tỷ lệ hàng Việt được bày bán tại siêu thị chiếm khoảng 60-70%, thời gian gần đây tỷ lệ này đã tăng lên 85-90%. Trong đó có nhiều sản phẩm được sản xuất ngay tại tỉnh như chè, mật ong, rau, củ, quả... Ông Tuyên cho rằng nhu cầu tiêu dùng hàng Việt tăng mạnh và giữ ổn định giúp siêu thị chủ động trong điều tiết kế hoạch kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ hàng hóa như hiện nay.

Bà Nguyễn Thị An Toàn, Quản lý kho giao, nhận Siêu thị Vincom Tuyên Quang cũng khẳng định, lượng hàng Việt Nam bày bán tại hệ thống của siêu thị luôn chiếm trên 95%, đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay.

Ông Vũ Thanh Bình, chủ đại lý Thanh Bình, thị trấn Yên Sơn chia sẻ, cửa hàng của gia đình chỉ bán các sản phẩm hàng hóa trong nước sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm có nhãn hiệu, thương hiệu Việt Nam. Năm 2017, gia đình ông được Sở Công Thương tạo điều kiện, hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, đã tạo được ấn tượng rất tốt với người dân.

Khẳng định của ngành Công thương, ngoài các kênh phân phối hiện đại, thị trường bán lẻ truyền thống, hàng năm các chương trình bán hàng bình ổn giá, các chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn; các phiên chợ hàng Việt cũng đã tạo hiệu ứng tích cực với người tiêu dùng ở cả thành thị và nông thôn. Người Việt Nam tin, dùng hàng Việt Nam.

Mở rộng thị trường tiêu dùng hàng Tuyên Quang

Với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, sản phẩm đa dạng, chất lượng. Thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, toàn tỉnh đã có 79 sản phẩm được đánh giá, phân hạng gắn sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ngoài ra còn trăm sản phẩm tiềm năng khác. Dự tính hết năm 2021, sẽ có thêm ít nhất 30 sản phẩm được công nhận và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Đây là những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng.

Cửa hàng giới thiệu và bày bán sản phẩm OCOP Tâm Hương, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang).

Quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sản xuất tại tỉnh, ngày 2-9 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương đã ký kết chương trình phối hợp phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Theo đồng chí Hoàng Anh Cương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương, Sở tích cực, chủ động tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ khu vực, toàn quốc nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm Tuyên Quang đến rộng rãi người tiêu dùng trong cả nước. Thống kê của ngành, 79 sản phẩm đã được gắn sao OCOP đã có mặt ở khắp các thị trường trong nước, nhiều sản phẩm như: Cam sành, chè, mật ong... đã được người tiêu dùng bình chọn là thương hiệu vàng. Ngay trong tỉnh, Cuộc vận động “Người Tuyên Quang ưu tiên sử dụng nông sản Tuyên Quang” cũng được triển khai. Ngành cũng hỗ trợ, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thành lập các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Hiện đã có 2 điểm bán hàng OCOP được hỗ trợ thành lập với 3 cửa hàng.

Anh Nguyễn Đình Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương, chủ cửa hàng Tâm Hương cho biết, với sự hỗ trợ của ngành Công thương, HTX đã phát triển được 2 cửa hàng ký kết hợp đồng bền vững với 6 HTX sản xuất, cung ứng nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3-4 sao. Giám đốc Nguyễn Đình Tâm tự tin khẳng định, cửa hàng giờ là điểm đến của nhà sản xuất và của người tiêu dùng hàng nông sản chất lượng của tỉnh.

Nâng cao sức tiêu thụ cho các sản phẩm sản xuất tại tỉnh, trong đó có sản phẩm OCOP, trong giai đoạn 2021-2025, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tham mưu, phối hợp hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trong đó, năm 2022, xây dựng mỗi huyện một điểm, thành phố Tuyên Quang 3 điểm và 1 điểm tại thành phố Hà Nội. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn, nhằm cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân.

Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục