“Cuộc chiến” mới
Chiến tranh chống Mỹ cứu nước kết thúc, năm 1976 ông phục viên về quê, mang trong mình những di chứng của chiến tranh. Vết thương từ những trận đánh năm nào vẫn còn đau ê ẩm mỗi khi “trái nắng trở trời”. Rồi ông lập gia đình, ra ở riêng với 2 bàn tay trắng, ông còn ít “lực tàn” khai khẩn đất đai làm ăn.
Người dân xã Yên lâm hết sức ngỡ ngàng trước sức lao động của thương binh Nguyễn Văn Vương khi thấy ông phát hết những mảnh đồi này, sang vạt đồi kia. Ông Vương bảo, có những trận ốm “thập tử nhất sinh”, ông lại nhớ đến lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, gượng dậy tiếp tục “chiến đấu” vì sự khôn lớn, trưởng thành của các con. Ông làm đủ việc, từ trồng cây ăn quả, làm đậu phụ, nấu rượu, nuôi lợn... Ông thường phải dậy từ 3 giờ sáng cùng vợ làm đậu phụ mang ra chợ bán, mùa đông thì vất lắm, cái lạnh thấu vào những vết thương khiến ông tê buốt. Nhưng ông vẫn gắng sức làm, bởi, chỉ có làm việc người ta mới quên đi bệnh tật, sống có nghĩa hơn. Bà Nguyễn Thị Bình, vợ ông Vương bảo, trời rét khiến ông ấy đau lắm nhưng không bao giờ kêu ca gì cả, luôn tươi cười với vợ con.
Thương binh Nguyễn Văn Vương xây được nhà khang trang nhờ quá trình nỗ lực lao động.
Từ những đồng tiền lẻ vợ chồng ông Vương chắt chiu nuôi các con ăn học; rồi đầu tư trồng cam sành, chanh tứ mùa, phát triển mô hình chăn nuôi quy củ trên diện tích hơn 2.000m2 khai hoang. Nhờ đó, gia đình ông Vương dần có thu nhập ổn định, vươn lên trở thành hộ khá.
Quả ngọt
Ông Vương cười hỉ hả bảo, mình là người “cũ” nên sinh nhiều con, vất vả lắm. Bù lại, 6 người con của ông đều chăm chỉ học hành, ngoan ngoãn, trong đó có 5 người học đại học, người Yên Lâm nể phục lắm. Đồng chí Vũ Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm cho biết, gia đình ông Vương là tấm gương sáng về công tác khuyến học, khuyến tài, nuôi con cái học hành thành đạt. Có thể nói, ông Vương là người đảng viên, người thương binh luôn nỗ lực hết mình xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần làm giàu cho quê hương.
Hiện nay, với trên 500 gốc cây ăn quả các loại như cam sành, chanh tứ mùa… đã đem lại thu nhập hơn 150 triệu mỗi năm cho gia đình ông Vương. Năm 2017, gia đình ông đã xây được ngôi nhà khang trang trị giá hơn 500 triệu đồng. Các con ông học xong đều được các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp nhận vào làm với mức thu nhập ổn định.
Ông Vương chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.
Luôn nỗ lực hết mình trong cuộc sống và có nhiều đóng góp đối với công tác Hội Cựu chiến binh, ông Vương đã được các cấp, các ngành ghi nhận. Ông từng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích trong phong trào Cựu chiến binh gương mẫu tỉnh Tuyên Quang. Ông còn được bà con bầu là người có uy tín trong cộng đồng. Ông Vương phấn khởi nói, ông rất vui vì có được “quả ngọt” như ngày hôm nay. Để có được điều đó, ngoài sự nỗ lực của bản thân là sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh như ông được triển khai kịp thời, đầy đủ.
Có điều kiện về kinh tế, ông Vương thường xuyên tổ chức các chuyến đi gặp đồng đội năm xưa để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm chiến trường và chia sẻ hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, góp phần bồi đắp truyền thống vẻ vang của bộ đội Cụ Hồ.
Gửi phản hồi
In bài viết