Giải bài toán thiếu giáo viên và cơ sở vật chất

- Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục và Đào tạo vừa phải triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 vừa tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2000 ở cùng một cấp học trong điều kiện thiếu thốn về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Đây thực sự là một thách thức lớn. Song với quyết tâm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của năm học, ngành Giáo dục và Đào tạo trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để cân đối, sắp xếp giáo viên và trang cấp cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Linh hoạt để cân đối giáo viên

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục được giao 11.966 người làm việc và 1.475 chỉ tiêu hợp đồng lao động cấp mầm non theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg và 38 chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Quyết định số 68/2000/NĐ-CP. Như vậy, hiện nay tổng số người làm việc hiện có là 12.932 người bao gồm cả số lao động hợp đồng. Số lượng người làm việc còn thiếu so với nhu cầu toàn tỉnh là 2.690 người, trong đó, cán bộ quản lý là 124 người, giáo viên là 1.844 người, nhân viên là 722 người.

Đội ngũ giáo viên trường THCS Khuôn Hà, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) đến nay đã đáp ứng đủ về số lượng để dạy học.

Tình trạng thiếu giáo viên dẫn tới định mức giáo viên của các cấp học được giao đều thấp hơn định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở cấp tiểu học thấp nên việc thực hiện học 2 buổi/ngày rất khó khăn. Nguồn tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh và Tin học thiếu.

Ngay sau khi kết thúc năm học 2021 - 2022 và trong dịp nghỉ hè, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục - Đào tạo các huyện, thành phố đã chỉ đạo các trường học rà soát, thống kê, báo cáo số lượng cán bộ, giáo viên và nhân viên còn thiếu trong năm học mới để có phương án bố trí, sắp xếp. Ngành Giáo dục đã thực hiện dồn ghép, sắp xếp trường, điểm trường, lớp học để tiết kiệm biên chế giáo viên dạy học 2 buổi/ngày. Đồng thời khuyến khích phát triển giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập để giảm tải cho các cơ sở giáo dục công lập. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 50 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố đã tham mưu với UBND các huyện, thành phố giao chỉ tiêu hợp đồng làm việc để đảm bảo đủ số lượng người làm việc theo yêu cầu. Ngành Giáo dục cũng đã thực hiện việc điều chuyển, phân công giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu. Đến nay, toàn tỉnh đã sắp xếp giảm được 11 trường công lập do sáp nhập các trường tiểu học, THCS và 73/123 điểm trường lẻ; giảm được 11 lãnh đạo, 11 nhân viên, 121 giáo viên. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 4 trường Phổ thông Dân tộc nội trú liên cấp THCS - THPT trên cơ sở các trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS tại huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên và thực hiện chuyển đổi 8/12 trường phổ thông thành trường Phổ thông dân tộc bán trú.

Với việc sáp nhập, dồn ghép, sắp xếp lại trường, lớp học đã góp phần tiết kiệm được chỉ tiêu biên chế, lấy vị trí cho giáo viên tham gia giảng dạy. Bên cạnh đó, đối với các trường phổ thông thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới do thiếu giáo viên Tin học, ngoại ngữ, UBND các huyện phân công giáo viên Tin học, Tiếng Anh trong biên chế của một trường trong xã dạy cả 2 trường tiểu học và THCS trên địa bàn cùng một xã hoặc xã lân cận.

Đồng chí Trần Hồng Lương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Tuyên Quang cho biết, năm học 2022 - 2023, thành phố còn thiếu 298 người làm việc so với chỉ tiêu được giao. Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thành phố đã thực hiện dồn ghép 4 điểm trường. Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND thành phố trình Thường trực Thành ủy điều chỉnh số lượng người làm việc giữa các đơn vị trường học đảm bảo cân đối theo các môn học phù hợp với tỷ lệ chung của toàn thành phố, trong đó ưu tiên bổ sung biên chế cho các trường học tăng lớp như trường Tiểu học Trường Thành, Tiểu học Phú Lâm và THCS Hưng Thành.

Huyện Lâm Bình từ rất sớm đã rà soát số lượng người làm việc còn thiếu để có phương án bố trí, sắp xếp phù hợp. Đồng chí Khổng Văn Vinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lâm Bình cho biết, Phòng đã tham mưu với UBND huyện giao chỉ tiêu hợp đồng với số lượng 47 người về cho các trường học còn thiếu. Trước năm học, qua rà soát toàn huyện thiếu 8 giáo viên dạy Tin học và Tiếng Anh ở cấp tiểu học. UBND huyện đã thực hiện phương án phân công giáo viên dạy Tiếng Anh ở các trường THCS dạy cả 2 trường tiểu học và THCS, đồng thời phân công những giáo viên trong trường am hiểu và có trình độ về Tin học để giảng dạy Tin học đối với lớp 3. Với phương án này, đến nay, Lâm Bình cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên và chủ động được dạy và học Tin học, Tiếng Anh cho học sinh lớp 3.

Từ công tác xã hội hóa, trường Tiểu học Phúc Ứng, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) đã trang cấp đủ máy vi tính, phòng thực hành Tin học cho học sinh lớp 3.

Xã hội hóa về cơ sở vật chất

Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 7.523 phòng học thông thường, trong đó kiên cố chiếm 66,6%, tăng 3% so với năm học trước, 325 phòng mượn và tạm, chiếm 4,3%, giảm 1%; 2.188 phòng bán kiên cố, chiếm 29,1%, giảm 1% so với năm học trước. Phòng học giáo dục thể chất, nghệ thuật, bộ môn, đa năng có 799 phòng. Thiết bị dạy học phục vụ chương trình thay sách lớp 1, 2 và lớp 6 đã được trang cấp về cơ bản đáp ứng yêu cầu. Thiết bị dạy và học lớp 3, 7, 10 đã được UBND tỉnh giao kinh phí mua sắm. Đối với cấp tiểu học, các phòng thực hành tin học còn thiếu, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tận dụng các phòng học còn thừa, không sử dụng đến và huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư sửa chữa, đáp ứng kịp thời yêu cầu dạy học tin học cho học sinh.

Huyện Sơn Dương là điểm sáng trong công tác chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất dạy và học trong năm học mới này. Đồng chí Trần Văn Bút, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Dương cho biết, đối với các trang thiết bị đồ dùng học tập còn thiếu, các trường tiếp tục trình mua sắm bổ sung và phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học, huy động xã hội hóa. Khối tiểu học và THCS còn thiếu 19 phòng máy vi tính và bàn ghế hiện nay đã được bố trí kinh phí trên 7,5 tỷ đồng để mua sắm. Sau khi được mua sắm sẽ đảm bảo 100% các trường tiểu học và THCS có phòng máy vi tính và có đủ bàn ghế để dạy và học. Bên cạnh đó, huyện đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư cho cơ sở vật chất các trường học. Ngay từ đầu năm học, UBND huyện đã huy động các tổ chức, doanh nghiệp tặng 4 phòng máy vi tính trị giá gần 1 tỷ đồng cho các trường thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đồng thời chỉ đạo các trường trang trí khuôn viên trường, lớp học, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện.

Đồng chí Hà Đình Vĩnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phúc Ứng (Sơn Dương) cho biết, tận dụng phòng thư viện nên ngay từ dịp hè, nhà trường đã xã hội hóa, vận động được trên 300 triệu đồng để sửa chữa phòng thư viện thành phòng thực hành tin học, đầu tư mua 20 bộ máy vi tính để phục vụ việc dạy và học Tin học đối với học sinh lớp 3.

Thành phố Tuyên Quang cũng là địa phương sớm bố trí kinh phí và có kế hoạch xây dựng, trang cấp cơ sở vật chất cho giáo dục từ rất sớm. Đến thời điểm này, thành phố đã hoàn thành xây dựng 59 phòng học, 1 nhà hiệu bộ, 10 phòng chức năng, bếp ăn bán trú và các công trình phụ trợ khác. Hiện nay, thành phố đang tiến hành sửa chữa 114 phòng học, 3 nhà hiệu bộ gồm 30 phòng chức năng và nhiều gói công trình phụ trợ khác.

Với các giải pháp linh hoạt, chủ động, sáng tạo của ngành Giáo dục và Đào tạo, những khó khăn về nhân lực, vật lực cho năm học mới bước đầu đã được tháo gỡ để tất cả thầy và trò quyết tâm vượt qua khó khăn, đạt nhiều thành tích trong dạy và học.


Đồng chí Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương

Năm học 2022 - 2023, huyện Sơn Dương đã ghép 19 điểm trường lẻ về trường trung tâm, sáp nhập 4 trường thành 2 trường liên cấp để tiết kiệm biên chế. Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền phát triển các lớp mầm non ngoài công lập theo chủ trương của tỉnh. Đối với các trường mầm non và trường phổ thông hạng 1 tạm thời chỉ bổ nhiệm 1 phó hiệu trưởng và kiêm chủ tịch công đoàn trường học để tiết kiệm số tiết dạy học trên tuần. Huyện tập trung rà soát, ký hợp đồng với 240 giáo viên thay cho số biên chế thiếu và giáo viên nghỉ chế độ thai sản để đảm bảo công tác dạy và học. Đối với việc thiếu giáo viên Tin học, Ngoại ngữ tại các trường thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đã thực hiện phân công giáo viên của 1 trường dạy cả trường tiểu học và THCS trên địa bàn xã hoặc xã lân cận.


Ông Lê Văn Tuyên, Phó trưởng Phòng Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo

Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu lớn của ngành Giáo dục và Đào tạo. Năm học 2022-2023, ngành tiếp tục thiết lập, quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục trên nền tảng công nghệ số đảm bảo 100% trường mầm non, phổ thông ứng dụng phần mềm quản lý nhà trường; các trường phổ thông sử dụng sổ điểm điện tử; học sinh có mã định danh điện tử và các trường triển khai học bạ điện tử đối với học sinh các lớp đầu cấp. Sở tiếp tục cung cấp các phần mềm phục vụ soạn giảng cho đội ngũ giáo viên, phát động phong trào thiết kế bài giảng điện tử... Đây cũng chính là giải pháp để đổi mới phương pháp dạy, học, tăng tương tác giữa thầy và trò ở trong và ngoài lớp học, giúp học sinh tham gia tích cực, chủ động hơn vào quá trình học tập, khai thác sử dụng các kho học liệu mở và phần mềm miễn phí sẵn có.


Chị Vũ Thị Nga, giáo viên trường THPT Lâm Bình

Để tăng hứng thú học tập cho học sinh, tôi đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy như: Thiết kế các phiếu bài tập đầy màu sắc, lồng ghép hình ảnh để tạo hứng thú học tập hay sử dụng các video để giúp các em phát triển năng lực tự học. Bên cạnh đó, trong các giờ học, tôi còn sử dụng trò chơi vào các hoạt động khởi động hay hình thành kiến thức để tạo không khí sôi nổi cho tiết học (dạy học qua game based learning). Đổi mới phương pháp dạy học giúp giờ học trở nên hiệu quả và tăng khả năng tiếp nhận kiến thức của các em. Ngoài ra, tôi còn tìm hiểu, đọc thêm tài liệu trên Internet để áp dụng, phục vụ tiết dạy hiệu quả. Sáng tạo trong tất cả các khâu của quá trình dạy học để những tiết học hiệu quả, mang lại sự hứng thú say mê trong học tập cho học sinh.

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục