Sức hút mới từ phố đi bộ, chợ đêm

-  Ngay sau khi mở cửa trở lại du lịch, các địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng khôi phục hoạt động của các tuyến phố đi bộ, chợ đêm. Tuy nhiên, việc mở cửa các tuyến phố đi bộ, chợ đêm, ngoài việc tạo thêm không gian văn hóa - thể thao, còn là sức ép trong việc hình thành những điểm đến thực sự hấp dẫn.

Điểm nhấn cho du lịch

Chợ đêm Na Hang hoạt động vào 2 ngày thứ Sáu, thứ Bảy hàng tuần. 9 gian hàng bán đủ các sản phẩm OCOP của các địa phương và 8 gian ẩm thực. 

Tối thứ Bảy, đội văn nghệ của các xã, thị trấn, các tổ dân phố lần lượt thay phiên nhau biểu diễn phục vụ du khách. Mỗi đội chuẩn bị 8 - 9 tiết mục, với những thế mạnh, mang đậm nét văn hóa bản địa riêng có.

Chủ tịch UBND thị trấn Na Hang Chẩu Văn Tuấn cho biết, hoạt động của chợ đêm đã tạo ra điểm nhấn rất ấn tượng với khách du lịch khi đến với Na Hang. Ngoài các gian hàng bán sản phẩm OCOP, các gian hàng ẩm thực cũng tạo được sức hấp dẫn riêng, với các loại đồ ăn đặc trưng như bánh dày, lợn quay, thịt trâu, thịt bò khô nướng than...

Hưởng ứng Lễ hội Thành Tuyên và đón nhận Bằng ghi danh Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, vòng chung kết cuộc thi Người đẹp xứ Tuyên, UBND huyện Na Hang đã quyết định kéo dài hoạt động chợ đêm liên tục từ ngày 22-8 đến hết ngày 25-8. Đảm bảo khách du lịch đến với Na Hang sẽ không phải chờ đến cuối tuần mới có thể tham gia các hoạt động của chợ đêm.

Chợ đêm Na Hang thu hút rất đông khách du lịch. Ảnh: Nguyễn Thìn

Trên địa bàn tỉnh, các địa phương phát triển mạnh về du lịch như Na Hang, Lâm Bình đang đầu tư xây dựng các tuyến phố đi bộ, chợ đêm, với mục tiêu sẽ kéo dài thời gian lưu trú và tăng khả năng chi tiêu của khách. 

Để phố đêm “sáng đèn”

Phát triển kinh tế đêm đã được UBND tỉnh ban hành văn bản để các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai, thực hiện. Trong đó, phố đi bộ, chợ đêm được xem là điểm nhấn, là sức sống của hoạt động này. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm sao khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và điều kiện kinh tế - xã hội của khu vực này và giải quyết hài hòa bài toán giữa phát triển và bảo tồn; khai thác hiệu quả của các nguồn lực bên ngoài và nỗ lực nội tại của người dân. Bên cạnh đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tôn vinh và quảng bá những giá trị văn hóa đặc trưng truyền thống của Tuyên Quang đến người dân và du khách là bài toán cần được tính toán kỹ, để từ đó có kinh tế về đêm bền vững, phù hợp với nhiều đối tượng, lứa tuổi, tín ngưỡng, văn hóa khác nhau.  

Trên thực tế, chỉ khi người dân có doanh thu từ khu vực này, thì việc tham gia, đầu tư để hình thành các sản phẩm hấp dẫn, độc đáo mới thực sự có chất lượng. Phố đi bộ Lâm Bình tại thị trấn Lăng Can đang nỗ lực giải bài toán này, khi hiện nay, lượng khách du lịch đến với phố đi bộ giờ khá vắng vẻ.

Hạn chế này là điều khá dễ hiểu. Tại Lâm Bình, khi du khách nghỉ dưỡng tại các Homestay, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao diễn ra tương đối đồng điệu với các hoạt động tại tuyến phố đi bộ. Việc ăn uống, giao lưu tại các Homestay thường sẽ kéo dài đến khoảng 21, 22 giờ đêm. Trong khi đó, theo UBND thị trấn Lăng Can, hoạt động của phố đi bộ cũng chỉ kéo dài nhất đến 22 giờ 30 phút là đóng cửa. Như vậy, đã thấy có độ trễ nhất định giữa thời gian của du khách và thời gian hoạt động của phố đi bộ này.

Người dân thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) làm cơm lam, đồ xôi phục vụ khách du lịch.

Một trong những nguyên nhân nữa khiến phố đi bộ ở Lâm Bình chưa thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn là chưa kích thích được người dân trong khu vực cùng tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, kinh doanh dịch vụ.  Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Can Nguyễn Văn Tuấn cho biết, ngoài gian hàng bán đồ thổ cẩm của Hợp tác xã thổ cẩm Lâm Bình, hiện tại, cả tuyến phố chỉ có 3 - 4 gian hàng bán đồ ăn, nước giải khát. Đội văn nghệ của tổ dân phố Nặm Đíp có tham gia hoạt động, nhưng cũng không thể... cứu vãn được tình hình.

Giải pháp hiện nay của UBND thị trấn Lăng Can là vận động bà con trong khu vực mở thêm các gian hàng bày bán sản phẩm đặc trưng của địa phương; phối hợp với các cơ sở Homestay quanh khu vực giới thiệu khách du lịch về hoạt động của tuyến phố đi bộ. Đồng thời, chỉ đạo các tổ dân phố thành lập các đội văn nghệ, đội thể thao... để thay phiên nhau tham gia biểu diễn, tạo nét mới mẻ, hấp dẫn cho du khách.

Huyện Na Hang cũng đang nỗ lực cải thiện chất lượng hoạt động tại chợ đêm. Cùng với hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, việc thu hút các đơn vị vào kinh doanh đang được UBND huyện Na Hang mời gọi, khuyến khích. Đồng thời, trước lượng khách du lịch đổ về ngày càng đông, UBND huyện đang khẩn trương xây dựng thêm các gian hàng bán sản phẩm OCOP và 1 khu vực riêng chuyên phục vụ ẩm thực tại khu vực tổ 6. 

Với việc ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 phê duyệt Đề án “Phát triển Kinh tế ban đêm ở Việt Nam” của Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động của các địa phương và đặc biệt là các chương trình kích cầu, thu hút khách du lịch đến với tỉnh rất thành công thời gian qua, có thể thấy, cơ hội cho các phố đêm sáng đèn đang rất gần. Chủ trương này tạo động lực rất lớn để các địa phương, doanh nghiệp cùng chung tay góp sức xây dựng một nền kinh tế đêm náo nhiệt, đa dạng, tạo ra những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước, tăng nguồn thu cho du lịch, thương mại, dịch vụ…

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục